Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Giữ hương thơm arabica Đà Lạt

Văn Việt
Vận hành hệ thống máy rang, xay cà phê loại bỏ hoàn toàn những tạp chất, hãng cà phê Long Triều, Đà Lạt đã thành công bước đầu khi sản xuất cà phê bột arabica Đà Lạt giữ lại hương thơm tinh chất, vừa bán ra thị trường đã lôi cuốn đặc biệt người thưởng thức trong và ngoài nước.  
Anh Nguyễn Xuân Tồn, chủ Hãng cà phê Long Triều ( số 2A, Lê Lai, Đà Lạt), là người làm đại lý trực tiếp cung ứng vật tư phân bón cho cây cà phê các vùng Cầu Đất, Trạm Hành của Đà Lạt đầu những năm “hai ngàn”. Dần dần qua công việc buôn bán, anh Tồn đã tiếp xúc, thấu hiểu những băn khoăn, trăn trở của người trồng cà phê arabica truyền thống ở phố hoa Đà Lạt. Đó là vào thập niên năm mươi của thế kỷ trước, người Pháp đã đưa về định canh và phát triển khá tốt giống cà phê arabica trên độ cao trên dưới 1.600 mét, phân bổ theo địa hình đồi núi thoai thoải, trải dài trên đỉnh đèo D’Ran, cửa ngõ vào trung tâm thiên đường du lịch Đà Lạt.

Và rồi trải qua những cuộc chuyển đổi mạnh mẽ về giống cây trồng, vùng cà phê arabica của Đà Lạt từ những khu đồi chuyên canh sau mỗi năm mỗi thu hẹp dần để chỉ còn lại những diện tích nhỏ lẻ xen canh. Lấn át giống cà phê arabica chính là giống cà phê katimor dễ trồng và thu năng suất cao hơn.
Tìm hiểu sâu hơn, anh Tồn nhận biết nguyên nhân chính đã dẫn đến tình trạng mất dần diện tích cà phê arabica của Đà Lạt là căn bệnh sâu đục thân, cây vàng úa chết khá nhanh và lây lan cũng rất nhanh, rất khó chữa trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu những nhà nông chăm sóc thật sự kỹ lưỡng hàng ngày, có kinh nghiệm phòng bệnh tốt cho cây thì năng suất cà phê arabica vẫn tương đương với cà phê katimor. Hơn nữa, giống cà phê nhân arabica với những vị hương đặc trưng nổi trội nên giá bán bao giờ cũng cao hơn trên dưới 20% giá nhân cà phê katimor cùng trồng trên đất Đà Lạt. Từ đây, ý định mở hãng sản xuất cà phê bột arabica của người bán phân bón cho cây cà phê - anh Nguyễn Xuân Tồn đã hình thành. 
Nhưng mãi đến năm 2008, anh Nguyễn Xuân Tồn mới chính thức chào bán ra thị trường sản phẩm cà phê bột arabica mang nhãn hiệu Long Triều, Đà Lạt. Lý do là anh Tồn phải mất một thời gian ba, bốn năm trước đó để tự thiết kế, hoàn chỉnh hệ thống rang, xay loại bỏ hoàn toàn tạp chất để cô đặc lại tinh chất đặc trưng nhất của cà phê arabica Đà Lạt. Trong đó, đặc biệt là công đoạn máy rang do anh Tồn cải tiến đã tự thoát ra ngoài những tạp chất bằng hệ thống tự động kiểm tra trên 3 chiếc đồng hồ đo nhiệt độ, thay thế thiết bị cũ chỉ hút tạp chất trong buồng rang nên không thể khử hết mùi. Tiếp theo, qua công đoạn xay nghiền trong lò kín hơi, cà phê bột arabica thành phẩm thẩm thấu giữ lại mùi hương thơm ngan ngát như mùi thơm hoa quả còn tươi nguyên trên cành cây, cỏ lá trong tự nhiên. “Có lẽ nhờ vậy nên những ký cà phê bột arabica Đà Lạt đầu tiên chào hàng của Hãng cà phê Long Triều đã đánh thức nhanh thị hiếu của những người thưởng thức cà phê bản địa Đà Lạt. Kế theo là sự lôi cuốn qua cảm nhận của khách du lịch ngoại quốc khi nhâm nhi cà phê arabica Đà Lạt ngay chính trong không gian màu lam tím của Đà Lạt phố”- anh Tồn chia sẻ.
Tính đến nay đã 3 năm sản xuất cà phê bột arabica Đà Lạt, Hãng cà phê Long Triều cố gắng hết sức cũng chỉ thu mua gom được mỗi năm trên dưới 5 tấn cà phê nhân arabica Đà Lạt để sản xuất thành 3,5 tấn cà phê bột. Giá mỗi ký cà phê nhân arabica Đà Lạt ổn định trong nhiều năm qua từ 100 ngàn đồng đến 110 ngàn đồng. Ước hiện còn khoảng 3 ha cà phê arabica vùng Cầu Đất, Trạm Hành của Đà Lạt trồng xen canh với cà phê katimor nên năng suất mỗi héc ta đạt cao lắm chỉ hơn 3 tấn nhân. Trong khi không chỉ có Hãng cà phê Long Triều, Đà Lạt mà còn nhiều hãng cà phê ở ngoài tỉnh Lâm Đồng, kể cả những hãng cà phê ở thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Gia Lai cũng đang tìm đến Đà Lạt thu mua cà phê arabica về chế biến pha trộn với cà phê robusta.   
Với 3,5 tấn cà phê bột arabica sản xuất mỗi năm, hãng cà phê Long Triều, Đà Lạt chỉ mới đáp ứng một phần nhu cầu tiêu thụ của khách hàng trong nước và nước ngoài đặt trước. Anh Nguyễn Xuân Tồn, chủ Hãng cà phê Long Triều kể thêm rằng đã có không ít khách hàng từ nước Mỹ, Pháp đặt vấn đề hợp đồng mua dài hạn với số lượng lớn cà phê bột arabica Đà Lạt nhưng Hãng không giám đặt bút ký vì không đảm bảo đủ nguyên liệu để sản xuất. Đây cũng là vấn đề đáng suy nghĩ của ngành nông nghiệp Đà Lạt để tìm hướng khôi phục và phát triển trở lại diện tích chuyên canh cà phê arabica Đà Lạt. Thứ Ba, 11/10/2011 (GMT+7)