Phóng sự VĂN VIỆT
Lời
cấp báo đã và đang gióng lên ở vùng nuôi tằm truyền thống Nam Ban, Lâm Hà (Lâm
Đồng): Tằm ăn no dâu không không kéo tơ, nhả kén mà đột ngột lăn ngã ra chết.
Nông dân khẳng định nguyên nhân do nguồn giống tằm bị “bệnh hoạn”, nhưng chưa
có cơ sở cung ứng nào trên địa bàn đứng ra nhận “lỗi”, khắc phục hậu quả này.
“Con chiến mã” từng “xông pha” xuôi ngược của tôi
bỗng chết máy giữa đường. Ghé vào ngôi nhà bên đường “cầu cứu” gặp bà lão tuổi
quá sáu mươi đang lụi cụi bên những khung kén lưa thưa, kể lể: “Vừa bán lứa kén
nuôi một hộp tằm chỉ được mười sáu cân. Kén èo uột, người ta gắng lắm mới “thu”
chín ngàn đồng mỗi cân. Cảnh này chắc hai vợ chồng già tôi chết đói mất!” Bà
lão tên là L.T. C. từ huyện Đông Anh, Hà Nội vào định cư tại làng Tầm Xá (Đông
Thanh, Lâm Hà) này từ năm “bảy chín”. Lần đầu tiên suốt mười năm không rời cái
nghề trồng dâu, nuôi tằm trên quê mới, bà lão mới thấu cảnh đời tằm bi đát thế
này…
CHƯA KỊP NHẢ TƠ…
Tôi
“lội” trên những con đường làng mang tên Đông Anh, Thanh Trì, Tầm Xá của xã
Đông Thanh giữa trưa cháy nắng, lác đác người đi. Thấy mấy đứa trẻ mặt mày lem
luốc ghì quanh một chiếc xe đạp thồ bó củi to kềnh đang đổ xuống dốc đá, tôi
đến gần hỏi: “Nghe nói tằm nuôi chết lũ lượt? ” “Rõ đúng đó. Nhà cháu có nuôi
tằm mà! Đến quanh đây thì thấy liền…” Theo lời lũ trẻ, tôi chạy thêm một đoạn
đường quanh co, chao đảo những hố vực, rồi dừng trước một nếp nhà gỗ đang hé
cửa. Thiếu phụ trẻ giới thiệu tên mình là L.K.Q., 23 tuổi, lấy chồng mới ra
riêng liền lâm cảnh khốn đốn vì đời tằm đen đủi. Vợ chồng Q. tạo dựng được 8
sào dâu. Năm ngoái nuôi một hộp rưỡi tằm mỗi tháng bình quân kiếm được 60 kg
kén tốt, giá mỗi kg 28 ngàn đồng.
Không hiểu sao đầu năm đến nay, tằm cứ đua nhau ăn no rồi…lăn ra chết. Bên bán tằm con cung cấp thuốc phòng dịch, Q. vẫn rải rắc theo hướng dẫn, nhưng tác dụng không đáng kể. Một hộp rưỡi tằm của Q. vừa thu hoạch xong chưa quá 30 kg kén. “Nó ăn rỗi khá tốt. Đột ngột đến kỳ lên “nén”, thân dưới con tằm tự dưng teo lại, chết hàng loạt. Nó ráng kéo một vài sợi tơ để lại như thể bị chết oan uổng lắm!” –Q. pha chút thậm ngôn, nghe đau điếng cả người.
Không hiểu sao đầu năm đến nay, tằm cứ đua nhau ăn no rồi…lăn ra chết. Bên bán tằm con cung cấp thuốc phòng dịch, Q. vẫn rải rắc theo hướng dẫn, nhưng tác dụng không đáng kể. Một hộp rưỡi tằm của Q. vừa thu hoạch xong chưa quá 30 kg kén. “Nó ăn rỗi khá tốt. Đột ngột đến kỳ lên “nén”, thân dưới con tằm tự dưng teo lại, chết hàng loạt. Nó ráng kéo một vài sợi tơ để lại như thể bị chết oan uổng lắm!” –Q. pha chút thậm ngôn, nghe đau điếng cả người.
