Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Rau an toàn quốc tế gắn nhãn hiệu “Rau Đà Lạt”

VĂN VIỆT
Được công nhận sản phẩm rau an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, Công ty Đà Lạt Gap, một công ty gia đình của ông Lê Văn Cường ở phường 8, Đà Lạt, đã đàng hoàng gắn nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” trên 12 loại rau bán ra trên thương trường trong nước và quốc tế. 
Là một trong những doanh nghiệp lần đầu tiên được chính quyền thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng chọn cấp Chứng nhận nhãn hiệu “Rau Đà Lạt”, Công ty Đà Lạt Gap đã có một quá trình xây dựng hoàn chỉnh mô hình sản xuất rau an toàn công nghệ cao với cả một thập niên trước đó. Giám đốc Lê Văn Cường nhớ lại: Khởi nghiệp nghề trồng rau an toàn công nghệ cao của công ty gia đình ông chỉ trên dưới 1,5 ha, nguồn vốn đầu tư tự huy động trong họ hàng, thân quen. Trồng có kết quả trong một vài năm đầu thì nhận ra quy mô sản xuất của công ty gia đình ông Cường quá nhỏ bé so với nhu cầu quá rộng lớn của thị trường rau an toàn xuất khẩu. Nhưng muốn mở rộng quy mô sản xuất thì bắt buộc phải cần hội đủ nhiều yếu tố chính như đất đai, nguồn vốn, kỹ thuật, nhân lực, trong đó yếu tố vốn là cần thiết nhất đối với công ty gia đình của ông Cường. Đúng lúc này, ông Cường được chọn việc lập phương án kêu gọi vốn hỗ trợ sản xuất rau an toàn đạt chuẩn quốc tế từ một đối tác ở châu Âu. Đối chiếu phương án với thực tiễn sản xuất khá thuyết phục trên đồng rau nhà kính, dự án hỗ trợ vốn từ đối tác châu Âu này đã nhanh chóng chấp thuận giải ngân một nguồn vốn tương đối đáp ứng cho công ty ông Cường hàng ngày có một lượng sản phẩm rau nhất định để thâm nhập ra “thị trường biển lớn”, từng bước khẳng định thương hiệu Đà Lạt Gap uy tín, chất lượng của mình.
 Vậy là từ 1,5ha sản xuất ban đầu, Đà Lạt Gap mở rộng lên thành 5 ha. Tất cả 12 loại rau đều sản xuất trong nhà kính theo hướng dẫn từ các chuyên gia châu Âu. Toàn bộ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cho cây rau đều tuân thủ theo danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Tất cả nguồn thuốc sinh học đều được ưu tiên để sử dụng. Nguồn nước, chất đất sau khi bồi bổ, cải tạo đều đạt tiêu chuẩn sạch và an toàn. Nguồn giống sạch được nhập về từ châu Âu, sau đó gieo ươm trong môi trường cũng đạt chuẩn sạch trước khi xuống giống trồng. Sản xuất sạch, cho ra những sản phẩm rau sạch với diện tích và sản lượng tăng lên tương ứng bao nhiêu đều được các siêu thị trong nước và nước ngoài đặt hàng tiêu thụ hết bấy nhiêu. Qua thị trường tiêu dùng và kết quả kiểm nghiệm của một tổ chức nông nghiệp ở châu Âu, 12 loại rau sản xuất ở Công ty Đà Lạt Gap đã đạt tiêu chuẩn thực hành tốt nông nghiệp toàn cầu (Globai Gap). Đồng thời xưởng sản xuất chế biến, đóng gói của Đà Lạt Gap được cấp Chứng nhận đạt yêu cầu về hệ thống phân tích và kiểm soát độ an toàn của 12 sản phẩm rau. 
Để góp phần nhân rộng mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn thực hành tốt nông nghiệp toàn cầu tại Đà Lạt, Giám đốc Đà Lạt Gap, ông Lê Văn Cường đã chủ động ký hợp đồng liên kết với nhiều hộ nông dân quanh vùng sản xuất thêm 2 ha rau nữa. Hình thức liên kết là công ty chịu trách nhiệm giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm; nông dân có đất, vốn và công lao động. Kết quả khẳng định, nếu có đủ nguồn vốn vay hỗ trợ từ nhà nước hoặc các đối tác có năng lực khác, tất cả mọi người nông dân Đà Lạt đều có thể tiếp cận nhanh công nghệ, kỹ thuật mới, sản xuất nhiều chủng loại rau an toàn đạt tiêu chuẩn toàn cầu. Tính riêng trong 3 năm qua, ước trung bình mỗi năm, Đà Lạt Gap tiêu thụ hàng trăm tấn rau an toàn từ liên kết giữa công ty với nông dân, trong đó chiếm trên dưới 50% sản lượng rau cung cấp đều đặn sang thị trường “khó tính” Nhật Bản. Cộng với sản lượng rau an toàn tại công ty đã ước đạt tổng doanh thu nhiều tỷ đồng mỗi năm; trừ hết thảy mọi chi phí đầu tư thì tỷ lệ lợi nhuận đạt từ 30% đến 35%.
Đến nay đã ổn định và tiếp tục phát triển những hợp đồng sản xuất, tiêu thụ rau an toàn với những đối tác lớn trong nước và quốc tế, Công ty Đà Lạt Gap đang đàng hoàng tiến bước vào thương trường, hội nhập với niềm vui được gắn nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” trên 12 chủng loại rau gồm: bông cải xanh, ớt chuông, cải thảo, rau mùi, cải thìa, cà chua, bông cải trắng, bắp cải, bí xanh, các loại rau xà lách, rau bó xôi. Từ đây, cũng theo ông Lê Văn Cường - Giám đốc Công ty Đà Lạt Gap, với vinh dự này, nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” đang đặt ra những trách nhiệm chung đối với tất cả những người trồng rau ở Đà Lạt và các vùng phụ cận Lạc Dương, Đức Trọng và Đơn Dương, phải luôn tự nhắc mình về trách nhiệm giữ gìn uy tín và không ngừng nâng tầm mức giá trị của nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” trên đường vươn xa, vươn cao hơn nữa.
Chủ Nhật, 16/10/2011 (GMT+7)