Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

Đưa nông sản Lâm Đồng vào thị trường Trung Quốc

VĂN VIỆT

Những ngày đầu tháng 11 vừa qua, tại TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai, hoạt động kết nối giao thương đưa nông sản Lâm Đồng vào thi trường Trung Quốc đã mang lại nhiều kết quả thuyết phục. Trong đó gần 10 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản Lâm Đồng ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp Trung Quốc về trao đổi thông tin sản phẩm, số lượng đơn hàng xuất khẩu hàng năm…

Đồng chủ trì triển khai hoạt động kết nối giao thương, giới thiệu nông sản Lâm Đồng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng và Sở Công thương tỉnh Lào Cai. Qua đó các doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam được cơ hội tiếp cận với tiềm năng, thế mạnh đầu tư phát triển các ngành hàng nông sản Lâm Đồng. Theo đó, Lâm Đồng - tỉnh Nam Tây Nguyên có diện tích tự nhiên hơn 9.783 km2; dân số 1,3 triệu người, có tiềm năng và lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực và điều kiện sinh thái phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hoá với các loại nông đặc sản ưu thế cạnh tranh so với các vùng khác. Cụ thể ngành Nông nghiệp Lâm Đồng có diện tích canh tác khoảng 328.500 ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao khoảng 68.857 ha, tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế đặc trưng như cà phê, chè, rau, củ, quả, hoa, cây ăn quả, dâu tằm, kén tằm, đặc biệt sầu riêng, chanh dây…

Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đang tập trung phát triển 34 nhãn hiệu được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền. Trong đó gồm 9 nhãn hiệu tập thể Cồng chiêng Lang Biang, Rượu cần Lang Biang, Cá nước lạnh Đà Lạt, Bánh tráng Lạc Lâm, Nấm Đơn Dương, Nấm Đức Trọng, Chuối Laba, Mây tre đan Madaguôi, Lúa gạo Cát Tiên. Và 25 nhãn hiệu chứng nhận Dâu tây Đà Lạt, Hồng Đà Lạt, Hoa Đà Lạt, Rau Đà Lạt, Atiso Đà Lạt, Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành, Cà phê Cầu Đất, Cà phê Arabica Lang Biang, Tơ tằm Lâm Hà, Mắc ca Lâm Hà, Mác Mác Đơn Dương, Quýt Đơn Dương, Dứa Cayenne Đơn Dương, Củ năng Pró, Cà phê Di Linh, Bơ Di Linh, Sầu riêng Di Linh, Mắc ca Di Linh, Trà B’Lao, Tơ lụa Bảo Lộc, Măng cụt Bảo Lộc, Sầu riêng Đạ Huoai, Gạo nếp quýt Đạ Tẻh, Bưởi da xanh Đạ Tẻh, Diệp hạ châu Cát Tiên.

Đáng kể trong hoạt động kết nối giao thương với doanh nghiệp Trung Quốc và các tỉnh phía Bắc, tổng cộng gần 30 doanh nghiệp Lâm Đồng tham gia trưng bày, quảng bá nông sản đặc trưng. Tiêu biểu như Công ty TNHH Sản xuất thương mại Long Thủy, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm với 11 mã số vùng trồng, 500 hộ liên kết sản xuất sầu riêng, , đã kết nối hơn 10 đối tác xuất khẩu trên 10.000 tấn sang thị trường Trung Quốc; tiêu thụ trong nước khoảng 2.000 tấn. Công ty TNHH Đức Huệ, xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc liên kết 74 hộ sản xuất 180 ha sầu riêng huyện Đạ Huoai, huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc, đạt sản lượng 7.000 tấn/năm. Công ty Cổ phần Thực phẩm Nhật Minh - Chi nhánh Lâm Đồng, xã Liên Hiệp, Huyện Đức Trọng thu mua và cung ứng rau, củ, quả Đà Lạt đạt 200-250 tấn/tháng. Công ty TNHH Hoàng Nguyên Garden, An Sơn, TP Đà Lạt, diện tích nhà xưởng 1.000 m2, sản lượng đông trùng hạ thảo 1 tấn khô/năm. Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh Toàn, xã Tà Nung, TP Đà Lạt, sản phẩm chính gồm cà phê rang xay, hòa tan, nguyên chất, nhân xanh Robusta, Arabica. Công ty Cổ Phần Viên Sơn, xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng với các dòng sản phẩm tươi (khoai lang, ớt chuông tươi, cà chua Beef); chế biến cấp đông (khoai lang, bí đỏ, cà tím, ớt chuông). Sản lượng 2 nhà máy chế biến 3.000-5.000 tấn/năm. Diện tích 3 nông trại 205 ha, liên kết sản xuất hơn 500 hộ các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Đăk Lắk…

Bà Nguyễn Thùy Quý Tú - Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Lâm Đồng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng) nhận định rằng, kết quả kết nối giao thương tại tỉnh Lào Cai, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản tỉnh Lâm Đồng tiếp cận, trao đổi trực tiếp các đối tác, mở ra cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản có thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng sang Trung Quốc và thị trường các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam. 

THANG 11/2024