Thứ Hai, 18 tháng 11, 2024

Đam Rông hướng đến 3 tiểu vùng phát triển kinh tế

VĂN VIỆT

Hướng đến 3 tiểu vùng phát triển kinh tế nông nghiệp tập trung, huyện Đam Rông tiếp tục cơ cấu cây trồng gắn với xây dựng chuỗi liên kết, tạo lợi thế so sánh, cạnh tranh tích cực trên thị trường.

Thống kê trong 3 năm qua, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn huyện Đam Rông đầu tư 62 công trình giao thông, 17 công trình thủy lợi, 5 công trình điện nông thôn với tổng kinh phí gần 156,7 tỷ đồng. Đồng thời huyện Đam Rông lồng ghép các nguồn vốn hơn 502 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, góp phần tao thuân lợi phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả trên từng vùng sinh thái khác nhau. Theo đó, ngành Nông nghiệp huyện Đam Rông đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị chuyên trách phát huy tiềm năng, lợi thế cơ cấu cây trồng chủ lực theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng thông qua các giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng và phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản; từng bước nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Đến nay, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện Đam Rông ước đạt 23.000 ha (tăng 2.106 ha so với đầu năm 2022); tổng sản lượng lương thực trên 18.600 tấn; giá trị thu nhập trên đợn vị diện tích hơn 170 triệu đồng/ha/năm (tăng 38 triệu đồng/ha/năm so với năm 2022). Riêng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn huyện Đam Rông đạt gần 1.100 ha. Trong đó diện tích cây công nghiệp 1.020 ha; rau hoa thương phẩm 65 ha; nuôi cá tầm 14,3 ha. So với năm 2020 tăng thêm 949 ha, tương ứng tăng 6,3 lần. Cụ thể diện tích nhà kính 31,4 ha; sản xuất rau, hoa15,4 ha; sản xuất theo hướng hữu cơ 35ha; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên 223,7 ha.

Hàng năm, huyện Đam Rông sản xuất theo vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu – Mùa, tiếp tục duy trì diện tích lúa đồng trà - đồng vụ, góp phần tăng năng suất và hạn chế dịch hại. Kết quả đạt tổng diện tích gieo trồng khoảng 3.400 ha với các giống lúa lai thay thế giống lúa địa phương, đạt năng suất và chất lượng cao như Đài Thơm 8, OM6162, MT250..Tổng sản lượng lương thực năm 2024 ước đạt trên 18.600 tấn. Đáng kể các loại cây công nghiệp lâu năm và cây lâu năm khác trên địa bàn huyện Đam Rồng đều tăng diện tích so với 3 năm trước đó. Như diện tích cây cà phê hơn 12.506 ha, trong đó diện tích kinh doanh gần 11.817 ha, năng suất niên vụ 2024 ước đạt hơn 3 tấn/ha.  Diện tích cây dâu tằm 824,2 ha, năng suất hơn 22,5 tấ/ha. Diện tích mắc ca 1.642,5 ha cây, chủ yếu trồng trên đất lâm nghiệp canh tác nông nghiệp ổn định, trồng xen trong vườn cà phê. 

So với năm 2022, diện tích 3 cây cà phê, dâu tằm và mắc ca tăng lần lượt 105 ha, 76,3 ha và gần 554ha. Với diện tích cây ăn quả toàn huyện Đam Rông 3.000 ha, phần lớn sầu riêng 2.817 ha (tăng 2.233 ha so với năm 2022), diện tích cho sản phẩm 1.069 ha (trồng thuần 537 ha, trồng xen 532 ha), sản lượng trên 10.000 tấn. Ngoài ra huyện Đam Rông phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng con giống và sản phẩm, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, bảo đảm vệ sinh môi trường, đạt tổng diện tích 175 ha, trong đó diện tích nuôi cá nước lạnh trên 14,3 ha (tăng 5 ha so với năm 2022).

 Gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ ổn định, ngành Nông nghiệp huyện Đam Rông cho biết đã “bố trí, lồng ghép các nguồn kinh phí ưu tiên phát triển mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản, đặc biệt đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đến nay toàn huyện Đam Rông phát triển thêm 4 chuỗi liên kết, nâng tổng số lên 15 chuỗi với 1.146 nông hộ tham gia, sản lượng 11.550 tấn…”

Từ những kết quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nói trên, huyện Đam Rông định hướng phát triển 3 tiểu vùng kinh tế nông nghiệp theo quy hoạch.  Cụ thể tiểu vùng I thuộc các xã Rô Men, Liêng Srônh, Đạ R’Sal phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh; hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày, cây ăn trái như sầu riêng, bơ, chôm chôm, vú sữa, cam, bưởi, trồng dâu nuôi tằm, cây dược liệu, nuôi cá nước lạnh. Tiểu vùng II chuyên canh cây ăn trái, cây công nghiệp dài ngày (cà phê, mắc ca…), cây ngắn ngày (rau, củ, quả, cây dược liệu…) tập trung 2   Phi Liêng và Đạ K’Nàng. 

Và tiểu vùng III gồm các xã Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’Rông phát triển du lịch suối nước nóng, sinh thái cảnh quan dọc sông Krông Nô, hồ thủy lợi I, II Liêng K’Rắc, thác Tiêng Tang, hồ thủy điện Krông Nô 3, Đắc Mê, hồ thủy lợi Đạ Nòng, du lịch làng nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, thông minh, chuyên canh trồng dâu, lúa, cây công nghiệp (cà phê), nuôi trồng thủy sản (cá tầm)…

THÁNG 11/2024