Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Định canh hoa ly dưới chân núi Voi

VĂN VIỆT
Mạnh dạn chuyển đổi từ diện tích rau xanh sang trồng hoa ly công nghệ cao dưới chân núi Voi, nhiều hộ nông dân ở Hợp tác xã An Phú, Đức Trọng đang tăng cao thu nhập của mình.
Người đầu tiên định canh hoa ly dưới chân núi Voi thuộc xã Hiệp An, huyện Đức Trọng là ông Lê Văn Ba, Chủ nhiệm HTX An Phú tọa lạc nơi này. 

Ông Ba kể lại: HTX An Phú, Hiệp An, Đức Trọng có 12 hộ xã viên canh tác trên 15 ha, chủ yếu trồng rau xanh quanh năm. Những năm được mùa, rau xanh cũng đem lại thu nhập đáng kể với lãi trên trăm triệu đồng mỗi năm trên mỗi ha. Ngược lại, có những thời điểm rớt giá thê thảm, người nông dân thua lỗ nặng nề. Cân đối lúc được giá mất mùa với lúc được mùa mất giá, trong một năm trồng rau xanh, người nông dân Hiệp An khó có cơ hội để làm giàu nhanh và làm giàu bền vững. Trăn trở mãi, ông Ba quyết định đi trước đưa giống hoa ly cao cấp nhập từ Hà Lan về trồng thử nghiệm trên 01 sào đất ban đầu vào tháng 7/2010. “Thật tình trong cái quyết tâm chuyển đổi từ rau sang trồng hoa ly của mình, tôi lo lắng mất ngủ nhiều ngày. 
Từ bên ngoài, ý kiến động viên cũng nhiều, nhưng ý kiến bàn ra không phải là ít. Cuối cùng tôi tự nhủ phải canh tác bằng tất cả khả năng hiểu biết và kinh nghiệm thực tế của mình, nếu không thành công sẽ tiếp tục tìm tòi sang các loài cây khác. Lỗ quá thì bán bớt diện tích đất hiện có để bù lại…” – ông Ba nhắc lại tâm trạng của mình lúc đó.
Rồi mấy tuần đầu đặt củ giống hoa ly xuống đất, hồi hộp theo dõi từng chồi nụ hé mở, ông Ba lại có nhiều cảm giác đan xen. Mừng bao nhiêu với từng luống hoa chắc cành xanh lá, thì bồn chồn bấy nhiêu với những hàng hoa cứ héo rũ vàng úa dần rồi chết. Kết thúc lứa hoa đầu với 3 tháng nặng nề trôi qua, tỷ lệ hoa chết trên 01 sào đất trồng thử nghiệm lên đến hơn 10%. Nhưng không sao. Hạch toán trừ toàn bộ chi phí đầu tư trên 01 sào hoa ly đầu tiên, ông Ba thu lãi được khoảng 60 triệu đồng. Bài học rút ra từ “vạn sự khởi đầu nan” này là: Phải cải tạo đất thật kỹ, thật tơi xốp bởi đất dưới chân núi Voi, đá tảng, đá cục rất nhiều, phải công phu thu gom, vận chuyển đi nơi khác trong nhiều ngày. Và phải chăm sóc bằng phân bón, thuốc trừ sâu, tưới tiêu bằng các chế độ khác nhau để chọn ra một chế độ hiệu quả nhất. Rồi việc che phủ lưới tránh nắng, tránh mưa, tránh gió cho hoa phải linh hoạt theo thời tiết từng giờ, từng ngày. Từ những kiến thức tự làm và tự đúc kết từ trên đồng hoa của mình, đến tháng 9 và tháng 10/2010, ông Ba đồng loạt trồng đại trà hoa ly trên diện tích 1,5 ha, tỷ lệ cây sống và cho hoa đạt từ 95% đến 97%.
Ông Ba cho biết, để trồng 01 sào hoa ly, phải có nguồn vốn đầu tư khoảng 250 triệu đồng gồm xây nhà lưới, mua củ giống, vật tư phân bón và công lao động. Trồng đúng quy trình kỹ thuật của ông Ba tự đúc rút nêu trên, mỗi năm trồng được 2 lứa (6 tháng), thu lãi khoảng 120 triệu đồng. 6 tháng còn lại tiếp tục trồng xen canh các loại rau xanh, đất sẽ không bị chai cứng khi trở lại trồng hoa ly. Ông Ba ước tính với nguồn lãi bán hoa ly thời điểm tháng 6/2011, mỗi cành hoa từ 15 ngàn đồng đến 17 ngàn đồng, thì thu lãi gấp trên dưới 10 lần khi trồng rau trên cùng một diện tích đất. Số lãi trồng hoa ly dưới chân núi Voi bằng khoảng 70% trồng hoa ly trên cao nguyên Đà Lạt.
Từ kinh nghiệm của ông Lê Văn Ba, Chủ nhiệm HTX An Phú, đã có 2 hộ xã viên trong HTX này đang chuyển đổi trồng mới trên 5 sào hoa ly, hiện đang vươn cành xanh tốt. Kế hoạch phát triển đến năm 2012 của HTX An Phú sẽ hình thành diện tích chuyên canh hoa ly lên đến 3 ha, tất cả đều thay thế đầu tư nhà lưới sang đầu tư nhà kính, kinh phí nhiều hơn gấp nhiều lần, nhưng chắc chắn độ rủi ro về dịch bệnh cho hoa sẽ phòng tránh được hiệu quả hơn. 

Đặc biệt, với mong muốn giảm đáng kể nguồn vốn mua giống củ hoa ly trực tiếp từ Hà Lan, ông Lê Văn Ba đang tiếp tục mạnh dạn dành 01 sào đất để trồng hoa ly lấy củ giống. Và bố trí 01 nhà kho lạnh rộng 100 mét vuông, ông Ba dùng bảo quản số củ hoa ly sản xuất được sau 4 tháng. Kết quả trồng ban đầu với giống hoa ly sản xuất tại chỗ, số lượng cành hoa thu được mới chỉ bằng một nửa so với số củ giống hoa ly mua trực tiếp từ Hà Lan. Ông Ba tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật trồng hoa ly lấy củ giống với quyết tâm cao nhất như hồi mới đưa giống hoa ly về trồng dưới chân núi Voi. Kết quả tạo giống hoa ly tại Hiệp An, Đức Trọng vẫn còn chờ đợi ở nhiều thời gian phía trước, nhưng hy vọng vẫn đang mở ra với người nông dân.
              Thứ Năm, 16/06/2011 (GMT+7)