Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Thúy Thuận ở xứ cà phê

VĂN VIỆT
Trong một cuộc họp với 4 xã trực thuộc vừa qua, UBND thành phố Đà Lạt đã ghi nhận Công ty TNHH Thu mua và chế biến cà phê Thúy Thuận ( gọi tắt là Công ty Thúy Thuận) ở thôn 2, xã Tà Nung với những đóng góp thiết thực để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Tham luận “Vai trò của doanh nghiệp với chương trình xây dựng nông thôn mới” của Công ty Thúy Thuận ở xã Tà Nung trình bày tại cuộc họp nói trên, công ty đã xây dựng một nhà máy chế biến cà phê tươi với dây chuyền công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho 70 lao động ( chủ yếu người đồng bào thiểu số, người nghèo ở địa phương), đạt thu nhập trên dưới 5 triệu đồng/người/tháng ( công nhân vận hành máy móc, làm việc tăng ca có thể đạt thu nhập từ 7-10 triệu đồng/người/tháng). Đến hạ tuần tháng 3/2013, được anh Phan Tấn Hiệp, quản đốc nhà máy của công ty hướng dẫn một vòng tham quan, cho thấy dây chuyền chế biến cà phê hiện đại ở đây tọa lạc trên quy mô 1,2ha, nằm cách biệt khu dân cư ước hơn cả cây số. Nhà máy sau những tháng ngày cao điểm vận hành chế biến cà phê Arabica 24/24 giờ, hiện đang bước vào thời gian bảo dưỡng, bảo trì với hàng chục công nhân làm việc ngày càng nâng cao tay nghề. Hiệp tóm tắt từng công đoạn dây chuyền chế biến cà phê tươi tự động mới nhất hiện nay ở Đà Lạt gồm: hệ thống 5 máy rửa, 7 máy tách vỏ, 5 bể ủ, 4 máy “đánh nhớt”, 20 lò đốt sấy, 13 máy sấy ly tâm…  
Chị Đinh Thị Thúy, Giám đốc Công ty Thúy Thuận cho biết, toàn bộ dây chuyền nhà máy chế biến cà phê Arabia tươi được nhập mua về từ châu Mỹ, tổng giá trị đầu tư khoảng 60 tỷ đồng, đạt công suất chế biến 20 tấn cà phê tươi/ngày, chính thức lắp đặt hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 8/2012 tại khu vực xa khu dân cư tập trung ở xã Tà Nung, Đà Lạt. Đến nay nhà máy đã sản xuất và xuất khẩu khoảng 8 tấn cà phê nhân ( tỷ lệ 06 cà phê tươi chế biến thành 01 cà phê nhân) đạt chất lượng cao và giá thành cạnh tranh mở rộng với thị trường thế giới. Công ty có 5 đại lý thu mua cà phê Arabica ở các xã Tà Nung, Trạm Hành, Xuân Trường, Xuân Thọ của Đà Lạt cùng các địa bàn lân cận thuộc huyện Lâm Hà và huyện Lạc Dương. Thu mua số lượng cà phê bao nhiêu, công ty thanh toán đủ số tiền tương ứng bấy nhiêu cho người sản xuất ngay trong ngày.  
“Điều quan trọng hơn nữa là nhà máy của công ty chúng tôi đã xây dựng, đưa vào hoạt động hệ thống xử lý nước thải đạt các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn môi trường, không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nông dân vùng nông thôn mới Tà Nung… ”- Giám đốc Thúy nói.  Theo hướng dẫn của công ty, phóng viên đặt chân đến khu vực xử lý nước thải của nhà máy, ước diện tích khoảng 200 mét vuông, gồm 12 chiếc bể xây nối liền với nhau, hoạt động với các chức năng lắng, lọc tự động…thành những dòng nước trong sạch trước khi thải ra môi trường, công suất nước thải trên dưới 1.000mét khối/24giờ. Vào lúc giữa trưa hạ tuần tháng 3/2013, phóng viên không cảm thấy có một mùi khó chịu nào bốc lên từ hệ thống xử lý nước thải này.

Sản xuất, chế biến cà phê thân thiện với môi trường và đạt hiệu quả ngày một tăng cao, trong năm vừa qua, Công ty Thúy Thuận đã nộp ngân sách nhà nước khoảng 28 tỷ đồng tiền thuế. Bên cạnh đó, ở xã nông thôn mới Tà Nung, Đà Lạt, công ty đã đóng góp trên 410 triệu đồng để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường liên thôn dài hàng cây số; và tự nguyện dành nhiều khoản tiền khác để giúp đỡ hộ gia đình người nghèo, người  đặc biệt khó khăn ở địa phương. Đặc biệt Công ty Thúy Thuận cũng vừa hoàn thành việc tổ chức lớp tập huấn cho 400 hộ nông dân ở 4 xã xây dựng nông thôn mới của Đà Lạt ( Trạm Hành, Xuân Trường, Xuân Thọ và Tà Nung) về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cà phê Arabica đạt chất lượng an toàn. Đây là hoạt động phối hợp giữa Công ty Thúy Thuận và với Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng và Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt.  Kết quả đã tạo ra mối liên kết tiếp theo giữa công ty với người trồng cà phê Arabica của Đà Lạt là: Công ty thu mua toàn bộ sản phẩm cà phê Arabica sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, có tính thêm trợ giá đối với những hộ đăng ký tham gia mô hình./.
Đà Lạt tháng 3/2013