VŨ VĂN
Từ năm 2008 đến nay, thực hiện Chỉ thị
36 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
trên địa bàn, đã tạo ra bước chuyển mới từ những hình thức tuyên truyền lồng
ghép đa dạng, thiết thực.
Theo ông Lê Thành, Phó phòng tuyên truyền pháp luật,
Sở Tư pháp Lâm Đồng : Những hình thức tuyên truyền pháp luật lồng ghép đa dạng,
phù hợp với từng đối tượng, đã tác động tích cực và hiệu quả trong đời sống
pháp luật của cán bộ, công chức ở từng ngành, từng cơ quan đơn vị và nhân dân từng
địa phương.
Như ở địa bàn vùng sâu vùng xa trong tỉnh Lâm Đồng, thường xuyên có
đội chiếu bóng lưu động về lồng ghép “chiếu” các nội dung pháp luật khoảng 15
phút trước khi chiếu các bộ phim chính. Những nội dung pháp luật lồng ghép ở
đây thường liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người dân như Luật Bảo vệ và
phát triển rừng, Luật Khiếu nại và tố cáo. Bên cạnh đó các cấp hội và đoàn thể
chính trị ngay từ cơ sở đã lồng ghép trong nhiều chương trình hành động của
mình để vận động hội viên và người thân không phá rừng làm nương rẫy, không
nghe theo kẻ xấu truyền đạo trái phép, không nghe theo lời của những kẻ kích
động, xúi giục khiếu kiện đông người, vi phạm pháp luật. Đồng thời lồng ghép
trong sinh hoạt câu lạc bộ của nhiều đoàn thể chính trị như câu lạc bộ “tuổi
trẻ phòng chống tội phạm”, “phụ nữ với pháp luật ”, “nông dân với pháp luật”,
“nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “phụ nữ không sinh con thứ ba”…để biên soạn, cấp
phát hàng vạn các tài liệu như sách pháp luật phổ thông dạng bỏ túi, tờ gấp
pháp luật; tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động, tuyên truyền pháp luật trên hệ
thống truyền thanh không dây, tuyên truyền bằng tiếng Việt và tiếng Cơ Ho. Về
nội dung biên soạn tài liệu pháp luật theo dạng hỏi và đáp, tờ gấp tin 4 màu,
có hình ảnh minh họa đẹp mắt. Thống kê trong 3 năm qua- mỗi năm, các ngành, cơ
quan, đơn vị trong tỉnh Lâm Đồng đã cấp 750 ngàn tờ gấp pháp luật đến tận tay
người tiếp nhận pháp luật. Những cơ quan và địa bàn làm tốt việc cấp phát tờ
gấp pháp luật trong tỉnh Lâm Đồng là Sở Tư pháp, Liên đoàn Lao động tỉnh, Cục
thuế tỉnh, UBND thành phố Đà Lạt, UBND huyện Đam Rông, UBND huyện Lâm Hà.
Hình thức sân khấu hóa các tình huống pháp luật cũng
là một kênh lồng ghép thiết thực, hấp dẫn số đông người tham gia từ xã, huyện
lên đến tỉnh. Ngoài ra còn có hình thức tuyên truyền pháp luật qua việc triển
khai quy ước thôn, khu phố văn hóa; tuyên truyền pháp luật qua các buổi tập
huấn, hội nghị, hội thảo như huyện Cát Tiên mở gần 2.000 hội nghị, thu hút hơn
290 ngàn lượt người tham gia; huyện Đơn Dương tuyên truyền lồng ghép 500 buổi
họp khu dân cư, thu hút hơn 41 ngàn lượt người tham dự. Chưa kể nhiều đoàn công
tác lồng ghép tuyên truyền pháp luật qua các đợt kiểm tra chế độ tạm giam hình
sự, tạm giữ hành chính trên địa bàn Lâm Đồng. Tại Sở Tư pháp Lâm Đồng, từ năm
2008 đến nay, đã tổ chức gần 120 hội nghị tập huấn pháp luật cho cán bộ tư pháp
và cán bộ chủ chốt từ xã, huyện đến tỉnh ( có giành thời gian để học viên trao
đổi, thảo luận làm rõ những vướng mắc về pháp luật ), thu hút 18 ngàn lượt
người tham dự. Số tài liệu pháp luật được cấp phát từ Sở Tư pháp trong 3 năm
qua gồm: gần 3.000 cuốn đề cương với 6 chủ đề pháp luật, 40 ngàn tờ gấp pháp
luật tiếng Việt và tiếng Cơ Ho, hơn 2.000 đĩa hình, đĩa tiếng, đĩa dữ liệu…
Đánh giá của cơ quan tuyên truyền pháp luật, Sở Tư
pháp Lâm Đồng cho biết: Hiệu quả tuyên truyền pháp luật lồng ghép trong 3 năm
qua trước hết thể hiện năng lực vận dụng thi hành pháp luật của đội ngũ cán bộ
công chức Lâm Đồng được nâng lên trên từng vị trí công việc. Các tầng lớp nhân
dân Lâm Đồng tiếp cận pháp luật tuyên truyền lồng ghép hấp dẫn, dễ hiễu, đã thể
hiện ngày càng sinh động hơn trong nếp sống và làm việc theo hiến pháp và pháp
luật. Tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp đã giảm hẳn. Tình hình an ninh
chính trị và trật tự an toàn xã hội với nhiều chuyển biến mới đáng kể, tạo môi
trường pháp lý lành mạnh cho mọi hoạt động kinh tế xã hội Lâm Đồng phát triển
mạnh mẽ hơn./.