Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Những cảnh đời khốn khó ở D’ran

VĂN VIỆT
Không may có người thân gặp hoạn nạn, hàng chục gia đình ở thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương đã nghèo nay lâm cảnh gieo neo hơn. Chính quyền địa phương chỉ đủ khả năng hỗ trợ họ một phần nhỏ, nên rất cần ở sự chung tay nhân ái của cộng đồng.

Thăm nhà hai vợ chồng nghèo Nguyễn Hải (sinh năm 1973) và Tạ Hồng Tuyết (sinh năm 1978), số 168, thôn Đường Mới, thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương, trông vô cùng khốn khó. Không có đất đai sản xuất và chăn nuôi, không có nghề nghiệp ổn định, hai vợ chồng Hải - Tuyết ngày ngày đi làm thuê cuốc đất, bón phân cho những chủ vườn trên địa bàn huyện Đơn Dương. Một ngày gần giữa tháng 8/2011, người vợ Tạ Hồng Tuyết tranh thủ từ nơi làm thuê về nhà trước 11 giờ để mua sữa cho đứa con trai tật nguyền đã lên 8 tuổi, tên là Nguyễn Minh Quân. Quân là đứa con trai thứ 4 của vợ chồng Hải - Tuyết khi sinh ra vẫn phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Không ngờ từ 6 tháng tuổi trở đi, bé Quân lâm bệnh sốt co giật mỗi ngày một nặng thêm, phải đưa đi cứu chữa từ các bệnh viện trong tỉnh Lâm Đồng đến các bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng vẫn không có kết quả.
Hội chẩn cuối cùng, các bác sĩ ở một bệnh viện lớn tại thành phố Hồ Chí Minh trả lời bé Quân bị bệnh khối u bẩm sinh trong não, không thể phẫu thuật được. Không còn cách nào khác, vợ chồng Hải - Tuyết phải đưa bé Quân về nhà ngày đêm đặt nằm co rút tay chân trên giường, tự vật vã với bệnh bại liệt trong hoàn cảnh gia đình quá nghèo. Đến nay, cuộc sống gia đình vợ chồng Hải- Tuyết ngày càng túng quẫn. Hai người con trai đầu phải lần lượt nghỉ học từ năm lớp 6, ở nhà thay phiên với ba mẹ bồng ẵm, tắm rửa, đút từng muỗng sữa cho em Quân 8 tuổi như nuôi giữ một đứa trẻ chưa đến tuổi thôi nôi. Người họ hàng của vợ chồng Hải- Tuyết ở xung quanh thị trấn D’ran đều gặp khó khăn trong kinh tế, không thể giúp được vật chất, tiền bạc cho bé Quân. Đã vậy trong đầu tháng 8/2011 vừa qua, vợ chồng anh chị của vợ chồng Hải- Tuyết lại phải đưa bé trai mới hơn một tuổi nhập viện sau cơn sốt ập đến, sau đó phát hiện một khối u trong tủy sống, hiện các bác sĩ đang theo dõi để quyết định có phẫu thuật hay không.

Nằm xuôi về hướng đông của cùng địa bàn thị trấn D’ran, cách nhà vợ chồng Hải - Tuyết chừng vài cây số là nhà số 266, thôn Lâm Tuyền có cụ bà Nguyễn Thị Phê, 88 tuổi, bị bệnh ung thu nằm liệt giường hơn 3 năm qua. Bà Phê nằm yếu ớt với bệnh tật ở phòng trên thì ở phòng bên dưới có người con trai tên Nguyễn Hữu Lễ, 51 tuổi, bị mất trí, sinh hoạt hàng ngày theo bản năng tiểu tiện, đại tiện ở bất cứ nơi nào trong căn nhà này. Việc chăm sóc người mẹ già trọng bệnh và người anh trai lơ ngơ là nhờ người con trai út Nguyễn Hữu Phép cùng vợ, năm nay đã 46 tuổi.
Đồng cảnh với vợ chồng Hải - Tuyết ở thôn Đường Mới, gia đình anh Phép cũng là hộ nông dân nghèo, thiếu đất sản xuất và chăn nuôi, phải đi tìm việc làm thuê mướn lao động tay chân hàng tháng, thu nhập bấp bênh và ít ỏi. Vợ anh Phép làm nghề bán vé số bằng chiếc xe đạp cũ kỹ, thu nhập mỗi ngày năm, ba chục ngàn đồng. Vợ chồng anh trang trải cái ăn đắp đổi qua ngày, nhưng phải để dành một khoản thu nhập rất khó khăn để nuôi mẹ già và người anh trai cùng bị trọng bệnh. Chưa kể thời gian chăm sóc 2 bệnh nhân trong nhà này, anh Phép và vợ phải thay nhau cho mẹ và anh uống sữa, tắm rửa, giặt giũ và vệ sinh cá nhân…mỗi ngày liên tục năm lượt, bảy lần. Nhiều khi về đêm nghe tiếng kêu rên, phải đánh thức nhau dậy xoa bóp, vịn đỡ, thay quần áo... cho mẹ và cho anh, khiến sức khỏe anh Phép và vợ ngày một giảm sút đến khả năng lao động làm thuê và giảm mức thu nhập.
Buổi trưa, tôi đến thăm một căn phòng gỗ mục nát của người bệnh tâm thần Nguyễn Thị Lan, tuổi khoảng gần 60, nằm khuất sau trung tâm thị trấn D’ran. Bên cạnh là căn phòng của người con trai gần 30 tuổi, cũng bệnh tâm thần như mẹ. Đã 15 năm, 2 mẹ con tâm thần này sống trong vườn nhà của người chị ruột đã gần 70 tuổi; được cưu mang ăn uống, thuốc thang từng giờ. Hôm đó cả hai mẹ con tâm thần đều ra khỏi căn phòng, khiến người thân phải vội chạy đi tìm mới gặp người mẹ đang lững thững ven bờ sông Đa Nhim và người con lang thang trên vườn rẫy
.
Chị Trần Thị Lệ Thu, phụ trách công tác thương binh xã hội, thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương nói rằng, những trường hợp không may trên nằm trong số khoảng 90 người cư trú trên 13 thôn của địa bàn, hầu hết gia đình họ thuộc diện hộ nghèo. Hàng tháng ngân sách của chính quyền thị trấn D’ran chi ra hỗ trợ mỗi người hoạn nạn, tàn tật, số tiền thấp nhất là 240 ngàn đồng, cao nhất là 480 ngàn đồng. Lâu lâu Hội Chữ thập đỏ thị trấn D’ran, Đơn Dương tìm được nguồn từ các cơ sở từ thiện, các nhà hảo tâm hỗ trợ họ thêm một phần nữa. Nhưng phần lớn trực tiếp nuôi dưỡng họ là những người thân nghèo trong gia đình, ngày đêm vẫn ráng vắt hết sức lực và những đồng tiền cực nhọc còn kiếm được của mình.
 Chủ Nhật, 14/08/2011 (GMT+7)