Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Chăn nuôi thân thiện với môi trường

VĂN VIỆT
Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Lâm Đồng vừa xây dựng hoàn thành các mô hình sử dụng những chế phẩm thân thiện với môi trường tại xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, mở ra hướng phát triển mới về quy mô hộ gia đình chăn nuôi an toàn, bền vững ở địa phương.

Xã Liên Hiệp cách trung tâm huyện Đức Trọng khoảng 5km về phía Tây Bắc, đi qua Quốc lộ 27, nối thị trấn Liên Nghĩa và xã N’Thol Hạ, hiện đang phát triển đàn heo ưc tính trên 53.000 con, nhưng phần lớn chăn nuôi tự phát theo quy mô hộ gia đình phân tán, nhỏ lẻ, nên việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào xử lý môi trường vẫn còn nhiều hạn chế.
Với mục tiêu chuyển giao các quy trình thu gom chất thải, xử lý nền chuồng trại, hệ thống mương rãnh thoát nước thải, hầm chứa phân… nhằm giảm thiểu mùi hôi phát tán hàng ngày, từ tháng 5/2012, Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Lâm Đồng đã phối hợp với UBND huyện Đức Trọng và UBND xã Liên Hiệp chọn 6 hộ thực hiện mô hình điểm thân thiện với môi trường về chăn nuôi heo giống, heo thịtheo cai sữa, gồm hộ ông Nguyễn Văn Thịnh (nuôi 45 con); h ông Tô Đức Thịnh (nuôi 300 con); hông Phạm Bá Minh ( nuôi 316 con); hộ ông Lý Văn Đỉnh ( nuôi 50 con ); hộ ông Lê Gia Thái ( nuôi 222 con) và hộ ông Hồ Hữu Quang ( nuôi 308 con).
6 hộ nông dân áp dụng mô hình đều đáp ứng những tiêu chí về chuồng trại chăn nuôi heo với quy mô phù hợp; mong muốn xử lý mùi hôi chất thải chăn nuôi; có đủ lao động tiếp cận với các tiến bộ khoa học và cam kết thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật; và cùng trao đổi, phổ biến kinh nghiệm chăn nuôi để nhân rộng mô hình.
Những chế phẩm sinh học được chọn ứng dụng thân thiện với môi trường chăn nuôi gồm AQUACLEAN/SA (được phân phối toàn cầu bởi tập đoàn BluePlanet Corp. của Mỹ); GEM-K (sản xuất tại Công ty Cổ phần Sinh học – Môi trường Biển Cờ, xã Tân Hiệp, Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh); BIO-EMS (sản xuất tại Công ty TNHH Vi sinh Môi trường, Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh); BIO-ASTI (Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu, phân lập và sản xuất).
Đến nay sau hơn 1 năm triển khai, Trung tâm đã hoàn thành việc xử lý chất thải thân thiện với môi trường trên 6 mô hình chăn nuôi heo của nông dân ở xã Liên Hiệp, Đức Trọng nói trên. Theo đó việc phun xịt chế phẩm GEM-K, AQUACLEAN/SA và BIO-EMS có hiệu quả xử lý mùi hôi rõ rệt, trong đó chế phẩm AQUACLEAN/SA có đặc tính tức thời gây ức chế quá trình phân hủy của các vi sinh vật trong chất thải. Riêng chế phẩm BIO-ASTI triển khai xử lý chất thải chăn nuôi phối trộn với phế phẩm vỏ cà phê thành phân vi sinh tại  hộ ông Nguyễn Văn Thịnh, ông Tô Đức Thịnh và hộ ông Hồ Hữu Quang, mỗi hộ xử lý khoảng 3-5 tấn chất thải.
Với các hộ chăn nuôi không có hệ thống hầm biogas hoặc hầm chứa, Trung tâm hướng dẫn thu gom chất thải chứa trong bao tải kín (có lớp polyme bên trong) rồi buộc kín.  Pha loãng BIO-ASTI theo tỷ lệ 4 kg chế phẩm với 100 lít nước. Cứ mỗi bao tải chứa khoảng 25kg chất thải thì phối trộn khoảng 1 lít dung dịch nhằm tăng khả năng hoạt động của vi sinh vật và giảm thời gian phân hủy của chất thải. Với các mô hình có diện tích vườn cà phê nằm gần trại chăn nuôi, lượng phân thải ra được thu gom phối trộn với vỏ cà phê vào trong nhà kho hoặc bãi tập kết với diện tích khoảng 20-50m2, sau đó sử dụng chế phẩm vi sinh BIO-ASTI để xử lý. Với các chuồng trại có hệ thống mương thoát nước thải xung quanh, sử dụng vỏ cà phê hoặc rơm rạ phơi khô ngâm trong dung dịch BIO-ASTI và chế phẩm AQUACLEAN/SA đã pha loãng để ủ thành phân vi sinh…
Anh Lê Thành Trung, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm cho biết thêm: Tỷ lệ phối trộn dung dịch BIO-ASTI sản xuất thành phân vi sinh đạt chất lượng với 50% lượng vỏ cà phê và 50% chất thải chăn nuôi heo cùng các nguyên liệu rỉ đường, cám gạo… Tính ra chi phí sản xuất khoảng 1,2 triệu đồng/tấn phân vi sinh từ chất thải chăn nuôi và vỏ cà phê từ chế phẩm BIO-ASTI, tiết kiệm tiền đầu tư trên dưới 2 triệu đồng/tấn.
 Kết quả từ 6 mô hình chăn nuôi thân thiện với môi trường, Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Lâm Đồng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao kỹ thuật cho 80 lượt người dân xã Liên Hiệp, Đức Trọng và các vùng phụ cận tham dự. Tháng 10/2013