VĂN VIỆT
Theo kế hoạch đến đầu tháng 8/2012, nông dân xã An
Nhơn, Đạ Tẻh và xã Tư Nghĩa, Cát Tiên đồng loạt gieo sạ trồng một loại giống lúa
xác nhận trên 40 ha, chính thức khởi động mô hình cánh đồng lúa mẫu ở Lâm Đồng.
Ông
Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết: Từ đầu
tháng 7/2012 đến nay, dưới sự chủ trì của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, sự phối
hợp của Trung tâm Nông nghiệp của 2 huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên, cùng với chính quyền
địa phương của 2 xã An Nhơn và Tư nghĩa, đã thống nhất lựa chọn 68 hộ nông dân
tham gia xây dựng mô hình cánh đồng lúa mẫu với tổng diện tích 40 ha.
Trong đó ở
xã An Nhơn, Đạ Tẻh có 52 hộ tham gia trồng lúa trên 30 ha; xã Tư Nghĩa, Cát
Tiên có 16 hộ tham gia trồng trên 10 ha. Tất cả những diện tích này đều liền bờ,
liền thửa, thuận lợi trong điều kiện canh tác theo tiêu chí cánh đồng mẫu của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Những nông hộ được chọn ở đây đều có nhiều
kinh nghiệm trong sản xuất lúa chất lượng và năng suất cao; có đủ nguồn vốn đối
ứng để xây dựng mô hình, có đủ lao động sản xuất theo quy trình sản phẩm lúa an
toàn, tự nguyện tham gia, có khả năng nắm bắt và vận hành các loại cơ giới trên
đồng ruộng, cam kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật của đơn vị đầu tư…
Với
tổng kinh phí xây dựng 40 ha lúa cánh đồng mẫu, dự toán ban đầu gần 600 triệu đồng,
trong đó nông hộ đóng góp khoảng 40%;
còn lại 60% vốn là nguồn vốn khuyến nông của Lâm Đồng. Những chi phí chính
ở đây gồm giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chuyển giao kỹ thuật
mới…Nông hộ có đất, có công lao động và có vốn đối ứng, được hưởng 100% sản lượng
lúa thu hoạch. Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng- cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm
hướng dẫn và chuyển giao trực tiếp cho nông hộ từng quy trình kỹ thuật sản xuất
lúa mẫu, từ khâu làm đất, khâu gieo sạ đến suốt quá trình chăm sóc tưới nước,
bón phân, làm cỏ, phòng trừ dịch hại và cuối cùng là khâu thu hoạch bằng máy gặt
đập liên hợp, liên hệ với các nhà doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. “Chúng tôi
phân công từ 2- 3 kỹ sư của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, phối hợp cùng với
các kỹ sư của Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh và huyện Cát Tiên, thường xuyên
có mặt trên 40 ha cánh đồng mẫu, giúp nông dân chăm sóc theo đúng từng quy
trình kỹ thuật mới… ”-Giám đốc Nguyễn Trúc Bồng Sơn nói.
Theo
quy trình mới của cánh đồng mẫu ở Lâm Đồng được triển khai với kỹ thuật “3 giảm,
3 tăng” ( giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng
phân đạm; tăng năng suất, tăng chất lượng lúa gạo và tăng hiệu quả kinh tế ) và
kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” ( phải dùng giống lúa xác nhận; giảm lượng nước vừa đủ,
giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm lượng giống gieo sạ, giảm sử dụng thuốc bảo
vệ thực vật và giảm lượng phân bón). Các chỉ tiêu kỹ thuật gồm: gieo sạ tập
trung để tránh rầy theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp Lâm Đồng; các khâu kỹ
thuật đều đạt theo hướng VietGap, có ghi chép đầy đủ, sản phẩm đạt chất lượng
cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Kết
quả đến cuối tháng 7/2012, Trung tâm đã chọn giống lúa xác nhận, thuộc danh mục
sử dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, tên là OM4900. Đây
là giống lúa cây cứng, kháng bệnh vàng lùn, vàng xoắn lá; hạt dài và dày, chất lượng gạo thơm ngon, đạt
chất lượng xuất khẩu, năng suất mỗi ha đạt từ 5 – 6 tấn trở lên, mỗi năm có thể
gieo trồng đến 3 vụ…Đầu tháng 8/2012, giống lúa OM4900 chính thức gieo sạ đồng
loạt trên 40 ha cánh đồng mẫu ở An Nhơn, Đạ Tẻh và Tư Nghĩa, Cát Tiên. Theo thời
gian sinh trưởng của giống lúa OM4900 từ 100- 105 ngày, thì trong tháng 11/2012
sẽ thu hoạch toàn bộ diện tích cánh đồng mẫu này. So sánh sản lượng lúa trên
cánh đồng mẫu sẽ cao hơn sản lượng lúa trên cùng diện tích của nông hộ sản xuất
thông thường hiện nay từ 10 – 12%.
Cũng
theo ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết
thêm: Trong thời gian sản xuất cánh đồng mẫu, Trung tâm sẽ chủ trì tổ chức ít
nhất 3 hội thảo đầu bờ, mỗi hội thảo thu hút từ 120 nông hộ trở lên, gồm số nông
hộ đang thực hiện mô hình và nông hộ đang sản xuất lúa thông thường trên địa
bàn tham dự. Mục tiêu hướng đến từ mô hình cánh đồng lúa mẫu sẽ tiếp tục nhân rộng
trên các vùng lúa trọng điểm của Lâm Đồng, từ đó từng bước rút ngắn khoảng cách
chênh lệch giữa các vùng sản xuất lúa, giữa các nông hộ sản xuất trên các thửa
ruộng khác nhau, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn với năng suất và giá trị ngày
càng nâng cao, ổn định đầu ra, tạo sự an tâm cho nông dân sản xuất trên từng diện
tích lúa của mình./.
Tháng 7/2012