VĂN VIỆT
Nói đến du lịch văn hóa tâm linh ở miệt
đồng bằng sông Cửu Long người ta thường lưu tâm đến những ngôi chùa Khơ Me được
xây dựng và giữ gìn tôn tạo hàng trăm năm qua. Trong một chuyến du lịch hành
hương về đất phương Nam, tôi đã được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc chùa Khơ
Me khá đặc trưng ở tỉnh Sóc Trăng - chùa SaLon hay còn có tên gọi là chùa chén
kiểu.
Đại
đức Lâm Chanh, Sư phó chùa SaLon giảng nghĩa tiếng Khơ Me tạm dịch nghĩa chữ
SaLon ra tiếng Việt phổ thông là nàng Tiên Nữ. Còn tên chùa chén kiểu là có tên
gọi từ hơn mười năm qua. Khi ấy những thiện nam tín nữ từ muôn phương lần lượt
sưu tập hàng ngàn chiếc chén kiểu từ cổ chí kim đưa về trang trí trên những
ngọn tháp nhọn, kết thành những đường hoa văn nổi bật trên từng dãy dài tường
vách, cột trụ..của các công trình trong chùa. Người dân nghĩ rằng khi đem từng
chiếc chén kiểu hiến tặng cho chùa là đã chân thành gửi gắm trong đó lời nguyện
ước cho cuộc sống của chúng sinh luôn được ấm no và bình an, ngày càng viên
mãn.
Chùa SaLon trở về gần 200 năm trước là khu vực đồng bưng phì nhiêu, một
đường huyết mạch giao thông và chuyên chở phù sa là một dòng kinh trong mát
quanh năm hợp lưu tuôn chảy về sông lớn Hậu Giang. Người dân quanh vùng chọn
phong thủy nơi đây có tương truyền là nơi Tiên Nữ thường xuyên giáng trần vào
thưở hồng hoang - để xây dựng nơi thờ tự của cộng đồng trên diện tích rộng
khoảng 10 ha. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, chùa SaLon vẫn bảo tồn,
lưu giữ những bản sắc kiến trúc và tâm linh của một vùng đất phương Nam. Nối
tiếp nhiều thế hệ Phật tử ở địa phương và ở khắp nơi trong và ngoài nước đã
không quản công sức khó nhọc, chung tay đóng góp cho chùa được trùng tu, tôn
tạo, rồi trở thành điểm du lịch văn hóa tôn giáo cuốn hút khá đông lượng khách
du lịch hành hương từ các phương trời về thăm. Đại đức Lâm Chanh nói rằng vào
ngày thứ bảy và ngày chủ nhật hàng tuần thường xuyên có hàng chục đoàn xe ra
vào viếng chùa. Ngày nay chùa SaLon thuộc địa giới hành chính của ấp Đại Thành,
xã Đại Tân, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
Bước
vào sân chùa SaLon là bước vào một khoảng không gian thanh tịnh, khoáng đạt đến
vô cùng. Từng gian nhà chùa kiến trúc trải dài theo hướng Đông- Tây, phía trước
là những khoảng sân rộng lớn để hàng ngàn Phật tử có thể hành lễ cùng lúc quây quần bên khu chánh
điện. Nhìn lên mái chùa là những đường nét cong vút uốn lượn trên bầu trời;
điểm nhấn cuối cùng trên không gian của chùa là hình nóc nhọn. Mái chùa được
chia thành ba khuôn nếp chạy dài song song.
Nếp giữa rộng lớn nhất so với nếp
hai bên. Những hàng cột uy nghiêm, lừng lững bên trên tiếp giáp với mái chùa có
chạm trổ tượng thần mình người giang hai cánh tay rắn rỏi cố định dưới mái
chùa; và đầu tượng thần là hình đầu chim ngậm viên ngọc. Trên mái chùa lợp ngói
khắc chạm rất nhiều tượng rồng với chiếc đầu mảnh mai, sừng nhọn, lưng có hình
dao mác nhọn mềm mại những đường cong về phía thân đuôi. Đáng chú ý bức phù
điêu trên những hàng cột của chùa là hình ảnh tương phản với tiên nữ và những
quái vật, tượng trưng cho những thử thách phải vượt qua đối với người Phật tử
trên đường tu tập thành chánh quả. Và trên mái vòm và cầu thang đường đi thấy
nhiều hình chạm trổ các thần rắn trông không còn sợ sệt nữa. Nhà sư lý giải đó
là biểu tượng của thần rắn đã được thuần hóa bởi tấm lòng từ bi hỉ xả của Đức
Phật.
Trong
lúc tôi đang dạo thăm thì gặp một đám tang khá đông người đưa tiễn vào chùa
SaLon hòa với tiếng trống, chiêng, kèn…Rồi sau đó độ chừng tiếng đồng hồ, một
cây cột vươn thẳng lên trời xanh tỏa khói cuồn cuộn. Đại đức Lâm Chanh dõi nhìn
lên và nói rằng ấy là linh hồn người quá cố đang bắt đầu cuộc hành trình bay về
chốn an lạc. Mới biết ấy là cột khói của lò hỏa táng do Phật tử trong vùng góp
tiền và công sức xây dựng. Hiện nay chùa có 2 lò hỏa táng đang hoạt động. Lò
hỏa táng đầu tiên hoàn thành vào cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước. Lò
hỏa táng thứ hai hoàn thành vào đầu những năm hai ngàn của thế kỷ này.
Không có
con số thống kê chính thức nhưng người ta ước tính hàng trăm triệu đồng quyên
góp của Phật tử để xây dựng nên lò. Lò luôn được Phật tử thay nhau bảo dưỡng để
sử dụng bằng hệ thống củi đốt. Tro cốt của người quá cố được đựng trong chiếc
quan quách nhỏ rồi đưa vào trong bảo tháp vọng thờ. Hệ thống bảo tháp được xây
dựng trong một khuôn viên quanh năm rợp bóng cây xanh nằm ở hướng Đông của
chùa. Mỗi gia đình Phật tử có thành tâm công đức với chùa được xây dựng một bảo
tháp đựng tro cốt của người thân gia đình để làm lễ cầu siêu theo tâm nguyện.
Đếm có cả trăm ngôi bảo tháp đã hiện hữu ở chùa hiện nay.
Đại
đức Lâm Chanh, sư phó chùa SaLon là người gốc Khơ Me sinh ra tại tỉnh Sóc
Trăng. Cũng như nhiều người con trai khác ở đất này khi bắt đầu lớn lên được
cha mẹ đưa vào chùa để nghe giảng thuyết pháp, làm theo những điều răn của Đức
Phật để tự rèn luyện phẩm chất đức hạnh. Năm nay Đại đức Lâm Chanh mới hơn ba
mươi tuổi, xuất gia ở chùa tu tập từ nhỏ, Đại đức đã gặp nhân duyên trên con
đường tu hạnh nơi ngôi chùa này. Những câu chuyện kể từ Đại đức Lâm Chanh về
ngôi chùa được trang trí hàng ngàn chiếc chén kiểu; ngắm nhìn những nét kiến
trúc độc đáo theo phong cách xứ chùa tháp Angkor kỳ quan thế giới; nghe những
điều linh diệu về những ngôi bảo tháp đựng tro cốt trong khu vườn chùa…
Tất cả
ấy như luôn luôn là chốn đi về của du khách muôn phương ngày này tháng nọ, năm
này tháng nọ nối chân nhau hành hương về ngưỡng vọng Đức Phật, mong được giải
thoát những ưu tư, lụy phiền đang vướng phải trong đời trần tục./. Sóc Trăng- Đà Lạt 8/2008