Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Kỳ tích đời thường

Phóng sự VĂN VIỆT
(Giải Ba - Cuộc thi Phóng sự HNB Lâm Đồng lần thứ nhất-2003)
Miền quê vùng xa xã Gung Ré, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng tuy còn nhiều vất vả, khó khăn, nhưng rất giàu lòng hiếu học với những “khoa bảng” là người đồng bào dân tộc thiểu số, quanh năm chân lấm tay bùn. Bao năm miệt mài đèn sách, đỗ đạt đem tri thức trở về, họ quyết chí bung thoát ra khỏi đói nghèo, tụt hậu. Tháng chín này, mùa thu cao nguyên như khoáng đạt hơn, bước chân về vùng đất Gung Ré, lại bắt gặp những “kỳ tích” giữa đời thường…

Xã Gung Ré có 6/9 thôn chiếm 100% đồng bào dân tộc thiểu số người Cơ Ho có tập quán canh tác lúa nước từ lâu đời. Công cuộc định canh, định cư của Đảng và nhà nước những năm qua làm thay đổi sâu sắc diện mạo của buôn làng. Nằm phía sau sự nhộn nhịp của thị trấn Di Linh chừng 5 cây số, những trục đường chính vào khu dân cư đã trải nhựa phẳng phiu, lưới điện giăng theo về khắp ngả. Đường vào thôn Ka Ming, thôn văn hóa của Gung Ré vừa trân trọng mang tên Mọ Kọ, người nữ thủ lĩnh huyền thoại, chiêu mộ nghĩa quân chống Pháp can trường làng Đồng Đò năm xưa. Có lẽ hiếm thấy nơi nào mà đường thôn, bản được vinh hạnh mang tên một người yêu nước của xứ sở như nơi này. Về Gung Ré giữa đời thường hôm nay, hỏi bất kỳ ai rằng “có bao nhiêu cử nhân ở làng” đều nhận biết ánh mắt tự hào nơi họ: “Nhiều lắm, kể sao cho thỏa…”
CHUYỆN “LÀM GIÀU” TỪ MỘT GIA ĐÌNH
Tôi tìm đến nhà ông K’Jiệp, thôn trưởng thôn Ka Ming không mấy khó khăn dẫu không phải nhà ở mặt đường chính. Hôm nay, K’Jiệp bận thăm ruộng xa cả ngày, mang theo cơm ăn trưa nên đến tối mới về được. Nhưng không sao, hỏi một ngừời hàng xóm ở đây được bảo: “Trong lúc chờ, hãy đến nhà ông Tou plui Brang, giờ chắc đã về! ”
Ông Tou plui Brang là Trưởng ban công tác mặt trận thôn Ka Ming. Lúc vừa bước vào làng, tôi được nghe nhiều “lời đồn” rằng, ông là người “tiên phong” đi học lên cao sau ngày giải phóng về. Nhưng cái “tật la cà” của tôi theo câu chuyện “mở màn” ở buôn về nhà giáo-thôn trưởng K’Jiệp cứ cuốn hút, mãi đến xế chiều mới gặp được Brang. Lần đầu tiếp xúc với phong thái lịch lãm, tao nhã của một trí thức nhà nông, không mấy chốc không khí giữa tôi và Brang như xích lại gần hơn; chân tình và cởi mở…
Brang sinh ra ở làng Ka Ming trong thời kỳ chống Mỹ, tăm tối và cơ hàn. Địch dồn dân, lập ấp, cả làng Ka Ming bị đẩy xuống sống chen chúc dưới những thung lũng sâu, ẩm thấp, bệnh tật. Cách mạng toàn thắng, nhà cửa đồng bào được quy hoạch dời lên bậc đồi cao ở; còn vùng “chiêm trũng” dành cho chuyên canh cây lúa nước. Thời bao cấp, gia đình Brang cũng phải “thắt lưng buột bụng” như những gia đình khác. Được cái, càng trưởng thành, Brang càng hiếu học. Mục tiêu đi học thật mộc mạc: “Học cho đời mình bớt khổ, giúp cho buôn làng no ấm, văn minh!” 
