Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Cạnh tranh thu mua cà rốt ở Xuân Thọ

VĂN VIỆT
Vài tháng trở lại đây, giới thương lái liên tục về xã Xuân Thọ, Đà Lạt cạnh tranh thu mua trọn vườn cà rốt với giá tăng lên từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng mỗi sào, tăng hơn cùng kỳ năm ngoái hơn 5 triệu đồng mỗi sào.
Nhà nông Ngô Văn Tế, hơn 70 tuổi, người có gần 40 năm chuyên canh 6 sào cà rốt ở thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, Đà Lạt, nói rằng giá cà rốt thu mua đã tăng dần trong 3 năm trở lại đây và tăng nhanh trong 2 tháng vừa qua. 

Vào tháng 6/2011, nhiều thương lái chen chân đến tự đưa ra giá thu mua cạnh tranh trên toàn bộ diện tích đang trồng 6 sào cà rốt của hộ gia đình ông Tế. Sau mấy ngày tính toán, gia đình ông Tế đồng ý bán cho một thương lái tất cả 6 sào cà rốt với giá 15 triệu đồng mỗi sào. Cân đối vốn đầu tư và công chăm sóc trong gần 4 tháng một lứa trồng, với giá bán này, gia đình ông Tế đã thu lợi nhuận mỗi sào khoảng 8 triệu đồng. Đến cuối tháng 8/2011, hộ gia đình ông Tế đang tiếp tục chăm sóc lứa cà rốt tiếp theo, gồm 3 sào đã trồng 2 tháng và 3 sào vừa xuống giống, thương lái cũng đã đến đặt giá mua trước mỗi sào tăng lên là 18 triệu đồng nhưng chưa được gia đình ông chấp thuận. Bởi theo ông Tế, chờ đến lúc 6 sào vườn cà rốt của ông bước vào thu hoạch vào tháng 10 và tháng 12/ 2011 tới, giá bán hy vọng sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ, Đà Lạt ước tính năng suất cà rốt xã này đạt từ 3 tấn đến 4 tấn mỗi sào, có tăng cao hơn vài tạ mỗi sào so với cùng kỳ năm ngoái. Xã Xuân Thọ là một vùng quê có kinh nghiệm trồng chuyên canh cà rốt từ khoảng nửa thế kỷ qua, với diện tích hơn 70 ha đã quy hoạch tại thôn Lộc Quý và thôn Đa Quý của xã. Đặc tính cây cà rốt ở Xuân Thọ là trồng thuần chuyên canh; chứ luân canh hoặc xen canh với bất kỳ một loại rau, hoa nào khác thì hiệu quả sẽ thấp kém. Bằng cách trồng lứa này vừa lấy củ vừa tạo nguồn giống cho lứa sau, nông dân Xuân Thọ đã chuyên canh cà rốt trồng ngoài trời của vườn nhà mình theo hình thức trồng cuốn chiếu. Nhờ vậy trên một diện tích đất mỗi năm trồng từ 2,5 lứa đến 3 lứa cà rốt, hầu như ngày nào cũng có hộ gia đình nông dân xã Xuân Thọ thu hoạch củ bán.  
Cà rốt là một loài rau củ phát triển trong mùa mưa đạt năng suất cao hơn trong mùa khô. Từ tháng 12 đến tháng 5 hàng năm là mùa khô và mùa ít mưa, hệ thống thủy lợi tưới tiêu còn hạn chế, có khi không đủ nước tưới mỗi ngày đúng kỹ thuật đến 3 lần, nên diện tích trồng và thu hoạch cà rốt ở xã Xuân Thọ chỉ nằm trong khoảng trên dưới 50 ha, năng suất mỗi sào mới thu được trên dưới 3,5 tấn. Mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 11, có đủ nước giữ ẩm dinh dưỡng và kháng bệnh cho đất, diện tích trồng cà rốt tăng lên trên 70 ha, năng suất mỗi sào có thể tăng hơn 4 tấn củ. Tổng diện tích trồng cà rốt so với tổng diện tích trồng rau của xã Xuân Thọ, Đà Lạt mới đạt trên 10%, được xem là cơ cầu cây trồng hợp lý của xã. Trung bình mỗi ngày hiện nay, xã Xuân Thọ có 01 ha thu hoạch khoảng 40 tấn cà rốt bán cho thương lái. Với giá thu mua cuối tháng 8/2011 là 18 triệu đồng mỗi sào thu 4 tấn củ, chia ra giá trung bình mỗi ký là 4.500 đồng. Hiện giá cà rốt này so với các loài rau ngắn ngày khác, đã thu lợi nhuận ước từ gấp 2 lần trở lên. 
Cũng theo ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ, Đà Lạt, đến thời điểm cuối tháng 8/2011, số diện tích trồng cà rốt của nông dân xã Xuân Thọ tăng hơn cùng kỳ năm ngoài hơn 10 ha. Và giá bán cà rốt thời điểm tháng 8/2011 này so với thời điểm đầu năm 2011 đã tăng cao từ 4 đến 4,5 lần. Với cơ chế thị trường hiện nay, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cà rốt đều do nông dân chủ động và quyết định. Tuy nhiên thị trường tự do luôn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro, khó lường, có khi sản lượng cà rốt quá nhiều thì giá lại kéo xuống mức giá đáy thấp nhất. Đã có nhiều năm trước đây, nông dân Xuân Thọ, Đà Lạt phải bỏ lại cà rốt tại những khu vườn ở xa, vì giá thu mua quá thấp, nếu thu củ, gánh về đến đường lớn để vận chuyển đi là không đủ chi phí tiền công. Từ những bài học kinh nghiệm đã qua, Hội Nông dân xã Xuân Thọ khuyến cáo bà con nông dân nên tăng cường thâm canh, tăng năng suất cà rốt trên những diện tích đất đã được quy hoạch trồng theo hướng ổn định và bền vững, tránh việc ồ ạt mở rộng thêm diện tích mới, vì như vậy dễ phái gánh lấy hệ quả sản lượng cà rốt thu hoạch quá nhiều ít, nhu cầu thu mua ở thị trường quá ít, người sản xuất sẽ lâm cảnh thua lỗ nặng nề./.
Tháng 8/2011