Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Buôn giữ rừng

VĂN VIỆT
Buôn Chi Rông ( xã Phú Hội, Đức Trọng,) có gần hai mươi hộ đồng bào K’Ho tình nguyện giữ rừng hai mươi mốt năm qua không lấy tiền nhà nước trả công. Niềm vui của già, trẻ, gái, trai trong buôn là được trông thấy những cánh rừng xanh lên mỗi ngày. 

“MẤT RỪNG LÀ MẤT RUỘNG”
Già làng K’Long năm 2008 là 75 tuổi, gắn bó máu thịt với từng mùa lúa chín vàng quanh năm của buôn làng Chi Rông. Gần 20 hộ gia đình K’Ho trong buôn đều trồng lúa nước. Trong đó hộ gia đình vừa tách khẩu ra riêng có diện tích ít nhất cũng được 3 sào. Còn mỗi hộ sản xuất ổn định từ một, hai mẫu lúa nước là khá phổ biến. Năng suất cũng đạt bình quân trên dưới 4 tấn/ha.  
Già làng K’Long kể : “Mình sinh ra rồi định cư vĩnh viễn ở buôn Chi Rông có ruộng đồng lúa nước. Coi như cây lúa nước là cây sống đời với người dân làng buôn. Mà cây lúa nước nếu thiếu nước thì không thể trồng được. Nên mình lại lo nghĩ đến rừng…”  Chuyện bắt đầu từ hai mươi mốt năm về trước -  năm 1987, già làng gọi từng hộ dân K’Ho trong buôn để nói ra ý định tình nguyện giữ rừng. Đó là cánh rừng thông tự nhiên nằm thoai thoải ở rặng đồi hướng tây, cách làng buôn khoảng chừng hai, ba cây số. Già làng giảng nghĩa mình tình nguyện giữ rừng không lấy tiền trả công của nhà nước là giữ cho tương lai lâu dài cho con cháu đời sau nữa. Đó là giữ đất không bị xói lở, giữ cây rừng tạo được nguồn nước, tạo độ ẩm cho canh tác cây lúa nước và các loại công nghiệp, cây màu khác cho cuộc sống trong buôn ngày một no ấm và thịnh vượng. Rồi nữa, giữ khu rừng xanh tự nhiên là dân làng mình có được thảm cỏ rộng lớn để chăn thả đàn trâu, đàn bò…Nghe thật sáng cái đầu, êm cái tai, gần 20 hộ đồng bào K’Ho buôn Chi Rông cùng ký tên trong đơn với già làng K’Long gửi lên xin phép nhà nước giữ rừng. Đơn gửi từ thôn lên xã đến huyện gần một năm sau thì có quyết định chấp thuận của huyện. “Chính thức được nhà nước cho phép quản lý, bảo vệ 80 ha rừng, dân làng mừng lắm, kể không hết được…”- Già làng nhớ lại.
Dân làng Chi Rông tự bảo nhau ngày ngày đêm đêm đều có bước chân người lên thăm rừng. Những năm đầu nhiều khu vực rừng vẫn còn thưa thớt, có nhiều khu đồi còn trống trải, dân làng vừa chăn thả trâu, bò vừa cẩn thận bứng những cây thông con tự mọc trong rừng để về ươm nuôi, sau đó đem ra đất rừng trồng mới theo từng hàng thẳng. Miệt mài chăm sóc rừng trồng mới sau hơn hai mươi năm, già làng K’Long ước tính dân làng đã phủ xanh lên đến 60 ha rừng thông. Thông vươn lớn thành rừng vút cao, đường kính mỗi gốc thông ôm trọn một vòng tay người lớn, nhìn rất thích mắt ! Đồng cỏ trong rừng tốt tươi hơn nên đàn trâu, bò trong buôn theo đó phát triển lên đến sáu, bảy trăm con. 
GIỮ RỪNG BẰNG “CÁI UY”
Dân làng buôn Chi Rông bảo rằng nhờ “cái uy” của già làng K’Long nên rừng đã giữ được gần như tuyệt đối bình yên. Già luôn là người nhiệt tình đi đầu trong những việc làm cho lợi ích của cộng đồng làng buôn. Trừ lúc vì lý do sức khỏe không lên được rừng thì đành chịu; chứ thường lệ một ngày đêm, già làng K’Long đi tuần tra rừng ít nhất cũng năm, ba bận; khi thì đi xe máy lúc thì đi bộ cùng dân làng lên rừng chăn thả trâu bò, lân la nói chuyện với những khu vực dân cư ven rừng. Công cụ giữ rừng của già gồm…cây bút, quyển vở và một chiếc máy chụp ảnh. Gặp những người vào rừng đi lượm củi, già khuyên bảo không nên tác động đến cây rừng, đất rừng; nếu tác động là vi phạm pháp luật, bị nhà nước xử phạt tiền ( mức độ nhẹ) và xử phạt tù ( mức độ nghiêm trọng). Với những người cầm dao rựa vào rừng chặt hạ cành nhánh thông về làm các lán trại trong nhà, già ghi tên tuổi vào trong cuốn vở, buộc đương sự phải đứng tại nơi chặt cây để chụp hình, rồi phải ghi lời hứa nếu tái phạm nữa, già làng sẽ chuyển toàn bộ “hồ sơ” này cho cơ quan kiểm lâm.  
Nhưng cũng xảy ra vài trường hợp người từ nơi xa đến liều lĩnh phá rừng, già làng K’Long cùng cả buôn làng quyết tâm truy đuổi đến cùng. Đó là lần đột nhập hơn 10 lâm tặc to béo dùng cưa máy chặt hạ cây rừng vào giờ giữa khuya. Khi dân làng tức tốc đến nơi thì cả bọn lâm tặc hoảng loạn nhảy lên chiếc xe máy cày tháo chạy thục mạng, bỏ lại rừng năm, bảy cây thông vừa cưa đốn. Phương tiện thu giữ tại hiện trường còn có nhiều chiếc cưa máy cùng các vật dụng khác để nằm lại rừng dài ngày. Lần khác già làng K’Long tổ chức với chừng mười người dân trong buôn bí mật theo dõi một xưởng mộc hoạt động ở làng bên. Khi đương sự này vừa chở hai cây gỗ thông chặt hạ từ rừng về nhà xưởng thì già làng và người dân của buôn bất ngờ xuất hiện. Bằng chứng quả tang, đương sự đã hết đường chối cãi, phải ký vào tờ giấy biên bản của buôn để chuyển lên cơ quan kiểm lâm xử lý. 
Mấy năm gần đây, “cái uy” giữ rừng của dân làng K’Ho buôn Chi Rông nói chung và già làng K’Long nói riêng đã lan xa ra ngoài địa phương. Lâm tặc gần như không dám xâm nhập vào rừng của làng nữa. Chủ tịch xã Phú Hội, ông Võ Hoàng Vũ đánh giá rất cao hiệu quả giữ rừng của buôn Chi Rông : “ Địa phương chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các cơ quan lâm nghiệp, cơ quan kiểm lâm để nhân rộng mô hình giữ rừng công ích này ! ” ./.
Đức Trọng- Đà Lạt Tháng 9/2008