Năm 1976, Brang tốt nghiệp phổ thông trung học, thi đỗ vào Trường Trung cấp Nông nghiệp Bảo Lộc, cả họ hàng, dòng tộc vui như mở hội. Gợi nhớ lại, Brang thật lòng: “Quãng thời gian đó, mình là người thi đỗ cấp 3 đầu tiên của làng Ka Ming, của xã Gung Ré. Mừng thì không nói hết được. Nhưng lo đủ đường. Nhà đông anh em quá. Tới 6 đứa em còn nhỏ, cứ sợ chúng sẽ không vượt nổi thiếu thốn, rồi sẽ nghỉ học giữa chừng đi mất!” Rời buôn Ka Ming “lều chõng” ra phố thị Bảo Lộc nhập trường, Brang mang theo cả những nỗi niềm lo lắng, tâm tư. “Cái mạnh” của thời bao cấp là nhà nước “bao sân” hết từ sách vở, ăn nghỉ đến “xe-đò” đi-về, nhưng thực ra cái nào cũng thiếu cả. Ăn bo bo đủ vừa lưng lửng cái bụng; tài liệu, sách vở học tập, nghiên cứu phải lên “thời khóa biểu” chuyền tay nhau lần lượt học. Thôi thì người đồng lứa chịu đựng được, Brang sao lại không chứ! Năm học đầu, Brang thường hay tranh thủ ngày nghỉ chạy về nhà chăm bón cây lúa, làm cỏ cây cà phê, động viên các em gắng sức học hành. Phần mình, Brang luôn dặn lòng “có kham khổ đến mấy, nhất định không hé lộ cho gia đình biết. Đã không giải quyết được gì, không khéo ảnh hưởng tâm trí học của lũ đàn em trong nhà…” Cứ thế, cuộc sống quay đều, Brang và gia đình thích nghi nhanh hơn với môi trường mới, với hoàn cảnh mới. Ba năm sau, Brang hoàn thành xuất sắc kỳ thi tốt nghiệp của mình, trở thành người trí thức mẫu mực đầu tiên ở làng.
“Nhưng bây giờ khác hẳn ngày tôi đi học rồi!”-Brang rót thêm nước mời khách, nụ cười rạng rỡ. Đi qua nhiều công việc phân công của Ban Kinh tế tỉnh, trở lại về Gung Ré làm Chủ nhiệm Hợp tác xã, nay làm công tác mặt trận, làm ruộng, làm cà phê, Brang nơi nào vẫn cảm thấy kiến thức của mình không bao giờ hoài phí. Nêu gương “làm giàu kiến thức” của Brang, mấy người em ruột nhờ trong điều kiện thuận lợi đã học hành “chiến đấu” hơn nhiều. Đó là Tou plui Brớh, sinh năm 1971, tốt nghiệp Đại học Y khoa Tây Nguyên ra trường năm 2000. Được Trạm xá xã Gung Ré tiếp nhận, Brớh tỏ ra rất xuất sắc trong chuyên môn nên chỉ sau vài tháng công tác liền được chọn, đi thi trúng tuyển du học bậc thạc sĩ tại Thái Lan. Đây là một chương trình học bỗng quốc tế do quỹ Ford tài trợ. Đó là Mul Lợi, người em rể con bà cô ruột của Brang. ““Nó” được vợ “bắt” về nuôi ăn học hết phổ thông, rồi xong cả bậc Đại học Y khoa Tây Nguyên, nay đang công tác ở Uỷ ban DSKHHGĐ của huyện Di Linh. Bây giờ, “nó” là bác sĩ “kiêm” làm vườn cùng với vợ để nuôi hai đứa con ăn học chu đáo, nuôi chí thành tài…”