Dẫu
sao, Q. còn chút “ân huệ”so với hộ gia đình ông L.V.B. ở cạnh bên. May quá! Ông
B, là Ủy viên thường vụ Hội nông dân xã Đông Thanh. Nghe gợi chuyện, ông Bài
“trút” liền những lời ca thán: Nông dân chúng tôi đang liêu xiêu với tằm. Cà
phê sống cầm hơi, nuôi heo mất giá, giờ đến lượt tằm. Thật bi đát! Cả xã Đông
Thanh này gần như 100% hộ nuôi tằm - khoảng 800 hộ, trồng 300 ha dâu, mỗi tháng
nuôi từ 600 đến 800 hộp tằm giống. Từ đầu năm đến nay thua lỗ triền miên. Nhà
ông L.V.Th.(cùng thôn Đông Anh với ông B.-NV) mỗi tháng nuôi từ 3 đến 4 hộp
tằm, “đổ trắng” đến 3 lứa. Cùng thời điểm, nhiều hộ khác thậm chí nuôi mỗi lứa
từ 4 đến 5 hộp để rồi đành phải ngậm ngùi “chôn tằm” cả thảy 4 lứa liền. “Cứ
nuôi một hộp tằm hết 5 tạ dâu. Công nuôi tằm quấn chân cả ngày suốt tháng. Một
lần mất trắng là mất cả triệu đồng trở lên. Tằm chết lứa này “lây lan” lứa
khác, nông dân lấy khoản đâu mà trả tiền giống tằm đây?!”-ông B. lại “kêu”. Bà
B. chen ngang: “Nói đâu xa, nhà mình nuôi 3 lứa tằm vừa rồi, hết 1 hộp đến 1
hộp rưỡi rồi 2 hộp-chết sạch hết đó sao! Bây giờ đến lứa này cũng đang “sống
dở, chết dở” nữa! ”
NƠI CUNG ỨNG NÓI GÌ?
Tại
làng Tầm Xá, tôi đã kịp “giữ chân” L.B.T. 30 tuổi, nhiều năm trong nghề “vệ
tinh” bán tằm giống và thu mua kén của nông dân. Nghe tôi là nhà báo, T.càng
nói thẳng: “Năm nay tằm “bể”, kén xấu quá!”. Từ đầu năm đến giờ, Tráng bán 150
hộp tằm giống, giá mỗi hộp 150 ngàn đồng, nhưng bị “sự cố” từ 50 đến 60% tằm
giống chết khi về tay nông dân nuôi. Khi hỏi cơ sở nào có con số thống kê đó, T.trả
lời rằng, do bán giống không lấy tiền trước mà chỉ cấn trừ sau khi thu mua lại
sản phẩm kén nên biết rất rõ từng “mối” nuôi tằm. Nguồn trứng giống từ đâu nhập
về, Tráng chẳng quan tâm; chỉ biết “nhận hàng” từ cơ sở của H. ở thị trấn Nam
Ban bán kiếm lời mỗi hộp từ 20 ngàn đồng đến 30 ngàn đồng.
Đến
thôn Thanh Trì, tôi lại gặp may đến đúng địa chỉ một “vệ tinh” của Trại Dâu tằm
tơ VT. “Tôi là T.. N.V.T., Thôn trưởng kiêm Tổ trưởng Tổ Dâu tằm tơ VT thôn
Thanh Trì!” Trước lời tự giới thiệu hào sảng đến bất ngờ ấy, tôi dò hỏi: “Giống
tằm VT chắc là…” T. gạt ngang: “Trong thôn có 20 hộ đặt mua giống tằm V T. Tôi
bán. Chất lượng kén đảm bảo 100%” (?!) Rồi “lôi” tôi đến nhà ông N.T.T., Xã đội
trưởng xã Đông Thanh, Toán xăng xái: “Nói có sách, mách có chứng. Tôi vừa thu
mua tại đây 68 kg kén nuôi 1 hộp rưỡi tằm VT. Hoá đơn đây!” Tôi tìm cách chuyển
cuộc trò chuyện về phía gia đình ông xã đội. “Bà xã đội” nói đứt quãng: “Nhà
xây riêng một diện tích 30 mét vuông để “chăn tằm” năm 2001 tới nay. Đã bị
“chết trắng” 2 lứa với 3 hộp tằm. Nhưng mà…không phải giống tằm…VT” (?!)
