Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Công chứng, chứng thực mới

VĂN VIỆT
Sau hai năm thực hành pháp luật mới về công chứng và chứng thực, Lâm Đồng đã tạo ra sự phối hợp cung cấp thông tin giữa các cơ quan tư pháp, chính quyền phường, xã với các cơ quan chuyên ngành đất đai, môi trường, thuế, ngân hàng…Nhờ đó, chất lượng dịch vụ công chứng, chứng thực ngày một nâng lên theo nhu cầu của người dân.

 Nằm ở địa bàn trung tâm thành phố, phường 1, Đà Lạt đã tích cực vượt qua những lúng túng ban đầu về việc cấp và chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký. 3 cán bộ chuyên trách đi vào thực hành đồng bộ, nhịp nhàng theo cơ chế “một cửa”. Đó là cán bộ văn thư - lưu trữ tiếp nhận và thực hiện việc chứng thực bản sao. Cán bộ tư pháp chứng thực chữ ký. Cán bộ tài chính- kế toán trực thu phí. Hàng ngày lãnh đạo phường phân công trực ký chứng thực, hạn chế thấp nhất lượng hồ sơ phải hẹn giải quyết từ buổi sáng qua đền buổi chiều hoặc qua ngày hôm sau. Cũng ở địa bàn trung tâm đô thị, phường 2, Bảo Lộc đã duy trì “một cửa” thông suốt từ 3 bộ phận tư pháp – văn phòng – địa chính. Hầu hết số lượng bản sao được chứng thực xong từ 15 phút đến 20 phút trong ngày. Ngay cả những bộ hồ sơ với nhiều văn bản như hợp đồng chuyển nhượng đất và tài sản gắn liền với đất, trong một buổi sáng đã giải quyết cho người dân nhận được giấy hẹn ở văn phòng “một cửa” của Phòng Tài nguyên và Môi trường Bảo Lộc.
Việc chứng thực bản sao được thực hiện ngay từ cấp xã theo pháp luật mới đã chấm dứt tình trạng quá tải cho cấp huyện trong hơn 2 năm qua, nhất là vào những ngày cao điểm làm hồ sơ dự thi đại học, hồ sơ nhập trường năm học mới. Ở Phòng Công chứng số 1 tại Đà Lạt , khi thực hiện luật mới được chuyển chức năng từ cơ quan hành chính sang đơn vị sự nghiệp có thu. Đặt mục tiêu trên hết là nâng cao chất lượng dịch vụ công chứng cho nhân dân, phòng đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng Iso 9001-2000 trong bộ máy làm việc. Tất cả quy trình công chứng, phí công chứng…đều được niêm yết công khai để nhân dân kiểm tra, giám sát. Ở Phòng Công chứng số 2 tại Bảo Lộc, việc trang bị thiết bị máy móc phục vụ công chứng luôn được chú trọng. Như việc cài đặt phần mềm Master đã rút ngắn thời gian công chứng, đảm bảo độ chính xác cao. Đặc biệt với việc chuyển chứng thực bản sao về cấp xã, đội ngũ công chứng viên, chuyên viên, cán bộ công chứng chuyên sâu hơn trong các nghiệp vụ về công chứng hợp đồng thế chấp, hợp đồng cầm cố tài sản, thừa kế theo di chúc…
Đến nay trên địa bàn Lâm Đồng đã phát triển hoạt động trên 3 phòng công chứng tại Đà Lạt, Đức Trọng và Bảo Lộc với tất cả 8 công chứng viên. Cả 3 trụ sở phòng công chứng đều được UBND tỉnh Lâm Đồng đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp và thuê nhà mới. Ở cấp huyện có 12 phòng tư pháp với hàng chục cán bộ chứng thực. Ở cấp xã có 148 xã, phường, thị trấn với hàng trăm cán bộ chuyên trách chứng thực…
Tất cả cán bộ công chứng, chứng thực đều làm việc thêm ngày thứ bảy hàng tuần. Hai năm qua, đội ngũ này đã giải quyết việc công chức, chứng thực của người dân trong tỉnh Lâm Đồng với số lượng đáng kể gồm các dãy số như : gần 12 ngàn việc công chứng các hợp đồng giao dịch ở phòng công chứng; gần 37 ngàn việc chứng thực hợp đồng giao dịch, bản, chữ ký tiếng nước ngoài ở phòng tư pháp cấp huyện; gần 950ngàn việc chứng thực bản sao, chữ ký, hợp đồng giao dịch ở cấp xã…  
Dù vẫn đang khắc phục những bất cập phát sinh trong thực  tế, nhưng tổng quan thì pháp luật mới với những cải cách mới về công chứng và chứng thực triển khai trên địa bàn Lâm Đồng đã tạo cho người dân nhiều sự lựa chọn nơi công chứng, chứng thực; nhất là với người dân vùng sâu, vùng xa đã thực hiện được quyền công chứng, chứng thực ngay tại địa phương cấp xã, cấp huyện nơi cư trú - thay vì phải lên Bảo Lộc hoặc Đà Lạt như trước đây./.