VĂN VIỆT
Sau hơn 5 năm khiếu nại, công dân Phạm
Vũ, sinh năm 1983, trú tại số 39, Nguyễn Trãi, Liên Nghĩa, Đức Trọng, đã chính
thức được Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đức Trọng nhận lỗi công khai và bồi
thường hơn trăm triệu đồng do việc khởi tố, bắt giam oan sai.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 10/10/2005, tại địa bàn khu phố
2, thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng, xảy ra vụ án cố ý gây thương tích, hậu quả
một nạn nhân tên là Lê Hải Sơn bị thương tật vĩnh viễn 12%. Qua quá trình điều
tra, đến ngày 20/4/2006, nghi can Phạm Vũ, sinh năm 1983, trú tại số 39, Nguyễn
Trãi, Liên Nghĩa, bị Công an huyện Đức Trọng khởi tố bị can về tội “cố ý gây
thương tích” và đến ngày 15/5/2006 tiếp tục bị công an huyện này bắt tạm giam.
Theo ông Phạm Lượng, khi đó ông rất bất ngờ trước con
trai mình là Phạm Vũ bị bắt giam, qua ngày hôm sau liền gửi đơn khiếu nại đến
các cơ quan pháp luật của huyện Đức Trọng. Nội dung khiếu nại là Phạm Vũ không
có mặt ở hiện trường vụ án sử dụng hung khí gây thương tích cho nạn nhân Lê Hải
Sơn. Trong lúc chưa được giải quyết ở cấp huyện, ông Phạm Lượng trực tiếp gửi
đơn khiếu nại lên cấp tỉnh và cấp trung ương. Ông Phạm Lượng kể: “Đến ngày
20/9/2006, tôi đang ở Hà Nội gửi đơn khiếu nại thì nghe tin có một thanh niên
đến nhà tôi khai nhận rằng đã trực tiếp gây ra thương tích cho Lê Hải Sơn và đã
bỏ trốn khỏi địa phương từ đó đến giờ. Tôi nhờ luật sư của tôi đề nghị người
thanh niên đó viết tường trình, sau đó đưa lên cơ quan pháp luật của huyện Đức Trọng
để lập biên bản…Ngày hôm sau- 21/9/2006, con tôi- Phạm Vũ được Viện Kiểm sát
nhân dân huyện Đức Trọng ra quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn, cho tại
ngoại chờ xử lý… ”
Ngày 20/8/2007, Công an huyện Đức Trọng ban hành bản
kết luận điều tra có nêu: “…Bị can Phạm Vũ không thừa nhận hành vi sử dụng hung
khí chém gây thương tích cho Lê Hải Sơn. Với những tài liệu chứng cứ, nhân
chứng khách quan thu thập được đã đủ căn cứ xác định Phạm Vũ có hành vi dùng mã
tấu chém Lê Hải Sơn bị thương tật 12% vĩnh viễn, phạm vào tội cố ý gây thương
tích, quy định tại Điều 104, Bộ Luật Hình sự…” Ông Phạm Lượng lại gửi đơn lên các cơ quan của
tỉnh và trung ương, khiếu nại về kết luận điều tra này đã gây oan sai cho Phạm
Vũ, con trai ông. Ngày 06/11/2008, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng ra văn
bản trả lời: Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đức Trọng đã trả hồ sơ cho cơ quan
cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Trọng để điều tra bổ sung, nên việc khiếu nại
về đề nghị đình chỉ điều tra đối với bị can Phạm Vũ về tội cố ý gây thương tích
là chưa có cơ sở.
Ông Phạm Lượng vẫn kiên trì gửi đơn khiếu nại đến
nhiều cơ quan thẩm quyền của huyện, tỉnh và trung ương. Kết quả vào ngày
05/5/2010, Công an huyện Đức Trọng ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối
với Phạm Vũ về tội cố ý gây thương tích vì: “đã hết thời hạn điều tra mà không
chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm…” Oan sai đã rõ, ông Phạm Lượng
làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ngày 21/9/2010, Viện Kiểm sát nhân dân
huyện Đức Trọng ra quyết định xác định trách nhiệm bồi thường của mình đối với
trường hợp Phạm Vũ bị khởi tố, bắt giam oan, tổng số tiền hơn 77, 5 triệu đồng,
gồm bồi thường thiệt hại do tổn thất tinh thần gần 56,7 triệu đồng; bồi thường
thiệt hại do thu nhập bị mất trong thời gian tạm giam hơn 20,8 triệu đồng. Không
đồng ý với mức bồi thường này, ông Phạm Lượng làm đơn khởi kiện dân sự ra tòa. Ngày
17/3/2011, Tòa án nhân dân huyện Đức Trọng ra Quyết định công nhận sự thỏa
thuận giữa nguyên đơn Phạm Vũ ( ủy quyền cho cha là Phạm Lượng) và bị đơn là Viện
Kiểm sát nhân dân huyện Đức Trọng ghi rõ: “Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đức
Trọng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự cho
ông Phạm Vũ số tiền 101.487.225 đồng. ”
Ngày 16/6/2011, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân
dân tỉnh Lâm Đồng và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đức Trọng đã trực tiếp lập
biên bản, giao 101.487.225 đồng tiền bồi thường oan sai cho ông Phạm Lượng (
đại diện cho ông Phạm Vũ).
Ngày 17.8.2011, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đức Trọng
đã tổ chức xin lỗi công khai tại hội trường khu phố 2, thị trấn Liên Nghĩa, Đức
Trọng về việc khởi tố, bắt giam oan sai công dân Phạm Vũ. Sau buổi tiếp nhận
lời xin lỗi này, ông Phạm Lượng bày tỏ: “Rất cám ơn cơ quan pháp luật Đức
Trọng, Lâm Đồng đã minh oan, khôi phục lại danh dự cho con trai tôi là Phạm Vũ.
Và tôi tin rằng đây là bài học kinh nghiệm kể từ nay về sau sẽ không có vụ án
bắt giam oan sai ở Đức Trọng, Lâm Đồng như trường hợp của Phạm Vũ, con tôi nữa…
”./.
Tháng 8/2011