Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Một thoáng cung điện Thái Lan

VĂN VIỆT
Trước khi đặt chân lên đất nước Thái Lan, tôi nhận trước lịch trình một buổi tham quan cung điện Hoàng gia Thái Lan. Nghe bảo, đó là quần thể kiến trúc hết sức độc đáo, phong cách kết hợp hài hòa giữa Anh, Pháp, Srilanca và Thái Lan…Đến nơi mới hay mọi hình dung ban đầu đều khiêm tốn quá.
Tôi bước xuống từ một chiếc xe du lịch cao lớn, mát lạnh dừng lại phía trước hoàng thành của cung điện Hoàng gia để chỉnh trang lại trang phục một lần nữa trước khi vào trong tham quan. Đường cao tốc xe lướt nhanh như chớp mắt, tôi phải đi theo nhóm, chờ đợi một khoảnh khắc hiếm hoi rồi đưa tay lên xin các “tay lái lụa” một chút giảm tốc để qua đường. Tất nhiên phải đi theo vạch kẽ ngang giành riêng cho người đi bộ; không thì rất dễ bị phạt tiền rất nặng hoặc xảy ra tai nạn. Vừa chớm bước đến cổng thành uy nghi, một người lính hoàng triều quân phục nghiêm nghị, đứng thẳng tươi cười cúi đầu chào khách và đưa tay chỉ lối vào trong. Những quần thể kiến trúc sơn son thiếp vàng, rộng đến thênh thang. Thành quách, đền đài, dinh thự, tháp cổ…lộng lẫy giữa Bangkok-thành phố của thiên đàng- mở ra trước mắt !
Trước khi vào lối cổng chính tham quan, chiếc xe “du lịch có cánh” lướt chạy như ru trên cây cầu bắc qua con sông Chao Phray xinh đẹp, đầy trầm tích. Bắc song song giữa bên kia dòng sông là chiếc cầu treo đồ sộ mà ở Việt Nam tôi chưa từng thấy bao giờ. Một cây trụ từ dưới lòng sông vươn cao lên trời xanh. Nó sừng sững làm lực kéo cho hai bên đầu cầu nối kết dây treo thân cầu. Nhìn từ xa, dây treo tua tủa giăng thành hình vòng cung, đưa trí tưởng tượng như hai nửa vầng trăng khổng lồ tựa lưng vào nhau, quanh năm soi bóng xuống dòng nước xanh trong. Người Thái rất tự hào về công trình cầu treo thiết kế khá kỳ công này. Bởi vậy, hình ảnh cầu treo được in trên giấy baht Thái đang lưu hành với nhiều mệnh giá khác nhau. 
Dòng sông Chao Phray biểu trưng cho những mạch nguồn bất tận của Vương quốc Thái Lan. Năm 1782, vua Rama I lên ngôi đã chọn khu vực ven sông này để xây dựng quần thể dinh thự cho cung điện Hoàng gia. Đến nay đã đi qua 224 năm – truyền ngôi đến đời vua Rama thứ IX, cung điện Hoàng gia liên tục được trùng tu, mở rộng tổng diện tích khuôn viên đến 218 ngàn mét vuông. Riêng chiều dài hoàng thành bao bọc cung điện đã dài đến 1.900m. Là một trong 25 quốc gia trên thế giới còn xác lập chế độ vương quyền, vài tháng nữa là tròn 60 năm vị vua Rama thứ IX này lên ngôi. Nhà nước và nhân dân Thái Lan sẽ tổ chức đại lễ kỷ niệm tưng bừng trên cả nước trong khuôn viên cung điện Hoàng gia. 25 quốc gia vương quyền trên hành tinh yên bình này là những khách mời đặc biệt của Vương quốc Thái Lan.
Đất nước Thái Lan là đất nước của đạo Phật với tín hữu là 95% dân số. Bởi vậy nơi chốn tôn nghiêm nhất của cung điện Hoàng gia là điện thờ Đức Phật Ngọc-quốc bảo nổi tiếng trên thế giới. Trong quần thể kiến trúc chung, điện thờ nằm ở phía bắc của cung điện Hoàng gia. Hàng năm dòng người tín hữu trong nước Thái luôn dành những ngày tĩnh tâm về đây làm lễ, xin Đức Phật cho được sự bình an, tài lộc hưng vượng. Họ mặc những trang phục trang trọng theo các mùa nóng, mùa mưa và mùa lạnh trong năm. Tượng Phật ngọc bào được đúc dát vàng vào năm 1434. Qua bao biến cố của lịch sử đất nước Thái, năm 1782, vua Rama I lên ngôi đã tổ chức nghi lễ quốc gia đặc biệt thành kính để đưa tượng Phật từ Chiang Mai về cung điện Hoàng gia của thủ đô Bangkok đến ngày nay.
Đi trong nắng trưa, cung điện Hoàng gia Thái Lan thắp sáng lên những sắc màu. Hơn 224 năm đi qua chỉ là con số đếm thời gian trước những công trình kiến trúc luôn được bảo vệ nghiêm ngặt và tôn tạo từng nét hoa văn sống động, vẹn nguyên. Hàng ngày những người thợ điêu khắc tinh xảo trong nước Thái thay phiên đến cung điện cần mẫn chỉnh trang từng họa tiết, hoa văn chạm khắc trên gỗ, đắp nổi lên trên từng thớ đá…Tổng thể bức tranh từ góc nhìn trên tầng cao, dấu nhấn của quần thể cung điện là những mái nhà hình vương miện kết nối nhau san sát, rạng rỡ giữa không gian xanh trong vời vợi. 
Bản đồ hướng dẫn tham quan cung điện có ghi đến 34 khu vực chính, đặc biệt trong đó là các biệt điện dành tổ chức các đại lễ đăng quang, đại lễ sinh nhật của vua; đại sảnh trình ủy nhiệm thư của đại sứ quán nước ngoài lên vua; các phòng bảo tàng trưng bày lịch sử qua IX đời vua Rama; phòng trang trí bích họa của những họa sĩ nổi tiếng trên thế giới mô tả những sự kiện cuộc đời của Đức Phật: cảnh sinh nhật, thời thơ ấu, niên thiếu, sự hy sinh vĩ đại, nhập niết bàn cứu nhân độ thế…Hay như cung Phiman borom minh họa những điều răn của Đức Phật với chúng sinh hãy từ bỏ điều ác, tích giữ điều thiện vượt qua bể khổ trầm luân… 
Tôi đi theo tour du lịch đoàn với quỹ thời gian tham quan cung điện hoàng gia chỉ trong buổi sáng mùa hè trên đất Thái. Ứơc muốn tìm hiểu thì vô hạn, song với một thoáng đến đây cho tôi suy nghiệm rằng, người Thái luôn trân trọng giữ gìn quá khứ thiêng liêng, trở thành một giá trị tinh thần vĩnh cửu. Trong hành trình xây dựng đất nước Thái đi lên hùng cường như ngày nay,  người Thái luôn biết phát huy những nội lực tiềm tàng từ trong quá khứ rực rỡ của dân tộc mình. Và quá khứ là những hành trang vô giá, để làm điểm tựa, làm động lực muôn đời để dân tộc Thái vững bước tiến vào tương lai./.
   Thái Lan- Đà Lạt tháng 5/2006