Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Vườn có nhiều kỹ sư

VĂN VIỆT
Chỉ với 3 ngàn mét vuông, vườn ươm hoa giống của nông dân Trương Đức Phú ở Sào Nam, Đà Lạt trở thành “mái nhà chung” của đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên sinh học từ hơn 6 năm qua. Hàng tháng với cả trăm triệu đồng chi phí trả lương đã bước đầu phát huy kết quả sáng tạo của khoảng 30 lao động kỹ thuật mới này.

Nông dân Trương Đức Phú được sinh ra ở ấp Sào Nam, một trong các vùng sản xuất hoa truyền thống cả thế kỷ của phố núi Đà Lạt. Sau bao năm bươn chải bằng nghề kỹ thuật viên điện gia dụng, điện tử, đến cuối những năm chín mươi của thế kỷ trước, anh Phú trở về lại khu vườn cũ với mấy ngàn mét vuông, cùng với gia đình dốc hết tâm sức vào phát triển trồng hoa ngoài trời rồi đến trồng hoa nhà kính. Anh Phú kể: “Mỗi một lần chuyển đổi hình thức canh tác hoa là tôi phải mất nhiều năm dài để tìm tòi, học hỏi kỹ thuật, tập hợp kinh nghiệm từ tài liệu nghiên cứu, từ hướng dẫn của các chuyên viên ngành nông nghiệp trong và ngoài nhà nước đến thực tế sản xuất của doanh nghiệp và người nông dân…”  Từ đó anh Phú dần dần tự đúc kết: Để phát triển hiệu quả kinh tế từ nghề sản xuất hoa ở Đà Lạt, không thể chỉ có bồi đắp bằng “nghề nông dạy nghề nông” mà cần được bồi đắp từ đội ngũ người lao động trí thức để cùng bổ sung, cùng chuyển giao công nghệ mới “ nâng cấp” nghề nông. “Vận may” lúc này đã cùng đến khi được cưới vợ là một thạc sĩ công nghệ sinh học, nên những ước mong về nghề trồng hoa kỹ thuật cao của anh Phú sau đó đã gặp cơ hội để sớm thực hiện.
Đó là năm 2006, phòng cấy mô xuất hiện dưới thung sâu của dãy núi Sào Nam quy mô chưa tới 60 mét vuông của anh Trương Đức Phú  và vợ lập ra đã thu hút đáng kể người trồng hoa Đà Lạt đến đặt mua giống từ những ngày khai trương đầu tiên. Thao tác trong phòng cấy mô là 4 con người lao động phổ thông ( gồm anh Phú và 3 lao động nữ tuyển dụng tại chỗ) dưới sự “cầm tay chỉ việc” của nữ thạc sĩ sinh học - vợ anh Phú. Nhờ tuân thủ theo “bí quyết” của công nghệ cấy mô, hết năm đầu đến năm thứ hai rồi đến năm thứ ba, hàng trăm ngàn giống hoa bán ra đã không ngừng phát triển tươi tốt, thu đạt lãi cao cho nông dân trên nhiều vùng ở Đà Lạt. Vợ chồng anh Phú từng bước tích lũy tăng dần nguồn vốn tự có để mở rộng quy mô phòng cấy mô. Và điều cần đầu tiên là lao động kỹ thuật cao, anh Phú dán trước cửa vườn ươm một tờ giấy A4 thông báo tuyển kỹ sư nông nghiệp và tuyển lao động phổ thông vào đào tạo kỹ thuật viên cấy mô. Chừng hơn một tháng sau đó, trong số lượng hàng chục ứng viên đến phỏng vấn, vườn ươm cấy mô của vợ chồng anh Phú đã chọn tiếp nhận 4 kỹ sư nông nghiệp và 22 lao động phổ thông vào làm việc.
Bây giờ đã hơn 6 năm hoạt động, phòng cấy mô của vườn ươm vợ chồng anh Phú đã ổn định với 4 bộ phận chức năng chính do 4 kỹ sư phụ trách gồm: Bộ phận môi trường nuôi cấy, bộ phận nhân cấy chuyền, bộ phận cấy rễ, bộ phận quản lý phòng cây. Mỗi bộ phận chức năng gồm 7- 8 kỹ thuật viên. 
Hiện tuổi đời của kỹ sư và kỹ thuật viên của vườn ươm nhiều nhất cũng chưa tới 30; tuổi trung bình mới 24. Sự năng động và say mê nghiê cứu sáng kiến trong công việc của lao động trí thức và lao động kỹ thuật trẻ giữa môi trường cởi mở, hợp tác của vợ chồng anh Phú, kết quả đã tăng nhanh năng suất và chất lượng nguồn giống hoa cấy mô bán ra. Thương hiệu giống hoa cấy mô của vợ chồng anh Phú với các loại giống cúc, đồng tiền, cẩm chướng, bi bi, sa lem…đã khẳng định được uy tín không chỉ với người trồng hoa Đà Lạt mà đã mở rộng ra các vùng hoa phụ cận như Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương, đạt số lượng bán ra mỗi năm từ 2 triệu cây trở lên, doanh thu năm sau cao hơn năm trước trên dưới 20%.
Anh Phú cho biết, tính riêng trong 3 năm gần đây, vườn ươm của anh đã cân đối lợi nhuận, trả lương hàng tháng cho mỗi kỹ sư nông nghiệp từ 3,5 triệu đồng đến 4,5 triệu đồng; lương cho kỹ thuật viên hàng tháng đạt từ 3 triệu đồng trở lên. Đây là chưa kể khoản tiền ăn trưa mà vợ chồng anh Phú đã bao chi. Với lao động phổ thông vào vườn anh Phú vừa học vừa làm, lương trung bình mỗi người được nhận mỗi tháng trên dưới 2,5 triệu đồng. 
Thường một lao động phổ thông ở đây được đội ngũ kỹ sư sinh học trực tiếp đào tạo hơn 01 tháng sau có thể thành một kỹ thuật viên cấy mô, đạt thu nhập mỗi tháng từ 3 triệu đồng trở lên. Riêng chủ vườn Trương Đức Phú bên cạnh được học từ người vợ thạc sĩ sinh học còn được học mỗi ngày từ những kỹ sư của vườn do chính mình tuyển dụng. Đến nay có thể gọi nông dân Trương Đức Phú là một kỹ thuật viên cấy mô lành nghề, bởi anh hàng ngày đi hết một vòng phòng cấy mô là có thể nắm bắt, báo cáo đầy đủ kết quả cấy mô lên người điều hành kỹ thuật chung- người vợ thạc sĩ sinh học của mình. Anh Phú hiện đang giữ nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Nuôi cấy mô thuộc Hiệp hội Hoa Đà Lạt.  
Dự tính trong năm 2012, nông dân Trương Đức Phú sẽ đầu tư khoảng 2 tỷ đồng xây thêm phòng cấy mô chừng 300 mét vuông để nhận gia công nhân giống cấy mô từ các giống hoa giá trị cao ở châu Âu. “ Phòng cấy mô mới đi vào hoạt động, sẽ tuyển thêm chừng 5 kỹ sư nông nghiệp và 25 lao động phổ thông vào đào tạo kỹ thuật viên cấy mô. Lúc đó tôi lại được thêm điều kiện học tập, nâng cao tay nghề kỹ thuật cấy mô nhiều hơn nữa từ đội ngũ lao động kỹ thuật cao trong vườn ươm của tôi…”- Anh Phú thật tình./.
Tháng 4/2012