Trước khi được “diện kiến” với Brang, tôi cũng được trò chuyện với người vợ tần tảo, chịu thương, chịu khó của ông. Bà nói rằng, bà chỉ được học mới lớp 5 rồi nghỉ hẳn. Chưa thấy lúc nào bà ngơi tay chăm ruộng, chăm đồng và chăm chồng, lo con hàng ngày. Có chồng được học cao, bà được bù đắp rất lớn phần thiệt thòi của mình. Từ đó, mấy người em ruột của bà dồn hết tâm sức đi học, người nào cũng công thành, danh toại, bà lấy đó thêm chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình hai bên. “Em tôi, K’Brìm, nhà sát bên tay phải của tôi, học đại học về, đang công tác trên tỉnh đó! ”-Bà thật thà giới thiệu. Chiều nay, K’Brìm và vợ không có ở nhà. Nhìn sang, đó là một nếp nhà nằm bao bọc giữa vườn cây trái xanh tươi, thoáng đãng. Nhưng phải chờ lúc Brang về, tôi mới hiểu nhiều hơn về đứa em vợ của Brang tên là K’Brìm ấy. Sinh năm 1972, K’Brìm tốt nghiệp Đại học nông lâm TP HCM năm 1998. Lấy tấm bằng xong, được bác sĩ Ka Hor “bắt ngay” về làm chồng. Bác sĩ Ka Hor tốt nghiệp Đại học Y khoa Tây Nguyên về nhận công tác tại Bệnh viện Bảo Lộc, sau đó chuyển về Bệnh viện huyện Di linh đã gần 3 năm, từng là ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XI, đơn vị tỉnh Lâm Đồng. Còn “ông cử” K’Brìm đang công tác tại Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng. Hai đứa con của vợ chồng “ông cử nhân-bà bác sĩ” đang hứa hẹn con đường học vấn xán lạn phía trước. Và còn nữa. K’Tìm, tốt nghiệp cử nhân luật TP HCM, hiện là thẩm phán Tòa án huyện Di Linh là anh ruột của Ka Hor. Chưa kể 5 trung cấp, cử nhân gồm anh chị em ruột của Ka Hor và K’Tìm đang công tác trong các cơ quan, đơn vị của huyện Di Linh, của tỉnh Lâm Đồng. Một “đại gia đình” trí thức của Brang, của “sui gia” bên vợ Brang trở thành những nhân tố tích cực đóng góp trí tuệ, công sức vì sự giàu đẹp của cao nguyên Di Linh-Lâm Đồng.
ĐẾN CHUYỆN CỦA MỌI NHÀ
 Chiều cao nguyên vời vợi. Từ thôn Ka Ming men theo con lộ chạy dọc dãy núi Ba Sa cao vút, tôi đến thôn Hàng Làng qua trung tâm xã vào nhà riêng Chủ tịch xã K’Brès. Nghe tiếng khách lạ, từ vườn cà phê ngút ngát quanh nhà, K’Brès bước ra đón chào. Làm công tác quản lý nhà nước, lãnh đạo địa phương nhiều năm, K’Brès hội tụ cả phong cách một nhà giáo, mô phạm và mực thước. 
Đưa tôi lên bậc nhà sàn xinh xắn, K’Brès nói: “Tôi sinh ra ở Gung Ré, lớn lên tay cầm cuốc, tay cầm viết đi học, tốt nghiệp trung cấp sư phạm về lại Gung Ré, Sơn Điền dạy học hơn mười năm. Và sau đó, rời bục giảng, làm cán bộ xã đến nay…” Nếu ước tính thì xã Gung Ré có bao nhiều nhà giáo là người dân tộc thiểu số đang giảng dạy hoặc chuyển công tác khác ? “Ồ! Nhiều lắm! Phải kể ra lần lượt mới được ?!” Tôi gật đầu tâm đắc. Cuốn sổ tay công tác của mình dường như nhỏ bé quá. Những dòng ghi địa chỉ nhà giáo đầy ắp, đầy ắp dần lên. Như K’Điềm, giáo viên hiện dạy môn anh văn ở Trường trung học phổ thông nội trú huyện Di Linh; K’Jiệp, từ nhà giáo chuyển sang làm công tác văn hóa của xã, nay dân tín nhiệm bầu làm thôn trưởng thôn Ka Ming. Cao hơn là K’Broi, từ làng Ka Ming đi học sư phạm, nguyên Bí thư Huyện đoàn Di Linh, hiện là Bí thư xã Đinh Trang Thượng. Rồi lên nữa, K’Gẹo, tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP HCM về làm việc tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện. Và K’Brọ, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND xã Gung Ré, hiện giữ chức Phó Ban Dân vận Huyện uỷ Di Linh v.v và v.v…
