VĂN VIỆT
Hệ thống khuyến nông trong nước nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng đã có những đóng góp rất tích cực và quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó thể hiện rõ nét vai trò cầu nối giữa nhà nước, nhà khoa học, nhà nông triển khai cơ chế, chính sách phù hơp, tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh liên thông với thị trường.
Lâm
Đồng là một trong các tỉnh đi đầu trong cả nước không ngừng áp dụng tiến bộ
khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao giá trị đa dạng các loại nông sản
trên địa bàn. Kết quả này không thể không kể đến lực lượng khuyến nông nói chung, tổ khuyến nông cộng đồng
nói riêng, đã luôn
đồng hành, sát cánh cùng với nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong quá trình
chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, trên địa bàn
tỉnh Lâm Đồng đã có 6 huyện thành lập 44 tổ khuyến nông cộng
đồng với 465 thành viên gồm cán bộ khuyến
nông, thú y, hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, trưởng thôn, giám đốc hợp
tác xã, nhân viên trồng trọt và bảo vệ thực vật, nông dân sản xuất giỏi…Trong
đó số lượng tổ khuyến nông cộng đồng và thành viên nhiều nhất ở huyện Di Linh với
19 tổ, 238 người; ít nhất là 1 tổ với 8 người ở huyện Đơn Dương. 4 huyện còn lại
gồm Đạ Tẻh (8 tổ, 88 người); Cát Tiên (7 tổ, 66 người); Đam
Rông (7 tổ, 56 người); Đạ Huoai (2 tổ, 15 người).
Theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn được ghi nhận những kết quả tích cực hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đồng thời phối hợp, hỗ trợ cơ quan, đơn vị quản lý chuyên ngành của tỉnh, huyện, xã tổ chức lớp đào tạo, tập huấn, chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp và công nghệ, tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Ngoài ra tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, bảo tồn và phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống; dịch vụ kỹ thuật và vật tư nông, lâm, thủy sản; hỗ trợ giống, vật tư, thiết bị nông nghiệp, bảo vệ thực vật, thú y, cơ giới hóa nông nghiệp, sau thu hoạch.
Tiêu biểu tổ khuyến nông cộng đồng huyện Cát Tiên qua hoạt động phối hợp đã chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân bằng các mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Nam Ninh, xã Tiên Hoàng; đào tạo tập huấn cho nông dân về kỹ thuật canh tác sầu riêng giai đoạn ra hoa, đậu quả. Tại huyện Di Linh, tổ khuyến nông cộng đồng hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; vận động nông dân tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chuyển đổi giống cây trồng, xây dựng mã vùng trồng…
Từ kết quả vừa nêu,
Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đánh giá rằng, tổ khuyến nông cộng đồng
là một trong những lực lượng nòng cốt chuyển giao, ứng dụng những tiến bộ khoa
học kỹ thuật mới đến với người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Bên cạnh đó
còn là cầu nối kết nối chuỗi giá trị gia tăng liên kết sản xuất gắn với thị
trường tiêu thụ nông sản; tham gia tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thực hiên Chương
trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ trên địa
bàn…”
Bởi vậy để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ khuyến
nông cộng đồng trên địa bàn tỉnh cần thực hiện
một số giải pháp kiện toàn, thành lập mới
hệ thống tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn xã thuộc các huyện, thành phố
trong tỉnh, hoạt động bám sát thực tế sản xuất của nông dân. Đồng thời xây dựng,
ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động khuyến nông cộng đồng, tập
trung 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm chuyển giao khoa học
kỹ thuật, công nghệ mới vào trong sản xuất; tư vấn, thông tin thị trường; liên kết
sản xuất, liên thông tiêu thụ trên thị trường; hỗ trợ chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt lực lượng khuyến nông cộng
đồng cần thường xuyên tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạt động,
tạo điều kiện về cơ sở vật chất, văn phòng làm việc…
“Tổ khuyến nông cộng đồng được xem như cánh tay nối dài của lực lượng khuyến nông chuyên trách của Lâm Đồng, là lực lượng tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên với nông dân, doanh nghiệp tại cơ sở. Vì vậy, tổ khuyến nông cộng đồng hiện nay hết sức quan trọng, cần được phát triển, nhân rộng nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu phát triển sản xuất ngày càng cao trên địa bàn... ”, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng nhấn mạnh.
THÁNG 11/2024