VĂN VIỆT
Hơn nửa năm nối liền cung đường nhựa mới với Khu Du lịch Suối Vàng, buôn làng Đạ Nghịt, xã Lát, Lạc Dương, đã phát triển nhanh chóng về cuộc sống vật chất và tinh thần, tạo nên diện mạo văn minh và trù phú.
Kể từ khi có đường nhựa chạy qua nhà mình, gia đình anh Klong Ha Sách đi về từ thôn (buôn) Đạ Nghịt, xã Lát, Lạc Dương đến thị trấn Lạc Dương và thành phố Đà Lạt nhiều hơn, không chỉ đi bằng xe mô tô, mà còn đi bằng xe ô tô tải. Nhà Klong Ha Sách có 3 người con trai đang học các hệ cao đẳng, trung học phổ thông ở thành phố Đà Lạt và thị trấn Lạc Dương, thường đi về hàng tuần bằng xe mô tô chỉ hết hơn nửa tiếng đồng hồ. Gần như sáng sớm chủ nhật nào cũng vậy, 3 người con trai đầu của Klong Ha Sách đều thay nhau đi mô tô ra chợ thị trấn Lạc Dương hoặc chợ lớn thành phố Đà Lạt mua sỉ các mặt hàng tạp hóa về buôn cho mẹ bán lẻ. Những lúc bán hết hàng tạp hóa với số lượng nhiều, anh Klong Ha Sách điều khiển chiếc ô tô tải riêng (trọng tải 1 tấn), chạy ra Đà Lạt chở hàng về cho tiện. Nhiều lúc gặp xe ô tô tải phải chở phân bón và các vật tư nông nghiệp khác về theo yêu cầu của bà con trong buôn, anh Klong Ha Sách lại nhờ người anh họ ở cạnh bên, điều khiển chiếc ô tô du lịch riêng ra thị trấn Lạc Dương và thành phố Đà Lạt chở hàng tạp hóa về kịp cho vợ bán trong ngày.
Klong Ha Sách nói: “Bây giờ thật sướng. Nhờ đường nhựa mới, buôn làng Đạ Nghịt luôn có rau tươi, thịt, cá tươi; luôn có bia, rượu, nước giải khát đóng chai, lon; sữa, đường, bột ngọt… với giá cả gần ngang bằng với thị trấn Lạc Dương và thành phố Đà Lạt…”. Quán tạp hóa của vợ Klong Ha Sách mua giá sỉ với số lượng nhiều, về buôn làng bán giá lẻ với phần trăm huê hồng như các đại lý khác ở phố Lạc Dương và phố Đà Lạt.
Tính đến nay đã có 8 gia đình đồng bào thiểu số ở thôn Đạ Nghịt, xã Lát, Lạc Dương, đã trang bị 6 chiếc ô tô trung tải và 2 chiếc ô tô du lịch để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Mùa thu cà phê niên vụ 2010 - 2011, xe ô tô tải của anh Klong Ha Sách đã thu mua khoảng 70 tấn cà phê của bà con trong buôn, sau đó vận chuyển trực tiếp về bán cho một doanh nghiệp cà phê ở huyện Đức Trọng. Trong đó, gia đình anh Klong Ha Sách trồng 1,5 ha cà phê, thu hái hơn 5 tấn nhân, tổng số tiền bán khoảng 300 triệu đồng. Cả buôn làng Đạ Nghịt đều trồng cà phê Katimor, năng sất đạt bình quân mỗi ha vụ 2010-2011 trên dưới 3 tấn nhân. Klong Ha Sách bán cà phê vào thời điểm giữa vụ thu với giá mỗi ký nhân là 60 ngàn đồng; đến cuối vụ thu thì giá này tăng lên trên 100 ngàn đồng. Với tư cách là Trưởng thôn Đạ Nghịt, xã Lát, Lạc Dương, anh Klong Ha Sách cho biết: Thôn Đạ Nghịt có 200 hộ dân, trong đó có 90% là đồng bào thiểu số gốc Tây Nguyên. Chừng 8 năm trở lại, cây cà phê Katimor đã đưa về trồng trên những diện tích đất lúa rẫy, bắp rẫy kém hiệu quả. Qua nhiều chương trình khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đồng bào thiểu số trong buôn đã dần nắm bắt đầy đủ quy trình canh tác cà phê Katimor đạt giá trị kinh tế cao. Lợi thế của vùng đất Đạ Nghịt là mưa thuận, gió hòa, quanh năm không cần phải đầu tư một công trình thủy lợi nào vẫn đủ nước mưa tưới tự nhiên cho cà phê. Do chất đất tơi xốp, nên việc làm sạch cỏ dại không mấy khó khăn. Bởi vậy, bà con nông dân thường tập trung chăm sóc những giai đoạn chính yếu cho cây cà phê Katimor đạt năng suất cao là: bón phân với liều lượng và thời điểm thích hợp trên từng gốc cây; chặt tỉa những cành già cỗi, những nụ chồi vượt cản khả năng ra hoa kết trái của những những cành cây khỏe mạnh khác… Với trình độ canh tác ngày một nâng cao, đến nay nông dân thôn Đạ Nghịt đã xây dựng vùng chuyên canh cà phê Katimor với 500 ha, trong đó gần 400 ha cà phê trong thời kỳ kinh doanh; 100 ha cà phê trồng mới từ một đến hai năm qua, chuyển đổi từ những diện tích đất trồng hoa màu thu hoạch ít ỏi. Tính riêng hộ gia đình đồng bào thiểu số trồng diện tích cà phê Katimor nhiều nhất đã lên đến 3 ha; trồng ít nhất cũng đến 3 sào vì mới tách hộ. Cà phê Katimor ở Đạ Nghịt, xã Lát, Lạc Dương vào gần hạ tuần tháng 8/2011 đang dày đặc trái xanh trên cành, trong 3 tháng tới, hứa hẹn thêm một mùa bội thu trái chín, bán trực tiếp cho những chuyến xe tải vào ra đường nhựa, không bị cảnh ép giá vì phí vận chuyển giao thông đường đất cách trở như những năm trước đây. Kinh tế trên đà phát triển, người dân Đạ Nghịt đã đóng góp 50 triệu đồng cùng với nhà nước xây dựng hội trường thôn với tổng kinh phí khoảng 450 triệu đồng. Như vậy, bên cạnh các công trình điện, đường, trường, trạm, nước sạch… đã và đang nâng cao chất lượng cuộc sống của buôn làng, nay hội trường thôn đang xây dựng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 9/2011, sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả sử dụng là nơi sinh hoạt gắn kết chặt chẽ đời sống mới của cộng đồng.
Chủ Nhật, 21/08/2011 (GMT+7)