 Theo thống kê sơ bộ, người dân tộc thiểu số toàn huyện Di Linh có 170 cử nhân, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp thuộc những ngành khác nhau, phần lớn đều giữ những chức vụ, công việc nhà nước. Trong đó riêng xã Gung Ré có đến 54 người, hầu hết là con em của đồng bào Cơ Ho thôn Ka Ming. Lòng hiếu học được động viên, nhân lên bằng những động thái thăm hỏi, giao lưu, đầy trách nhiệm cộng đồng như: gặp gỡ giới trí thức trẻ hàng năm, tỏ lời tôn vinh những tấm gương vượt khó học giỏi từ nội bộ gia đình, cụm dân cư đến xã và huyện. “Đây là một hình thức xã hội hóa giáo dục ở địa phương, duy trì như một tập quán sinh hoạt từ sau ngày giải phóng đến nay. Tinh thần tự lực cánh sinh của bà con luôn được khơi dậy và phát huy. Chính quyền xã không phải bận tâm về kinh phí tổ chức gặp mặt, hoặc trợ cấp một trường hợp học sinh nào! ”-K’Brès nói.
Từ lâu lắm, toàn xã Gung Ré đã xóa hoàn toàn hộ đói, chỉ còn 10% hộ nghèo. Riêng thôn Ka Ming có đến 99% hộ thu nhập trung bình khá trở lên. Cái chữ về buôn càng tinh thông, nhiều hơn, càng ngấm sâu vào lòng đất mẹ, nở hoa, kết trái những mùa vàng. Xưa kia, có ai giám nghĩ rằng, lúa nước vùng Gung Ré-Di Linh đạt năng suất mỗi ha từ 45 tạ đến 60 tạ như bây giờ đâu nhỉ ?! Có năm, nhân dân đóng góp cả trăm triệu đồng cùng với nhà nước xây thêm trường mẫu giáo, trường tiểu học, đáp ứng nhu cầu học tập cho chính con em mình. Năm học mới này, ước tính có đến hơn học sinh 2.300 học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông cắp sách đến trường; khoảng hơn 40 sinh viên, học sinh đang học từ các trường trung cấp chuyên nghiệp đến cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh. Lớp cha trước, lớp con sau, kế tục, đồng hành đi chinh phục “miền trí thức” vì sự thịnh vượng của quê hương, xứ sở mình. Họ xây đắp nên những “kỳ tích”giữa đời thường chân đất!
…Trước khi ra về, K’Bès tiễn chân tôi ra tới thôn Đăng Rách rồi dừng lại siết chặt tay: “Trong khu vực 1 ha này, tỉnh đã thông qua chủ trương xây dựng 1 trường cấp II cho xã, kinh phí khoảng 1,7 tỷ đồng. Sắp sửa khởi động xây dựng rồi!” Tôi nhân lên niềm vui với K’Bès. Chợt nhớ về truyền thuyết dòng suối Liăng Fút. Thuở đất trời hồng hoang, đôi nam nữ tên là Liăng và Fút - vượt qua những định kiến hà khắc chia rẽ giữa các bộ tộc - đã thề nguyền trọn đời son sắt thương yêu. Để minh định, họ cùng thả hai đôi đũa xuống dòng suối chảy xiết. Điều mầu nhiệm bỗng hiện ra: Nước tung bọt cuộn tròn hai đôi đũa cắm sâu lên bờ suối, mọc thành rừng lá bép ôm choàng quyện lấy rừng mây. Rừng sinh sôi, phủ kín những rặng đồi xanh thẳm đến tận bây giờ. Và dòng suối Liăng Fút như mạch nguồn bất tận, tắm mát ngàn đời trên cao nguyên Gung Ré-Di Linh này…
Di Linh-Đà Lạt, tháng 9/2003