Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Thị trấn…đường lầy

VŨ VĂN         
Chỉ sau một ngày mưa thì các đường phố trung tâm thị trấn D’Ran, Đơn Dương đã biến thành đường sình lầy. Mặt đường nhựa quốc lộ 27 của thị trấn bị bong tróc nặng nề, đá dăm với nước đọng bắn tung tóe nhiều nơi. Các đường phố chính như đường Bà Triệu, đường Kim Đồng..chỉ toàn bùn đất với nhiều ổ voi, ổ gà. 

Đi vào khu phố Lạc Thiện là con đường đường đất trơn trợt lại bị con suối Tân Sơn cắt dọc ngang nhiều đoạn. Đường ở đây dài chưa tới 01 cây số với hơn 30 nóc nhà sinh sống trên những thửa đất nhỏ hẹp trồng cây hồng, cây cà phê, cây mì…Thu nhập khó khăn, người dân chỉ ráng chắp vá các chiếc cầu bắc qua suối; đắp bờ kè những đoạn đường bị xói lở. Cụ ông Nguyễn Văn Nho, người sinh ra ở khu phố Lạc Thiện cho biết con đường phố chính nơi đây ngày xưa đến giờ vẫn là đường đất không được đầu tư nâng cấp. Năm 1993, một dòng lũ quét cuốn trôi chiếc cầu bằng gỗ ván cũ kỹ.
Không thể chờ kinh phí nhà nước quá lâu, dân nghèo khu phố gom góp khắp nơi được 20 triệu đồng dựng thành mấy chân cột sắt và mấy tấm đan xi măng, tấm ghi sắt…tạm thông đường qua lại. Rồi mới đây một đoạn đường bị sạt lở thành một đoạn suối, người dân phải tự đúc cả trăm chiếc bi cống bê tông kè lên từng hàng, chống chọi với mùa mưa lũ đang về.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch UBND thị trấn D’Ran nói rằng hạ tầng giao thông đã quá thấp kém và ngày càng xuống cấp nghiêm trọng vì thiếu vốn đầu tư cả về phía nhà nước và phía nhân dân. Ngoại trừ gần 7km đường quốc lộ 27 đi ngang qua ( đã hư hỏng phần lớn); đường bê tông qua 02 thôn đồng bào thiểu số ( đã xuống cấp nhiều đoạn); còn lại hầu hết là đường đất “liên khu phố” trong thị trấn. 
Năm nào vào đến mùa mưa là vào “mùa bức xúc” đường sình nối liền khắp các khu dân cư. Để sớm chấm dứt cảnh thị trấn đường sình, thiết nghĩ không chỉ là những đề xuất lên huyện, lên tỉnh để cấp vốn xây dựng; mà đồng thời cần đẫy mạnh xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư, từ việc huy động nguồn lực trong dân đến kêu gọi sự hỗ trợ của các thành phần kinh tế khác. Để đạt được kết quả, ngay từ lúc này cần có sự vào cuộc đồng bộ, thường xuyên từ cấp ủy, chính quyền đến toàn bộ hệ thống chính trị địa phương.
Tháng 9/2008