Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Quy trình bảo quản hoa sau thu hoạch

 VĂN VIỆT 

Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng vừa hoàn chỉnh quy trình mới về bảo quản hoa cắt cành sau thu hoạch, so với quy trình cũ, đã tăng thời gian hoa tươi lên gấp 2 lần và giảm tổn thất đến 10% trên đường vận chuyển đến nơi tiêu thụ 
Kỹ sư Đoàn Văn Ái, Chủ nhiệm Dự án “Bảo quản hoa cắt cành sau thu hoạch” cho biết: Từ tháng 9/2010, Dự án bắt đầu xây dựng các mô hình điểm trên các loài hoa cắt cành, trồng trong nhà kính là lyly, cẩm chướng, hồng, cúc, địa lan. Những hộ nông dân được chọn trình diễn mô hình đều có kinh nghiệm sản xuất hoa nhà kính tại Đà Lạt, Lạc Dương từ 3 năm trở lên, quy mô diện tích đất sản xuất trên 2 sào.
Dự án trực tiếp hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất hoa, hỗ trợ một phần các chi phí mua vật tư, hóa chất, bao bì... bảo quản hoa.  Đây là dự án được xây dựng tổng hợp, tham khảo, đối chiếu, bổ sung từ thực tiễn đối với những đề tài của các đơn vị nghiên cứu khoa học trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng thí nghiệm thành công từ năm 2004 đến năm 2009.
Cụ thể: đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất hoa theo hướng công nghiệp” của Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Lâm Đồng cho thấy: Hoa thu hoạch xong trước khi đưa vào kho lạnh phải tập trung ở khu vực thông thoáng, mát mẻ. Dùng dung dịch đường hòa tan với các chất diệt khuẩn làm nước cắm hoa được tươi lâu… Đề tài tiếp theo “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất hoa tại Đà Lạt, Lâm Đồng” do Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ Lâm Đồng thực hiện năm 2009, xây dựng bộ tiêu chuẩn trên loài hoa địa lan, cúc và hồng, gồm 3 cấp tiêu chuẩn với từng độ dài của cành hoa, tỉ lệ hoa nở trên cành, tỉ lệ chất cặn hóa chất bảo vệ thực vật sau thu hoạch. 
Và đó là đề tài “Nghiên cứu công nghệ xử lý, bảo quản và đóng gói thích hợp cho một số loài hoa cắt cành tại Đà Lạt  phục vụ nội tiêu và xuất khẩu” do Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện năm 2009, gồm các nội dung: xác định các đặc điểm sinh lý, chỉ số, thành phần dinh dưỡng của dung dịch cắm hoa sau thu hoạch, làm cơ sở để xây dựng ác phương pháp bảo quản…
Dự án triển khai đối chứng tiếp theo ở hộ gia đình ông Nguyễn Văn Cương ở Vạn Thành, Đà Lạt, trồng 3 loài hoa cẩm chướng, lyly và hoa hồng trên diện tích 01 ha. Tại đây sử dụng cùng lúc 3 chế phẩm bảo quản hoa Chystal của Hà Lan, kết quả đã tăng thời gian sử dụng hoa tươi từ 10 ngày lên 25 ngày đối với hoa cẩm chướng; tăng từ 8 ngày lên 22 ngày đối với hoa hồng và tăng từ 14 ngày lên 32 ngày đối với hoa ly ly.  Tương tự với mô hình trồng và bảo quản hoa địa lan ở Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật kỹ thuật nông nghiệp Lâm Đồng với 400 chậu địa lan 4 năm tuổi. Kết quả sản lượng địa lan loại 1 tăng 42%; tương ứng với các tỷ lệ giảm của hoa địa lan loại II, loại III, nên giá trị kinh tế của địa lan bán ra tăng lên đáng kể.
Theo Hội đồng nghiệm thu khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng, Dự án “Bảo quản hoa cắt cành sau thu hoạch” với những mô hình ứng dụng cho hoa cúc, hoa hồng, hoa lyly, hoa cẩm chướng và hoa địa lan trên địa bàn Đà Lạt, Lâm Đồng của Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng nêu trên, đã thực hiện có hệ thống, đưa ra các hình thức bảo quản hoa cắt cành phù hợp với thực tế sản xuất, áp dụng khá thuận lội, dễ dàng ở vùng chuyên canh hoa Đà Lạt, Lâm Đồng.
Thứ Hai, 21/11/2011 (GMT+7)