VĂN VIỆT
Vượt qua những khó khăn
về điều kiện canh tác, nông dân Lê Sa ( sinh năm 1963) ở thôn Bắc Hội, xã Hiệp
Thạnh (Đức Trọng) đã “trụ vững” 13 năm với 8.000m² cây tiêu
đạt sản lượng và chất lượng cao.
Vườn
tiêu 8.000m² của nông dân Lê Sa nằm cách đường Quốc
lộ 27 chưa quá một cây số, do phải đi qua những đoạn dốc đá, thửa rau và len lỏi
dưới tán cà phê, nên người trong tỉnh Lâm Đồng biết đến chưa nhiều.
Đến giữa
tháng 5/2013, trên 8.000m²
này, nông dân Lê Sa vừa thu hoạch xong lứa tiêu năm 2012 - 2013 với “tổng hoa lợi”
khoảng hơn 4 tấn khô ( tỷ lệ 1 khô bằng 5 tươi). “ Năm nay so với năm ngoái, sản
lượng có giảm xuống chừng 500kg vì nhiều hàng cây tiêu đã thoát nước không kịp
vào những tháng mùa mưa, cây bị thừa nước, phát triển cành và lá quá xanh tốt, dẫn
đến lượng hoa thụ phấn vừa đậu trái đã rơi rụng nhiều hơn. Nhưng bù lại, giá tiêu
năm nay cao hơn năm ngoái mỗi ký từ 10- 15 ngàn đồng…”- Lê Sa nói.
Nông dân
Lê Sa ước tính số tiền “đầu vào” cho vườn tiêu 8.000m²
trong vụ mùa 2012- 2013 vừa qua khoảng 100 triệu đồng, lấy tổng doanh thu trừ
ra còn đạt tổng tiền lãi hơn 400 triệu đồng. Cứ 1.000m² có 220 cọc tiêu ( mỗi cọc
trồng xuống 2 bầu cây), nhân với 8.000m², thành khu vườn chuyên canh với hơn
3.500 cây tiêu, vào vụ thu hoạch từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 5 năm 2013,
nông dân Lê Sa phải tìm thuê mỗi ngày hơn 10 lao động hái tiêu bằng tay, trả tiền
công 115 - 120 ngàn đồng/người/ngày. Còn trả tiền công cho lao động thường
xuyên làm cỏ, tưới nước, bón phân, cắt cành, tỉa tán…có thấp hơn tiền công hái
tiêu, nhưng không quá 10%. Ở đây công đoạn tưới nước đều tự động qua hệ thống
béc phun mưa từ trên ngọn cây chảy đều xuống gốc cây, nước được bơm lên từ chiếc
ao đào mạch ngầm tại vườn với diện tích mặt nước hơn 150 m², đào sâu xuống lòng
đất khoảng 10m. Cách thức tưới nước cho cây tiêu trên đất Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh
( Đức Trọng) của nông dân Lê Sa là: “ Những tháng mùa hạn, cứ 5 ngày phải bơm
tưới cho cây tiêu một lần kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ mới giữ được độ ẩm. Những
tháng mùa mưa, phải nạo vét từng đường mương rãnh chạy dọc chính giữa từng hàng
cây tiêu để thoát hết lượng nước thừa ra ngoài… ”
Nhìn lại,
nông dân Lê Sa đã “trải nghiệm” 13 năm vừa trồng vừa đúc kết “bài học” trên 8.000m² cây tiêu. Theo đó, từ mùa mưa năm 2000, thông qua những “bạn
hàng” ở tỉnh Bình Phước sử dụng phân chuồng từ tỉnh Lâm Đồng, nông dân Lê Sa đã
quyết định mua về 880 bầu cây giống tiêu về trồng trên 2.000m² đất trồng cây
phê vừa phá bỏ vì năng suất thấp. Một tháng sau, thấy cây tiêu lấy từ Bình Phước
này đã bén rễ nhanh mỗi ngày, Lê Sa xuống giống thêm trên 3.000m² nữa (trồng
440 cây trên 1.000m²). Tất cả đạt tỷ lệ cây sống từ 90% trở lên, đặc biệt kiểm
tra từ gốc đến cành và lá tiêu trên đất Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh ( Đức Trọng, Lâm
Đồng) sinh trưởng khá tốt tươi vượt trội so với trồng cùng thời gian trên đất
Bình Phước. Theo kỹ thuật tiếp cận được từ nông dân Bình Phước, nông dân Lê Sa
trồng cây tiêu trên đất Lâm Đồng với 2 cây trồng trên 1 cọc bằng bê tông, dựng
lên từng hàng đều khắp trên 5.000m². Quy cách mỗi cọc tiêu bê tông có chiều cao
4m tính từ mặt đất, chôn sâu dưới đất 60cm, thân cột tiêu hình vuông với chiều
dài của cạnh là 14cm.
Năm
2002, nông dân Lê Sa tự giâm hom cành tạo cây tiêu giống rồi trồng thêm 3.000m².
Lần này cây tiêu được quấn leo lên thân cây tràm đã trồng trước đó hơn một năm.
Cây tiêu trồng trên “cọc sống” ( cây tràm) và “cọc chết” ( cọc bê tông) đều phải
che lưới đen để làm dịu bớt ánh nắng mặt trời trong năm đầu sinh trưởng. Kết quả
vượt khó chăm sóc đến năm 2003 và năm 2004, nông dân Lê Sa thu trái tiêu bói
trên 5.000 m² mỗi năm trên dưới 200kg khô. Và từ năm 2007 đến nay, toàn bộ 8.000m² đã cho thu hoạch đều đặn mỗi năm từ 4 – 4,5 tấn tiêu khô
như đã nêu trên. Phép tính theo giá thị trường tháng 5/2013 là: Đầu tư trồng
tiêu gồm vật tư phân bón và công lao động trên 1.000m² trong 5 năm khoảng 80
triệu đồng. Trồng đến năm thứ 6 là bắt đầu thu rộ hàng năm từ tháng 3 đến tháng
5, thu vụ đầu tiên có thể đủ hoàn lại nguồn vốn đầu tư.
Với
thành quả có được vườn tiêu của nông dân Lê Sa hôm nay, Chủ tịch UBND xã Hiệp
Thạnh ( Đức Trọng, Lâm Đồng), ông Phan Xuân Tịnh đánh giá rằng, cây tiêu trồng
trên địa phương Hiệp Thạnh này luôn tiêu thụ khá nhanh, mặt bằng giá đạt ở mức
tương đối cao. Nhưng đây là cây trồng dài ngày, chính quyền xã đã và đang vận động
bà con nông dân bố trí những diện tích đất phù hợp, có thể sản xuất theo phương
pháp “lấy ngắn nuôi dài” để từng bước phát triển thành những vườn tiêu hiệu quả
từ nguồn giống đã quen đất mới của nông dân Lê Sa./.
Đức Trọng - Đà Lạt tháng 5/2013