Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Nuôi cá hợp tác ở Tà Nung

  VĂN VIỆT
Chính quyền xã Tà Nung, Đà Lạt đang xây dựng Tổ hợp tác nuôi cá với 17 hộ gia đình thả nuôi các loại cá nước ngọt trên 3,3 ha mặt nước. Đây là một trong những mô hình Tổ hợp tác cùng tham gia xây dựng và phát triển nông thôn mới ở xã ngoại ô Đà Lạt này.
Anh Nguyễn Quang Duyên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tà Nung (Đà Lạt), dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi cá nước ngọt trên 4 sào mặt nước của gia đình anh Nguyễn Văn Minh ở thôn 4. Thời điểm gần giữa tháng 4/2012, anh Minh càng cẩn thận cắt cỏ sạch cho cá ăn, đồng thời đảm bảo điều hòa lượng nước tự chảy ra vào, làm trong sạch vệ sinh môi trường và ngoài ao nuôi… để vào tháng 5/2012 bắt đầu xuất cá bán ra thị trường. “Chúng tôi nuôi đến thời hạn một năm sau mới xuất bán các loại cá gồm trắm, mè, chép, rô phi, trôi, trê… Và nuôi theo mô hình “dân dã” với các thức ăn có sẵn trong vườn như rau, cỏ, bắp, đậu… Tính ra, gia đình chúng tôi sống với nghề nuôi cá nước ngọt này đã gần 15 năm…” - anh Minh nói.
15 năm trước, từ những mảng lau sậy um tùm, quanh năm sình lầy bởi nhiều khe suối nước chảy từ trên cao xuống thung lũng đọng lại, anh Minh cải tạo và xây dựng liên tục để trở thành 4 sào mặt nước thả cá hoàn chỉnh cho đến giờ. Dự tính trong tháng 5/2012, anh Minh sẽ xuất 4 sào ao bán với tổng sản lượng khoảng 2 tấn cá nước ngọt các loại, đạt tổng doanh thu khoảng 100 triệu đồng. Trừ số tiền đầu tư giống và trừ cả tiền công lao động của gia đình, 4 sào ao cá của anh Minh ước thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Từ nguồn lãi nuôi cá tích lũy được trong thời gian qua, năm ngoái anh Minh đã xây dựng kiên cố hệ thống bờ kè, lối đi trên toàn bộ 4 sào ao cá, tổng kinh phí trên dưới 270 triệu đồng.
Cùng thời nuôi cá với gia đình anh Nguyễn Văn Minh là gia đình anh Phù Tường Lộc ở nhà kế bên. Anh Lộc khoanh nuôi 2,2 sào mặt nước, hàng năm thu lãi trên dưới 30 triệu đồng. Những loài cá nuôi chủ lực ở đây là cá trắm cỏ (chiếm tỷ lệ 90% trở lên) và tỷ lệ gần 10% còn lại là các loại cá như chép, mè, trê, phi… Anh Lộc nói: “Nuôi cá ở vùng thôn 4, Tà Nung này thật thuận lợi. Mùa mưa nước thoát nhanh, không bị ngập tràn hồ; mùa nắng luôn giữ đủ nước tự chảy cho cá sinh trưởng. Thức ăn cho cá là chiều chiều mỗi ngày, cầm dao liềm cắt cỏ, thu nhặt các loại phế phẩm rau, màu quanh vùng rồi thả xuống ao một lượng không đáng kể…”.
Cũng cách khoảng mười mấy phút đi bộ từ nhà anh Lộc là gặp hơn 2 sào ao cá của gia đình anh Phan Quang Trung. Cùng thường xuyên bổ sung kinh nghiệm với hộ gia đình anh Lộc, anh Minh, hộ gia đình anh Trung có năm nuôi đạt năng suất đến hơn 1 tấn cá trên 2 sào mặt nước, bán đạt lãi gần 50% trên tổng thu. “Cứ tính trong vòng 15 năm trở lại đây, chúng tôi nuôi cá ở đất Tà Nung này không đủ để bán cho thị trường. Mỗi hộ gia đình của chúng tôi thường có ít nhất năm, bảy mối bạn hàng thường xuyên liên lạc, cạnh tranh giá bao tiêu, cả giá mua sỉ và giá mua lẻ đối với sản phẩm cá nước ngọt nuôi của chúng tôi…”.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Tà Nung, anh Nguyễn Quang Duyên, nếu tận dụng mọi lợi thế đất đai để khai thác tối đa thì xã Tà Nung, Đà Lạt có thể phát triển diện tích mặt nước nuôi cá nước ngọt đến 10 ha. 

Tuy nhiên những năm trước mắt, xã Tà Nung mới chọn 17 hộ gia đình, nuôi trên 3,3 ha diện tích nói trên, có kinh nghiệm nuôi cá nước ngọt trên dưới 15 năm để xây dựng thành Tổ hợp tác.Nhiệm vụ của Tổ hợp tác là không ngừng bổ sung kinh nghiệm lâu năm kết hợp với việc ứng dụng kỹ thuật nuôi mới để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cá thịt nước ngọt bán ra, bước đầu tiêu thụ ở thị trường Đà Lạt, sau đó sẽ dần mở rộng ra thị trường các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh bạn.
Nghề nuôi cá nước ngọt này không chỉ giúp nhau phát triển trong nội bộ tổ viên; mà cần tiếp tục nhân rộng ra tất cả những hộ gia đình trong xã Tà Nung để chuyển đổi, lập ao nuôi mới trên diện tích đất có tiềm năng, điều kiện, góp phần giúp nhau nhanh chóng vượt nghèo, vươn lên làm giàu, cùng xây dựng thành công các mô hình nông thôn mới trên từng khu dân cư.

Thứ Năm, 12/04/2012 (GMT+7)