Thứ Năm, 28 tháng 11, 2024

Sau 4 năm triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ

VĂN VIỆT

Ngày 20/11/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2025. Đến nay, sau 4 năm triển khai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã khảo sát, phân tích 200 mẫu đất, nước, không khí, làm cơ sở xác định 171 vùng đủ điều kiện sản xuất hữu cơ đối với các loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, đạt 100% mục tiêu đề ra.

 Triển khai Đề án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công nhiệm vụ cụ thể các đơn vị trực thuộc, đồng thời đề nghị UBND cấp huyện phối hợp và chỉ đạo các phòng, cơ quan chuyên môn thực hiện. Hàng năm tăng cường kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Đề án trên phạm vi toàn tỉnh theo quy định, kịp thời triển khai những giải pháp phù hợp. Cụ thể, Đề án đã xác định phát triển các vùng, sản phẩm trồng trọt hữu cơ trên các huyện, thành toàn tỉnh như: Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà (250 ha rau, 6.500 tấn/năm); Đà Lạt, Bảo Lộc (400 ha cà phê, 700 tấn/năm); Di Linh, Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lâm và Bảo Lộc (200 ha cây ăn quả, 400 tấn hạt/năm); Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, Đà Lạt, Bảo Lộc (200 ha chè hữu cơ, 1.000 tấn/năm); Cát Tiên, Đạ Tẻh (150 ha lúa, 600 tấn/năm); Đà Lạt, Lâm Hà, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng (150 ha dược liệu, 1.150 tấn/năm); Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Đà Lạt (50 ha nấm, 100 tấn/năm). Và  phát triển vùng, sản phẩm chăn nuôi hữu cơ gồm: 2.000 con bò sữa (5.800 tấn sữa/năm) tại Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh và Bảo Lộc; 400 con bò thịt (50 tấn thịt/năm) tại Đức Trọng, Đơn Dương, Bảo Lâm và Bảo Lộc; 200.000 con gà đẻ (3,2 triệu quả trứng/năm) tại Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng.

Riêng trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Lâm Đồng có thêm gần 130 ha diện tích đất trồng trọt và 15.000 con gà đẻ trứng đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Dự kiến đến hết năm 2024, toàn tỉnh đạt quy mô sản xuất chứng nhận hữu cơ gần 1.708,ha, tương ứng tỷ lệ 106,8% kế hoạch. Trong đó rau (gần 95 ha, gần 38%); cây ăn quả (gần 34 ha, 17%); lúa (34 ha, 22,7%); chè (37 ha,18,5%); cà phê (216,3 ha, hơn 54,%); mắc ca (hơn 33 ha, hơn 16,5); dược liệu (2 ha, 1,3%); nấm (6,5 ha, 13%). Ngoài ra kết quả chăn nuôi hữu cơ toàn tỉnh với 140 ha đồng cỏ, 1.005 con bò sữa, 38 con bò thịt, 15.000 con gà đẻ trứng, đạt tỷ lệ lần lượt so với mục tiêu Đề án là 50,3%, 9,5%, 75%.

Đáng kể trong năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phat triển nông thôn Lâm Đồng triển khai chính sách hỗ trợ cấp 6 giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ cho 6 tổ chức, cá nhân;  tổ chức 5 lớp tập huấn phổ biến các tiêu chuẩn, quy chuẩn nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam với 190 lượt nông dân trên địa bàn 5 huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Bảo Lâm, Cát Tiên tham gia; hỗ trợ 4 đơn vị tham gia xúc tiến thương mại tại phiên chợ Đặc sản vùng miền Khánh Hòa và hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam tại Cần Thơ; xây dựng dự án đối với 3 tổ chức sản xuất có chứng nhận hữu cơ liên kết nông hộ mở rộng diện tích. Ngoài ra xây dựng và thực hiện 1 mô hình sản xuất 0,5 ha rau hữu cơ tại huyện Đức Trọng, 2 mô hình tại huyện Cát Tiên sản xuất 2 ha lúa và cây ăn quả hữu cơ.

Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh đạt tổng diện tích canh tác hữu cơ 1.600 ha với sản lượng 11.500 tấn. Với chăn nuôi bò sữa hữu cơ 2.000 con, sản lượng sữa 5.800 tấn; đàn bò thịt hữu cơ 400 con, sản lượng thịt 50 tấn; gà đẻ trứng hữu cơ 20.000 con, sản lượng trứng 3.200.000 quả. Giải pháp tiếp tục sử dụng các nguồn gen, giống cây trồng địa phương, qua đó phát huy tính thích nghi và ổn định của nông nghiệp bền vững; khai thác hợp lý nguồn nước, thời vụ gieo trồng và các nguồn phân hữu cơ phát triển diện tích, chủng loại sản phẩm. 

Đồng thời tăng cường tổ chức xúc tiến thương mại, mở rộng kênh tiêu thụ ổn định; kiểm soát thị trường, hình thành hệ thống liên kết tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn...

THÁNG 11/2024