VĂN VIỆT
Việc phát triển đại trà cà
chua ghép Đơn Dương trong nhiều năm qua, đã nâng cao chất lượng cạnh tranh sản
xuất cây giống trên từng vườn ươm của hộ gia đình, trong đó có Vườn ươm Điền
Phượng ở thôn Yên Khê Hạ, xã Lạc Lâm của huyện này.
Giữa
tháng 03/2012, ghé vào các vườn cà chua ven Quốc lộ 27 đi qua địa phận thị trấn
Thạnh Mỹ và các xã Lạc Lâm, Lạc Xuân của huyện Đơn Dương đúng vào thời điểm thu
hoạch cuối cùng của một lứa trồng gần 3 tháng.
Trong hơn nửa tháng 3/2012 này,
giá cà chua bán tại vườn mỗi ký quả dao động từ 4 ngàn đồng đến 8 ngàn đồng,
gồm những quả lớn nhỏ khác nhau. Với giá này ước tính người trồng đạt lãi trên
mỗi sào từ 20 triệu đồng trở lên.
Có được khoản lãi ở đây là giống cà chua ghép,
đạt năng suất cao hơn giống cà chua bình thường từ 50% trở lên, đặc biệt có
không ít nhà vườn trồng đạt năng suất cao hơn gấp đôi. Cụ thể trên 01 sào đất có thể trồng đến 3.000
gốc cà chua, mỗi gốc thu hoạch trung bình 3 ký; cá biệt có cây thu đến 4 ký. “Có
thời điểm giá một ký cà chua xuống thấp chỉ còn 100 đồng, nhưng nông dân Đơn
Dương rất khó bỏ cây chua vì gắn bó đã hàng chục năm rồi. Bởi suy cho cùng chỉ có
cây cà chua mới có thể cứu được…cà chua” – một nông dân nói và giải thích thêm:
Tính toán với giá bán thấp nhất trong tháng 3/2012 là 4 ngàn đồng mỗi ký thì có
thể bù lại hết khoản lỗ của một lứa cà chua xuống thấp với giá 100 đồng mỗi ký
trước đó.
Cà
chua trên địa bàn huyện Đơn Dương trồng quanh năm, mỗi lứa trồng trên dưới 3
tháng, ước diện tích trồng với đơn vị hàng trăm ha trong vụ đông- xuân vừa qua.
Toàn huyện Đơn Dương có hơn 90 vườn ươm bán các loại giống rau, trong đó có bán
giống cà chua ghép năng suất cao. Riêng Vườn ươm Điền Phượng là 01 trong 04
vườn ươm chuyên bán giống cà chua ghép của xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương. Chủ
vườn, anh Phan Văn Điền cho biết đã kế nghiệp nghề ươm giống cây trồng từ cha
mẹ đã hơn 18 năm qua, trong đó có hơn 6 năm chuyên chiết ghép bán các giống cà
chua năng suất cao, được nhập về từ các nước như Mỹ, Đức, Thái Lan. Với số
lượng giống cà chua ghép bán ra ban đầu mỗi ngày từ trên dưới 10 ngàn cây, sau
6 năm, đến nay đã tăng lên từ 25 ngàn cây đến 30 ngàn cây. Giá bán mỗi cây
giống thời điểm giữa tháng 3/2012 là 600 đồng.
Hiện
tại tổng diện tích Vườn ươm Điền Phượng tại xã Lạc Lâm và xã Ka Đô của huyên
Đơn Dương rộng đến 16 ngàn mét vuông, thu hút hơn 60 lao động làm việc quanh
năm, đạt mức lương khoán hàng tháng - tính đến tháng 3/2012 là hơn 3 triệu đồng
đối với nữ và gần 3,5 triệu đồng đối với nam. Công việc của người lao động vườn
ươm khá nhẹ nhàng, nhưng đòi hỏi sự tập trung kỹ thuật cao. Đó là các công đoạn
sản xuất gồm: gieo hạt trên vỉ xốp ( khoảng 80 ô hạt); ghép gốc giống cà chua
kháng bệnh cao của Thái Lan với ngọn cà
chua năng suất cao nhập từ Mỹ; chăm sóc cây ghép mới từ nhà xây kín mát đến nhà
kính ni lông; vận chuyển cây giống bán đến từng nhà vườn trồng. Theo chủ vườn
Phan Văn Điền, kỹ thuật chiết ghép đòi hỏi ở sự chuẩn xác cao. Một con dao nhỏ
cắt một đường nghiêng thuận chiều ở thân gốc cây bên này và một đường nghiêng
ngược chiều ở ngọn cây bên này rồi luồn vào một chiếc ống cao su tự hủy, nhỏ
bằng sợi rơm để ghép lại. Nếu đường nối không khớp 2 đường cắt ghép lại, cây
ghép mới sẽ chết héo trong những ngày đầu xuống trồng hoặc sẽ là những cây phát
sinh mầm bệnh lây lan cho cả vườn cây.
Để
cây chua ghép thực sự sạch bệnh khi trồng ra đồng, giá thể ươm cây ở Vườn ươm
Điền Phượng tại Đơn Dương gồm đất mùn ( được khai thác trên địa bàn Lâm Đồng),
trộn với phân hữu cơ và vôi. Tuyệt đối không dùng hóa chất. Từ khi gieo hạt vào
vỉ xốp, qua các công đoạn chăm sóc, chiết ghép đến 35 ngày sau mới đưa ra trồng
đại trà trên đồng. Thông thường tỷ lệ giống cây cà chua ghép của Vườn ươm Điền
Phượng, đưa ra trồng ngoài đồng đạt từ 95% trở lên. Trường hợp số cây chết
trong vòng 3 tuần đầu sau khi trồng thì vườn ươm chịu trách nhiệm thay thế hoàn
toàn số cây giống mới không lấy tiền, bởi nguyên nhân có thể do khâu xử lý
giống không tốt.
Nếu sau 3 tuần mà cây giống vẫn chết thì người trồng chịu
trách nhiệm vì đây chủ yếu là nguyên nhân cải tạo đất không đảm bảo yêu cầu,
dẫn đến mầm bệnh phát sinh nhanh.
Nông
dân Đơn Dương bây giờ trồng giống cà chua ghép từ Vườn ươm Điền Phượng ở xã Lạc
Lâm nói riêng và các vườn ươm khác của huyện Đơn Dương nói chung, không còn bị
ám ảnh bởi căn bệnh héo rũ vi khuẩn thường gặp ở những giống cà chua thông
thường trước đây. Lợi thế này đang gợi mở cho một hướng phát triển vùng nguyên
liệu cà chua ổn định và bền vững của Lâm Đồng./.
Tháng 3/2012