Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Hoa Đà Lạt xác lập bản quyền

VĂN VIỆT
Chính quyền thành phố Đà Lạt đang hoàn chỉnh quy trình đánh giá, xác lập bản quyền “Nhãn hiệu Hoa Đà Lạt”, tiếp tục nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế cho 5 loài hoa là hoa cúc, hoa hồng, cẩm chướng, lay ơn, cát tường được sản xuất tại Đà Lạt và các vùng phụ cận gồm các huyện Lạc Dương, Đức Trọng và Đơn Dương,

Thống kê từ Phòng Kinh tế Đà Lạt, diện tích trồng hoa cắt cành của Đà Lạt và các vùng phụ cận Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương đến nay khoảng 3.200ha, tổng sản lượng ước đạt trên dưới 1,5 tỷ cành/năm. Trong 5 loài hoa đang xác lập bản quyền hoa Đà Lạt năm 2013 có 4 loài hoa canh tác chủ yếu trong nhà kính công nghệ cao gồm hoa cúc, hoa hồng, hoa cẩm chướng và hoa cát tường; 01 loài hoa trồng ngoài trời là hoa lay ơn. Các diện tích hoa do nông dân Đà Lạt và các vùng phụ cận sản xuất, tiêu thụ ở thị trường trong nước thông qua mạng lưới thương lái thu gom nhỏ lẻ tại vườn, sau đó đưa về các chủ vựa lớn từ trung tâm các tỉnh, thành phố lớn để phân phối ra các chợ đầu mối. Hoa thu hoạch cắt cành được nông dân “sơ chế” phân loại với nhiều kích thước khác nhau rồi buộc lại thành từng bó trong bao ni lông hoặc đóng thành từng hộp thùng giấy, bên ngoài ghi địa chỉ chung chung là “Hoa Đà Lạt” ( bằng tiếng Việt hoặc chỉ bằng tiếng Anh). Riêng thị phần xuất khẩu hoa Đà Lạt trong những năm gần đây ( ước tính chiếm khoảng trên dưới 10% trên tổng sản lượng hoa thu hoạch) phần lớn thuộc về thương hiệu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoa với quy mô lớn, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ bảo quản sau thu hoạch…
Trước tình hình trên, để xác lập bản quyền chính thức của sản phẩm hoa Đà Lạt - theo anh Nguyễn Đình Thiện, Phó Phòng Kinh tế Đà Lạt, cần phải thống nhất các quy định về tiêu chuẩn, hình thái mẫu mã trên từng loại hoa từ khâu sản xuất đến khâu thu họach, khâu “sơ chế” đóng gói và vận chuyển… . Cụ thể với hoa cúc nên thu cắt vào buổi sáng sớm, chỉ cắt khi hoa đã nở 2/3 số cánh hoa, nhằm tránh tình trạng hoa mất quá nhiều nước và không nở đều trong thời gian sử dụng. Hoa cúc có chiều dài mỗi cành phải đạt từ 60- 70cm, đường kính mỗi đóa hoa cúc phải đạt tiêu chuẩn theo nhiều loại khác nhau như từ 2-3cm (hoa cúc nhỏ); từ 4- 5cm ( hoa cúc tía, hoa cúc chùm); từ 6- 7cm ( hoa cúc đơn). Trên bề mặt lá và bề mặt hoa đều bắt buộc không có vết nấm bệnh, không có vết cặn bã của thuốc bảo vệ thực vật. Số lượng mỗi bó hoa cúc tối thiểu phải đạt trên dưới 10 cành. Hoa cúc cần bảo quản tươi trong các chất dung dịch an toàn từ 4-5 giờ trước khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ ở địa phương. Trường hợp vận chuyển đi xa, có thể “đóng” hoa cúc trong thùng giấy “các tông” với chiều dài 120cm; chiều rộng và chiều cao bằng nhau- mỗi chiều 60cm, sức chứa đến 1.500 cành.
Tương tự với các biện pháp sản xuất sạch bệnh, an toàn, sản phẩm hoa hồng được gắn “Nhãn hiệu hoa Đà Lạt” phải đáp ứng các yêu cầu: chiều dài cành hoa thu cắt từ 55- 65cm, đường kính đóa hoa từ 3-4cm; từ 10-13cm phần cuối của cành hoa phải loại bỏ hết các lá khi bó hoa. 
Về hoa cẩm chướng khi cắt cành phải đạt chiều cao từ 50- 55cm với cành 3 nụ, từ 60 – 65cm với cành 4 nụ. Hoa cát tường bán trong thị trường địa phương phải cắt khi có 4 đóa hoa hé nở; cắt bán ở thị trường ngoài tỉnh khi có đóa hoa hé nở; chiều dài cành hoa từ 45-50cm; đường kính hoa từ 4- 5 cm. Cuối cùng là hoa lay ơn khi mang “Nhãn hiệu hoa Đà Lạt” phải có từ 10- 15 đóa hoa trên một cành. Không được thu hoạch hoa lay ơn khi nụ hoa quá non hoặc khi hoa quá nở, vì như vậy sẽ làm giảm thời gian hoa giữ tươi khi sử dụng…
Quy trình xét cấp “Nhãn hiệu hoa Đà Lạt” sẽ tiếp tục tham vấn ý kiến bổ sung, hoàn thiện của những cán bộ nông nghiệp, các chuyên gia, doanh gia và người nông dân trực tiếp sản xuất, tiêu thụ hoa ở Đà Lạt và các vùng phụ cận. Dự kiến từ nay đến hết tháng 06/2013, quy trình sẽ thông qua UBND thành phố Đà Lạt để chính thức ban hành. Người sản xuất 5 loại hoa ( cúc, hồng, cẩm chướng, cát tường, lay ơn) đáp ứng đầy đủ các quy trình này, sẽ được làm thủ tục để UBND thành phố Đà Lạt cấp Chứng nhận “Nhãn hiệu hoa Đà Lạt” có giá trị trong vòng 3 năm. Sau đó sẽ được gia hạn hoặc cấp bổ sung, nếu người sản xuất thực hành tốt về việc bảo vệ, phát triển bản quyền hoa Đà Lạt theo quy định hiện hành./.
Tháng 3/2013