Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Ngược dòng Bà Đen

ÁI VY
Độ vài mươi phút vắt vẻo trên chiếc ca bin từ mặt đất là đã bay vào nơi thánh địa Bà Đen. Nắng ban trưa nhìn trên cao bao quát thị xã Tây Ninh bàng bạc giữa màn mây trắng và xanh xanh màu lá. Đếm bước giữa bóng mây vời vợi như đang lạc vào cõi của những truyền thuyết buổi hồng hoang.

Lên đỉnh núi Bà Đen là đi ngược dòng thời gian. Núi cách trung tâm thị xã Tây Ninh hơn mười cây số nhưng tạo hóa đã giành riêng một góc trời huyền nhiệm. Đứng dưới chân núi nhìn lên dãy núi hình mái nhà tiếp giáp với tầng trời. Người ta đo diện tích cả một dãy núi rộng đến hai mươi bốn cây số vuông. Tất cả có ba ngọn núi hợp thành núi Bà Đen, nơi đỉnh cao nhất gần một ngàn mét so với mặt biển. 
Chừng ba trăm năm trước, người ngụ cư khắp vùng đất Việt chọn thế núi nơi này để lập thờ tự, tu tập Phật pháp. Núi có hồn thiêng, người đời sau nối tiếp đời sau chung tay tôn tạo, xây dựng mới nhiều tịnh thất, chùa chiền. Cửa chùa ngày ngày rộng mở cho thiện nam tín nữ khắp phương về đây chiêm bái. Truyền thuyết kể rằng, một tín nữ rất mộ kinh hoa đạo Phật tên là Lý Thị Thiên Hương có nước da bánh ít, phật tử khắp nơi thường gọi tên thân mật là Bà Đen. Vào dịp tết Nguyên Tiêu hàng năm, nàng thường lên núi rất sớm thắp hương ngưỡng vọng, nguyện cầu mình và nguyện cầu chúng sinh vượt mọi khổ nạn để an bình nơi trần thế. Đâu ngờ dưới đáy hang đá tối sâu, một phường người lục lâm thảo khấu bị hớp hồn trước nét duyên đằm thắm của Thiên Hương. Chúng bèn rắp tâm làm trò đồi bại. Cả đám người hè nhau thình lình chặn đường, dùng vũ lực khống chế hòng thỏa mãn dục tính. Nhưng lục lâm đã lầm tưởng. Thiên Hương với vốn võ nghệ khổ luyện thường ngày, đã vung đòn đánh trả quyết liệt khiến bọn lục lâm bao phen khiếp vía. 
Nhưng rồi ngày Tết Nguyên Tiêu năm nọ, lục lâm hú gọi tất cả đám người hung hãn vây hãm. Khi thực hành đến sức bình sinh cuối cùng, Thiên Hương vẫn quyết không thể buông xuôi số phận trước đám người dạ thú. Vừa chống đỡ vừa thoát dần ra khỏi vòng vây. Rồi trở ngược lên được chóp đỉnh núi cao nhất, nàng lao mình nhảy xuống vực sâu tuẫn tiết; giữ trọn phẩm hạnh của người con gái đang tuổi xuân thì. Truyền thuyết còn kể rằng, hồn Thiên Hương rất hiển linh, nhân dân trong vùng được hưởng độ trì, quanh năm hoa lợi đầy nhà. Báo công với Bà Đen, người dân trong vùng cương quyết trừ khử sạch bóng bọn người lục lâm. Đồng thời đã lập điện thờ tôn nghiêm trên núi để tỏ lòng tưởng nhớ ân phước của Bà Đen. Từ đó núi có tên núi Bà Đen.
Lần theo truyền thuyết, dòng người hành hương dừng lại rất lâu trước Điện Bà, tức Linh Sơn Tiên Thạch Tự. Kiến trúc của tạo hóa đã dựng nên một vòm đá to tỏa bóng cả một khuôn viên rộng lớn. Tựa vào đá người dương thế xây một dãy đền thờ Bà. Những vòm mái có hình rồng vàng bay lên, uốn lượn trên chín tầng trời. Trong chánh điện nhang khói rực hồng cuộn bay. Tôi thành kính bước lên từng bậc đá, lẫn vào chúng sinh chiêm bái hồn thiêng của núi; ngưỡng vọng hồng đức của Bà Đen truyền tụng lại cho đời. Rồi đếm bước, đếm bước tiếp lên những bậc đá cao hơn là đến được ngưỡng của cửa thiền. 
Tương truyền về vị ni sư trụ trì ngôi chùa nơi đây được hồn vía Bà Đen báo mộng lại vọng về. Rằng đêm hôm Thiên Hương quyên sinh, xác nàng yên nghỉ trên bờ đá thanh thản đến lạ thường. Quanh bờ đá là suối nước chảy vỗ về. Bên trên là hoa lá và bầu trời xanh thẳm. Ni sư và dân làng trong vùng tìm đến ngay được nơi Bà Đen viên tịch,  cùng chung lòng thiện tâm lo  chu toàn lễ an táng đưa Bà Đen về cõi thiên thu...
Hàng trăm năm nay truyền thuyết núi Bà Đen đã đi vào đời sống tâm linh trên khắp vùng đất Việt. Ngày ngày dòng người như chảy mãi hành hương về đây. Đặc biệt là vào dịp những ngày lễ trọng trong tháng giêng âm lịch hàng năm. Lên núi Bà Đen của thị xã Tây Ninh một lần đếm bước lên mỗi bậc đá là bỗng thấy hồn mình trong trẻo hơn lên, lắng đọng đến vô cùng… /.    
Tây Ninh- Đà Lạt Tháng 01/2008