Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Thú biển Nha Trang "trò chuyện"

VŨ VĂN
Du lịch phố biển Nha Trang ngày càng hấp dẫn bởi những bãi tắm biển trong xanh, những hồ tắm bùn, tắm khoáng và những bãi cát thả mình tắm nắng đối với du khách miền ôn đới. Thật thú vị hơn nếu sau những giờ tắm này, du khách được dong thuyền ra đảo “trò chuyện” với thú rừng và vào khu vực hải dương học trên đất liền để “trò chuyện” với thú biển.

Một buổi sáng mùa hè, chúng tôi thỏa thích ngụp lặn trong nước biển từ tinh mơ cho đến lúc mặt trời nhô lên cao. Chương trình tham quan đảo khỉ tiếp theo đó khiến cho những vị “khách nhí” trong đoàn reo lên háo hức. Ra khỏi nội ô Nha Trang đến đôi chục cây số, vượt qua Đèo Rù Rì một chặp nữa mới đến bến thuyền ra đảo. Trong ánh nắng rực nóng sớm mai, bầu trời như xanh cao hơn và biển như nối gần lại hơn với chân trời. Chiếc tàu du lịch hơn 40 chỗ ngồi vừa người lớn, vừa “khách nhí” bơi chậm đều vài chục phút đến đảo khỉ. Nhìn xa đảo khỉ có hình thù một chiếc phi lao nằm vắt ngang giữa biển. 
Người ta còn đặt tên cho đảo là Hòn Lao. Khi bước lên “cầu cảng” đặt chân lên đảo, cảm giác khoáng đạt từ một màu xanh mát tỏa ra. Bên những loài cây rừng tự nhiên được chăm sóc cẩn thận, đảo được phủ xanh bởi những hàng dừa, hàng dương tăm tắp nối dài. An tượng đầu tiên khi đặt chân lên đảo là đàn đà điểu Phi Châu được nuôi thả, sinh sôi nảy nở ở đây thành từng đàn. Khách tha hồ chụp hình với đà điểu mà không phải mất thêm tiền vé nữa. Trứng đà điểu được bán tại chỗ. Một quả trứng to bằng quả bắp chuối có giá trên dưới 200 ngàn đồng. Nếu thực khách muốn thưởng thức tại chỗ thì có bộ phận bếp thạo nghề sẵn sàng phục vụ.
Người hướng dẫn viên đưa đoàn chúng tôi vào một căn nhà nghỉ chân, mái lợp bằng tranh-tre-nứa. Những tấm ván gỗ tự nhiên được cố định thành mấy hàng ghế ngồi chạy vòng quanh đường kính chừng 10 mét. Thật bất ngờ. Đây còn là một sân khấu xiếc thú với những tiết mục vô cùng đặc sắc. Đó là đàn chó cảnh được huấn luyện biết vào lớp học ngay ngắn. Biết lên bảng làm các phép tính cộng-trừ-nhân-chia. Biết chơi xích đu. Biết nhảy múa bằng hai chân sau. Tiết mục chính ở đây là khỉ làm xiếc. Bằng sự điều khiển của các nghệ nhân xiếc thú chuyên nghiệp, đàn “diễn viên khỉ” đã mang đến khán giả những “bữa tiệc cười” nghiêng ngả. Nào khỉ nhảy vòng lửa, khỉ chơi bóng, khỉ cử tạ, vợ chồng khỉ đi xích lô và…đàn khỉ làm cua rơ với những cú ruớn bứt phá giành quyền về đích thật ngoạn mục.      
Rời sân khấu xiếc, chúng tôi vào sâu bên trong đảo. Ở đó có một khu vườn rừng tự nhiên làm mái nhà chung cho hơn 1.500 “công dân khỉ”. Nhờ môi trường tự nhiên thích hợp, một chế độ chăm sóc đặc biệt của ban quản lý khu du lịch đảo, đàn khỉ ở đây sinh sôi nhất nhanh. Chúng sống từng đàn và theo những bản năng sinh tồn đậm chất hoang dã. Khỉ chạy nhảy dưới đất. Khỉ đánh đu trên cành lá, ngọn cây. Khỉ quấn lấy bước chân du khách. Và rất nhiều hình ảnh xuất hiện bầy đàn “nương tựa” để cùng nhau tồn tại. Khỉ con được khỉ mẹ suốt ngày đêm ôm chặt vào lòng lúc dạo chơi cũng như lúc cuộn mình vùi ngủ. Du khách còn thấy rất nhiều khỉ con được các “chú khỉ”, “cô khỉ” địu cõng trên lưng, dính chặt nhau không rời nửa bước. “Những chú khỉ con này bị mồ côi cả bố lẫn mẹ khi sinh ra. Nó đeo chặt trên lưng của “chú khỉ”, “cô khỉ” chính là “bố mẹ nuôi” tự nguyện của nó”-Người hướng dẫn viên khu du lịch đảo giải thích. Quả đúng khỉ là loài vật thuộc hàng đầu trong muôn loài vật có bản năng tự bảo vệ giống loài…
Chiều hôm đó trước khi về lại đất liền xem…thú biển, đoàn chúng tôi còn được thưởng thức một show xiếc gấu thật độc đáo. Tấm thân ục ịch nặng nề của gấu nhưng lại đi bằng hai chân sau khá thăng bằng. Gấu trượt trên một con lăn khá điệu nghệ. Gấu đi qua chiếc dây nhỏ trên không. Gấu đi xe đạp lái một chân trên, đạp một chân dưới chạy cả chục vòng sân khấu không bị té ngã. Gấu pha trò “làm nũng”, nhận hoa khán giả tặng…Xem xiếc thú mới biết “khách nhí” vỗ tay hào hứng bao nhiêu thì từng đoàn “khách lớn” cũng “bị” “cuồng nhiệt” không kém. 
Xem thú biển trên…đất liền, du khách được khám phá những bí ẩn của thế giới dưới lòng đại dương khi vào viện hải dương học Nha Trang. Quanh những lồng kính khổng lồ, cá voi, cá heo và muôn loài thú biển khác tự do vẫy vùng trong đại dương thu nhỏ. Lên khu vực  “bảo tàng” sinh vật biển, du khách được tiếp cận những thông tin kỳ bí hơn. Đập vào mắt nhanh nhất là bộ xương cá nhám voi còn nguyên vẹn ở đây. Cá Nhám voi này bắt được ngày 29-01-2005 tại vùng biển Phú Quốc, dài hơn 5m, nặng khoảng 01 tấn. Đọc những tài liệu về cá voi ở đây mới biết, cá nhám voi là “chúa tể” của muôn loài thú biển, có thể dài tới 20m. trọng lượng trên 20 tấn, tuổi thọ đến 150 tuổi, thuộc loài quý hiếm có tên trong sách đỏ cần được bảo vệ. Chúng di cư hàng ngàn cây số trên Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Ở Việt Nam , cá voi xuất hiện nhiều nhất là vùng biển miền Trung từ Đà Nẵng đến Bình Thuận.