Văn
phòng Trại Dâu tằm tơ VT khi giờ làm việc buổi chiều đã hết mà vẫn đông đúc
người ngồi trong phòng kính kín bưng. Giám đốc P.H.C. tỏ ra cáu kỉnh khi có
thông tin cho rằng, chất lượng tằm giống của trại ông có “vấn đề”. Ông C.nói:
Trại có 3 cơ sở ươm tằm giống tại thị trấn Nam Ban, mỗi tháng cung cấp 600 hộp
tằm giống cho nông các địa bàn Nam Ban, Đông Thanh, Nam Hà, Gia Lâm, Mê Linh…và
đến cả xã Liên Hiệp (Đức trọng). Do cạnh tranh với 20 cơ sở ươm tằm của tư nhân
trên địa bàn nên “thị phần” của Trại chỉ xê dịch trên dưới 30%. Trong các đợt
giao tằm ngày 10, 11/4/2003 và ngày 31/5 và 01/6/2003, khi phát hiện không đạt yêu cầu do ươm thử nghiệm
và do “lỗi” vận chuyển, Trại đã ra quyết định tiêu hủy toàn bộ, không thu tiền
hoặc giảm giá người mua. Một lời, hai lời, ông C.vẫn gằn giọng: “Anh em chúng
tôi có 16 người thường xuyên tiếp xúc với hộ nuôi tằm. Không thể có chuyện tằm
VT xuất ra bị…chết” (?!)
AI
CỨU PHẬN TẰM?
Sát
nách với VT, tôi đã tiếp xúc với hộ N.V.T. và N. V.Đ. (thôn 3, Gia Lâm). Cả hai
lấy giống từ hai “đại lý” là ông TB, ông V, nuôi bị “chết trắng” từ 1 đến 3 lứa
tằm trong thời gian gần đây. Họ nói rằng, VT đang thuê chuyên gia Trung Quốc về
“xử lý” nên “đợt hàng” sau này mới tạm yên tâm. Nếu vậy, “dịch” tằm chết đang
hoành hành ở vùng Nam Ban khó có thể loại trừ nguồn giống của VT?
Rất nhiều hộ nông dân có kinh
nghiệm nuôi tằm lâu năm ở vùng Nam Ban này khẳng định: Tằm ăn no, chưa nhả tơ,
đã chết sắp lớp - đó là do nguồn giống bị
“dịch bệnh”. Tương phản lại, ông L.Đ.P., Chủ tịch xã Đông Thanh thì “vô
tư” đổ lỗi nhiều hơn về phía nông dân: “Người nuôi, thức ăn, thời tiết và…hoàn
cảnh thế giới gây ra chết tằm ” (!)
Tôi nêu lên tình trạng điêu đứng
của người nông dân xã Đông Thanh: Nợ 10,4 triệu đồng từ Phòng Nông nghiệp huyện
đầu tư 10 ha giống dâu sa nhị luân từ năm 2002, nay không trả hết. Xa hơn, nợ
chung các khoản của nông dân trên toàn xã hơn 10 tỷ đồng, bao giờ mới “sòng
phẳng” được đây?! Ông Chủ tịch xã “quên” đoái hoài đến điều này. Và câu hỏi bức
thiết vẫn còn treo lơ lửng: Ai cứu phận tằm cho nông dân nơi này?!./.
Nam Ban- Đà Lạt Tháng 8/2003