Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Chuyển đổi rau và hoa nhà kính ở Hà Đông

VĂN VIỆT
Bên cạnh giống hoa cúc chủ lực một cành, làng hoa Hà Đông, phường 8, Đà Lạt đang chuyển đổi thử nghiệm giống cà chua bi và giống dâu tây trồng trong nhà kính năng suất cao, bước đầu phát triển khá khả quan.
Làng nghề truyền thống trồng hoa ấp Hà Đông, phường 8, Đà Lạt, trong vòng mười năm qua gần như đã phủ kín nhà kính trồng những giống hoa công nghệ cao. Đó là các giống hoa trồng thời gian đầu như bi bi, sa lem, đồng tiền, cúc chùm…rồi 3 năm trở lại đây tiếp tục chuyển đổi toàn bộ sang trồng chuyên canh giống hoa cúc một cành. Anh Vũ Nhuần, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Hà Đông,  phường 8, Đà Lạt cho biết:  Tổng diện tích hoa cúc một cành nhà kính ở Hà Đông hiện nay là 60ha, tăng khoảng vài ha so với năm ngoái và chiếm gần 100% diện tích đất nông nghiệp của địa bàn. Chia đều ra 180 hộ dân thì mỗi hộ chỉ đang canh tác hơn 0,3ha. Diện tích hạn hẹp, địa hình dốc dài và trũng sâu, nên việc chuyển đổi trồng hoa cúc một cành, đã chứng tỏ sự thích nghi quanh năm phát triển trên nền đất ẩm ướt, nhưng ít tốn công chăm sóc, đạt hiệu quả kinh tế hơn so với trồng các giống hoa nhà kính khác, đặc biệt là giống hoa cúc chùm.
Anh Vũ Nhuần cũng là một nhà nông canh tác hoa nhà kính lâu năm trên đất Hà Đông, phường 8, Đà Lạt. Với 6 sào đất trồng hoa cúc một cành (một trong những hộ gia đình có diện tích trồng hoa nhiều nhất ở ấp Hà Đồng), trồng đủ loại sắc màu hoa, mỗi tháng thu hoa bán vào những ngày đầu tháng và giữa tháng. Đạt năng suất trung bình mỗi sào trong năm trên dưới 150 ngàn cành. Thời điểm đầu tháng 9/2011, giá mỗi cành hoa là 1.200 đồng, đạt tổng doanh thu mỗi sào trong năm là 180 triệu đồng. Trừ hết mọi chi phí đầu tư, mỗi sào một năm trồng hoa cúc một cành đạt lãi từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Theo nhà nông Vũ Nhuần, lợi nhuận trồng hoa cúc một cành hiện nay gấp rưỡi đến gấp đôi lần so với trồng hoa cúc chùm trên đất Hà Đông. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số lợi nhuận cao nhất, nên nhà nông Vũ Nhuần đang dành riêng 500 mét vuông đất nhà kính trồng thử nghiệm giống cà chua bi năng suất cao. Đây còn gọi là giống cà chua ngọt, nguồn gốc từ Nhật Bản nhập về Đà Lạt. Qua hơn 2 tháng xuống giống chăm sóc, vườn cà chua bi của  nhà nông Vũ Nhuần đang phát triển khá đạt so với yêu cầu. Hoa vàng nở rực và đậu trái lớp lớp trong nhà kính. Còn nửa tháng nữa mới bắt đầu thu hoạch, nhưng nhà nông Vũ Nhuần ước đoán có thể thu đạt 40 tấn cà chua bi trên mỗi sào mỗi năm. Tính giá thị trường hiện tại mỗi ký 10 ngàn đồng, trừ vốn đầu tư và công chăm sóc, mỗi sào cà chua bi mỗi năm thu lãi trên dưới 150 triệu đồng. Đây là cà chua bi giống mới, trồng bằng hạt, sạch bệnh trong nhà kính, chỉ trồng hơn hai tháng rưỡi sẽ bắt đầu thu hoạch liên tục từ một năm đến một năm rưỡi sau đó; thu mỗi tuần hai đợt.
Nhà nông Vũ Nhuần còn cho biết tự mình đã trồng thử nghiệm 200 chậu dâu tây trong nhà kính ở ấp Hà Đông và đã… thất bại. Nhưng nhờ thất bại, anh Nhuần đã rút ra nguyên nhân do thiếu chế độ giữ ẩm bắt buộc trên mỗi chậu dâu tây. Tìm hiểu với các chuyên gia nông nghiệp ở trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, nhà nông Vũ Nhuần nói rằng đã nắm bắt chắc chắn phương pháp giữ độ ẩm cho dâu tây trong mùa khô, đạt năng suất cao. Quy trình trồng dâu tây trong chậu của nhà nông Vũ Nhuần sẽ triển khai vào đầu tháng 10/2011, gồm các bước chính như: Trộn giá thể xơ dừa với các loại phân bón hữu cơ trong chậu; xếp thành từng chậu trong nhà kính để tập trung tưới nước, phòng trừ dịch bệnh; điều tiết độ ẩm thích hợp; thu trái dâu theo hình thức cuốn chiếu… Lần này, nhà nông Vũ Nhuần trồng thử nghiệm chuyên canh dâu tây trên giá thể xơ dừa, đặt trong nhà kính trên 20 chậu để tham gia triển lãm trong dịp Festival hoa Đà Lạt năm 2012. 

Về lý thuyết, nếu thử nghiệm thành công và chuyển đổi một số diện tích nhà kính trồng hoa hiệu quả thấp hơn sang trồng dâu tây thì: Năm thu hoạch đầu tiên sẽ thu hồi lại toàn bộ nguồn vốn đầu tư, gồm xây nhà kính mới, giống, vật tư, công lao động… khoảng trên dưới 400 triệu đồng mỗi sào. Năm thứ hai bắt đầu thu lãi. Cứ 3 tháng đi vào thu hoạch liên tục (thu hoạch 3 ngày một lần hái) từ 1 năm đến 2 năm sau mới trồng lại lứa mới.
Hy vọng ở ấp Hà Đông, phường 8, Đà Lạt đưa dâu tây trồng trên chậu giá thể xơ dừa vào trong nhà kính, từ lý thuyết đến thực hành là hoàn toàn không có khoảng cách, và sẽ đạt kết quả cao như giống cà chua bi và giống hoa cúc một cành đã chuyển đổi trước đó, mang lại thu nhập tăng nhiều hơn nữa đối với người nông dân nơi này.

 Thứ Ba, 06/09/2011 (GMT+7)