Cùng với cá nhám voi, bò biển là một loài thú biển lạ thu hút rất nhiều khách tham quan đến đây. Xác ướp khô của nó được trưng bày trong lồng kính giữ được màu sắc tươi rói. Nó bị chết tự nhiên tại bãi Lò Vôi, Côn Đảo vào ngày 22/01/1997, chiều dài 2,72m, nặng gần 03 tạ. Loài thú biển có vú này ăn cỏ biển, đẻ con, nuôi con bằng sưã, có tuổi thọ trung bình trên 70 năm Chúng sống ở vùng nước cạn ven bờ và vùng hải đảo có độ sâu từ 3-10m, hoặc dưới lạch hay cửa sông. Bò biển chỉ nín thở lặn lâu nhất trong nước là 8 phút 26 giây, sau đó phải ngoi lên mặt nước hít thở. Chúng sống thành từng đôi mẹ-con hoặc từng nhóm nhỏ, bơi chậm chạp khoảng 5km/giờ. Bò biển phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc 42 nước trong vùng Ấn Độ-Tây Thái Bình Dương. 
Hiện nay trên thế giới bò biển ước tính chỉ còn khoảng 100 ngàn con và đang báo động đỏ về nguy cơ tuyệt chủng. Ở Việt Nam, bò biển được phát hiện ở vùng biển Côn Đảo khoảng 8-12 con…
Thế giới của sinh vật biển ở Viện Hải dương học Nha Trang mênh mông quá, phải đến và trở lại nhiều lần mới khám phá được nhiều hơn. Phần tôi lần này về du lịch phố biển Nha Trang, dành một ngày đi xem cả thú biển và thú rừng nơi đây, cảm thấy thêm phần chất lượng hơn cho một kỳ nghỉ của mình./.

Nha Trang- Đà Lạt Tháng 8/2006