VĂN VIỆT
An Sơn, một trong những làng hoa truyền
thống của Đà Lạt, được khách hàng hoa trong nước và quốc tế biết đến nhiều năm
qua. Tiếng tăm này đã và đang giúp cuộc sống của người nông dân trồng chuyên
canh hoa với đa dạng giống loài và đa dạng sắc màu.
Qua khỏi khu du lịch Dinh 3 một đoạn đường nhựa là đi
vào vùng chuyên canh đa sắc màu hoa An Sơn, Đà Lạt. Hàng năm vào những ngày lễ,
tết là mùa cao điểm du lịch và mùa thu hoạch hoa, đoạn đường này nối với khu du
lịch hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt, xe khách và xe hoa nhộn nhịp qua lại, trở thành một
điểm khó quên với du khách gần xa. Ông Nguyễn Mạnh Tùng, Chi hội trưởng chi hội
Nông dân An Sơn nói: “Những năm gần đây, khách đến với vùng hoa An Sơn tăng
nhanh lên. Không chỉ có khách thương lái đến thu mua hoa mà còn là khách du
lịch đến thưởng lãm hoa…” Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Tùng, sự hấp dẫn của vùng
chuyên canh hoa An Sơn, Đà Lạt là đồng hoa của đa sắc màu hoa rực rỡ, vừa mang
lại giá trị kinh tế cao, vừa là nơi du lịch ngắm nhìn hoa của du khách. Ở đây
toàn bộ diện tích trồng hoa khoảng 120 ha đều được chăm sóc kỹ thuật cao trong
nhà kính. Trong đó chiếm khoảng 80 ha diện tích hoa hồng hơn 10 sắc màu như
hồng, đỏ, xanh, cam, vàng, trắng…các loại. Cứ hai ngày cắt cành một lần, cả
triệu đóa hoa hồng đa sắc ở An Sơn chuyển về tiêu thụ khắp các vùng miền trong
nước và xuất khẩu đến với các nước trong và ngoài khu vực Đông Nam Á.
Toàn bộ diện tích đất trước khi trồng hoa hồng nhà
kính ở An Sơn, Đà Lạt là đất trồng rau, sau đó chuyển đổi thành đất trồng hoa
hồng ngoài trời. Gần 200 hộ gia đình nông dân ở đây đã vượt khó từng ngày để tiếp
nhận kiến thức và thực hành có hiệu quả việc canh tác, chuyển đổi cây trồng các
sắc hoa phù hợp. Hơn 10 năm trước chỉ mới một vài nhà kính xây dựng lên ban
đầu; dần dần xuất hiện nhiều lên vài năm sau và đến nay đã phủ kín khắp vùng. Lấy
đơn vị 01 sào đất, bài tính hạch toán của Chi hội trưởng Nguyễn Mạnh Tùng hiện
nay là : Đầu tư vốn xây dựng nhà kính và xuống giống hoa hồng trên dưới 100
triệu đồng, chăm sóc đúng kỹ thuật sau một năm thu hoạch sẽ thu hồi được vốn.
Năm thứ hai trở đi là bắt đầu có lãi khá. Cụ thể 01 sào trồng hoa hồng nhà
kính, mỗi tháng thu trung bình 15 ngàn cành hoa, bán được 15 triệu đồng, trừ
chi phí và công lao động, đạt lãi khoảng 10 triệu đồng. Riêng những tháng thu
hoạch hoa hồng cao điểm hàng năm như tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6, sản
lượng hoa hồng nở nhiều hơn và giá bán hoa cũng cao hơn, theo đó số lãi cho
người trồng thu về cao hơn nữa. Tính trung bình mỗi hộ nông dân An Sơn, Đà Lạt
hiện trồng và thu hoạch ổn định trên 5 sào đất trồng hoa hồng nhà kính, mỗi
tháng có thể thu lãi lên đến trên dưới 50 triệu đồng. Lợi thế của hoa hồng chỉ
xuống giống một lần rồi thu cắt cành đến hơn 10 năm sau. Với trên dưới 10 loại
hoa hồng đều đạt sản lượng và chất lượng như nhau nên thị trường tiêu thụ luôn
luôn có sức hút không ngừng. Cho dù giá cả có thời điểm xuống thấp ( mỗi cành
chỉ dưới 500 đồng) nhưng chưa bao giờ hoa hồng An Sơn, Đà Lạt phải chịu cảnh ế
ẩm, bỏ héo tàn trong vườn nhà kính.
Bên cạnh hơn 10 loài hoa hồng đa sắc màu nêu trên,
vùng hoa An Sơn, Đà Lạt đang hấp dẫn thị trường tiêu thụ với hàng chục sắc màu
hoa hồng, tía trồng trong nhà kính cao cấp khác như địa lan, hoa ly, cầm
chướng, cát tường, sa lem, cúc, đồng tiền…với diện tích hơn 40 ha. Nông dân An
Sơn, Đà Lạt thường thu cắt các loài hoa này ( và kể cả hoa hồng ) bán vào mỗi
sáng hàng ngày (nhưng thực tế nông dân trồng và thu theo hình thức cuốn chiếu
nên bất kể giờ nào, khách du lịch đến đây đều ngắm được hoa vừa bung nở ).
Nhiều hình thức tiêu thụ hoa nhanh chóng ở An Sơn, Đà Lạt hiện nay như bán hoa
cho thương lái tại vườn, trực tiếp vận chuyển xe tải gia đình về Sài Gòn và các
tỉnh duyên hải miền Trung để bán; xuất khẩu hoa qua các công ty ở Sài Gòn…Thời
gian trồng mới và thu hái các loài hoa cắt cành kéo dài ngắn nhất là 3 tháng (
hoa cúc các loại), trung bình từ một năm đến một năm rưỡi ( hoa cẩm chướng, sa
lem), và lâu nhất là đến ba năm (hoa
đồng tiền). Trồng và thu hoạch theo nhiều thời điểm khác nhau trong nhà kính
nên hộ gia đình nào ở An Sơn, Đà Lạt cũng có hoa mỗi sáng ra nẩy lộc, đâm chồi,
thu về nguồn hoa lợi để xóa nghèo, xây dựng cuộc sống từng ngày khấm khá hơn
lên.
Ổn định nghề trồng hoa đa sắc màu trong nhà kính, tất
cả gần 200 hộ gia đình ở An Sơn, Đà Lạt đã liên tục đạt danh hiệu nông dân sản
xuất giỏi cấp phường; gần 15 đến 20 hộ gia đình đạt danh hệu sản xuất giỏi cấp
thành phố; đặc biệt đã có hộ gia đình đạt danh hiệu sản xuất giỏi cấp tỉnh và
cấp quốc gia. Chi hội trưởng Nguyễn Mạnh Tùng đúc kết rằng, nghề trồng hoa đa
sắc màu của nông dân An Sơn, Đà Lạt đã
ổn định và phát triển với trình độ canh tác khá cao theo công nghệ mới. Đây là ưu
điểm cạnh tranh của sản phẩm hoa Đà Lạt nói chung, hoa An Sơn nói riêng trên
con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn./.
Tháng 5/2010