VĂN VIỆT
Hội thi sáng tạo kỹ thuật từ năm
2010 đến năm 2011 của tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện ra nhiều sáng kiến đạt
ứng dụng cao trong nhiều lĩnh vực ở thực tế, trong đó có ứng dụng
chữa bệnh cho người và cho cây trồng.
Một giải pháp sáng kiến kỹ thuật của ngành y
tế Lâm Đồng được Hội thi sáng tạo kỹ thuật từ năm 2010 đến năm 2011 xếp
giải Nhì là giải pháp “Áp dụng hệ thống súc rửa dạ dày kín tự
chế trong ngộ độc đường tiêu hóa” của tác giả Phan Văn Điền, Bệnh
viện Đa khoa Lâm Đồng.
Theo đó, tác giả Phan Văn Điền đã nghiên cứu tự
chế thành công một hệ thống súc rửa dạ dày kín với những vật liệu
phổ biến trên thị trường như dây ống nước, bình nhựa, van, bình nước
nóng-lạnh, máy hút. Các chức năng kỹ thuật của hệ thống gồm van
điều chỉnh nhiệt độ nước, nối với bình nhựa có chia vạch đo lượng
nước và đo nhiệt độ trung bình của nước. Có van đóng - mở nối bình
nhựa với đường ống thông dạ dày và đường ống dẫn vào máy hút. Hệ
thống sử dụng gồm 4 bước: Bước 1, đặt ống thông dạ dày bệnh nhân.
Bước 2, cho nước ấm vào bình chứa từ 5 lít đến 8 lít; pha nồng độ
muối 0,9%; điều chỉnh nhiệt độ nước từ 28 độ C đến 32 độ C. Bước 3,
nối ống thông dạ dày với hệ thống ống nước từ bình chứa; đưa lượng
dịch khoảng 300ml vào dạ dày; hút hết dịch từ dạ dày vào máy hút.
Bước 4, hòa 50ml than hoạt và thuốc đường tiêu hóa để bơm thông dạ
dày rồi rút ống thông dạ dày.
Trước đây phương pháp súc rửa dạ dày mở khá thô
sơ như đổ dung dịch vào chiếc phểu rồi dẫn theo đường ống đưa xuống
dạ dày. Khi đưa dung dịch từ dạ dày ra ngoài thì phải hạ thấp chiếc
phểu xuống sát đất. Từ tháng 02. 2007 đến nay, phương pháp cũ này đã
thay thế bởi hệ thống súc rửa dạ dày kín theo sáng kiến tác giả
Phan Văn Điền. Kết quả, hệ thống mới đã súc rửa thuận lợi, nhanh
chóng cho gần 1.390 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, chưa xảy
ra một tai biến nào đối với bệnh nhân và nhiễm trùng đối với nhân
viên y tế. Kinh phí để lắp đặt hệ thống mới khoảng gần 6 triệu
đồng, thời gian sử dụng hiệu quả đến 5 năm sau. Giá viện phí cho một
ca súc rửa dạ dày kín ngộ độc là 450 ngàn đồng.
Với lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển
kinh tế, đáng chú ý với nhóm tác giả gồm 3 học sinh lớp 11 chuyên
toán, Trường Trung học phổ thông chuyên Thăng Long, Đà Lạt có sáng
kiến “Tác dụng của cây dã quỳ trong phòng trừ sâu hại”. Nhóm học
sinh đã thí nghiệm khá đơn giản bằng cách hái lá dã quỳ hoang dại
ở Đà Lạt, đưa vào trong cối giã nhỏ rồi ép lấy nước bảo quản trong
lọ thủy tinh. Thí nghiệm trên 2 chậu cây sen cạn của Đà Lạt, nhóm
tác giả học sinh thả 10 con sâu tơ từ 2 ngày đến 3 ngày tuổi trên mỗi
chậu. Tiến hành theo 2 cách: Cách 1, phun dung dịch chiết xuất dã quỳ
nguyên chất trực tiếp lên thân sâu tơ, sau đó cho sâu tơ ăn thức ăn lá
sen cạn rồi theo dõi. Cách 2, phun dung dịch chiết xuất dã quỳ nguyên
chất trực tiếp vào thức ăn lá sen cạn, sau đó cho sâu tơ ăn và theo
dõi. Kết quả cả 2 cách phun dung dịch chiết xuất nguyên chất dã quỳ này
đều như nhau: Sau 01 giờ, sâu say ngấm thuốc, không di chuyển được; sau
01 giờ 20 phút, sâu chết hết.
Thành công bước đầu từ sáng kiến dùng dung
dịch chiết xuất cây lá dã quỳ để phòng trừ sâu hại cây trồng, nhóm
tác giả học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Thăng Long, Đà Lạt đã
đặt ra vấn đề tiếp tục hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu hóa học; tăng
cường sử dụng thuốc trừ sâu sinh học để cân bằng và bảo vệ bền
vững môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, tăng độ
an toàn của sản phẩm cây trồng. Đoạt giải Khuyến Khích của Hội thi
sáng tạo thanh thiếu niên Lâm Đồng từ năm 2010 đến năm 2011, nhóm tác
giả học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Thăng Long, Đà Lạt, cho
biết đang tiếp tục thí nghiệm tác dụng của dung dịch dã quỳ lên
vườn trồng rau họ thập tự của Đà Lạt. Với 2 lô đất trồng rau thí
nghiệm, mỗi lô từ 16 mét vuông đến 20 mét vuông, thả sâu tơ cho phát
triển tự nhiên. Khi sâu tơ sinh sôi với mật độ đều khắp, nhóm tác giả
sẽ phun dung dịch dã quỳ với nồng độ nguyên chất và với các nồng
độ pha loãng nước trong tỉ lệ khác nhau. Hy vọng rằng việc phun dung
dịch dã quỳ để phòng trừ sâu hại trên đồng rau sẽ có kết quả không
thua kém với việc phòng trừ sâu hại trên thức ăn lá sen cạn như đã
công bố.
Trưởng Ban Thư ký Hội thi sáng tạo kỹ thuật
tỉnh Lâm Đồng từ năm 2010 đến năm 2011, Thạc sĩ Ngụy Xứng Hùng cho
biết: Bên cạnh sáng kiến chữa bệnh cho người với giải pháp “ Áp
dụng hệ thống súc rửa dạ dày kín trong ngộ độc đường tiêu hóa” đạt
giải Nhì nói trên, sáng kiến chữa bệnh cho cây trồng với giải pháp
“Tác dụng dung dịch chiết xuất từ cây dã quỳ Đà Lạt để phòng trừ
sâu hại” là một trong 7 giải pháp kỹ thuật bảo vệ môi trường và
phát triển kinh tế của học sinh trung học phổ thông ở Lâm Đồng đạt
giải từ Khuyến Khích đến giải Nhì. Đều này cho thấy việc giáo dục,
nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong hệ thống trường học ở Lâm Đồng
đã và đang đặc biệt quan tâm, mang lại hiệu quả thiết thực từ phương
châm “học đi đôi với hành”./.
Tháng 10/2011