VĂN VIỆT
Kết quả khảo sát của Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho thấy: tỷ lệ cà phê xanh non còn quá cao, trong quá trình chế biến đã làm hạt nhân nhỏ lại, da nhăn nheo, tỉ trọng nhẹ; rất khó đánh bóng sạch vỏ lụa; làm giảm 20 -30% sản lượng; cân nặng 1 kg quả cà phê tươi gồm khoảng 900 quả chín, nhưng có tới 1.100 quả xanh non. Phần lớn nông dân lưu giữ, chất đống trong nhà, ngoài sân trước khi phơi từ 6 đến 7 ngày, thậm chí có trên 10 ngày, trong khi yêu cầu kỹ thuật không được quá 24 giờ…
Theo anh Roda Búp, kỹ sư của Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng, quy định 1 ha cà phê phải cần tới 100m2 sân phơi. Tuy nhiên, trên toàn vùng cà phê Lâm Đồng còn thiếu trên 50% sân phơi (huyện Đức Trọng thiếu khoảng 40% sân phơi; các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà thiếu khoảng 60% sân phơi). Hệ quả có tới 66% số hộ dân phơi cà phê trên sân đất, trong đó có 16,5% số hộ phơi cà phê hoàn toàn trên sân đất; 49,5% số hộ phơi cả trên sân đất, sân xi măng, sân gạch và trên tấm bạt. Chỉ có khoảng 17% số hộ phơi cà phê hoàn toàn trên sân xi măng; tỷ lệ hộ gia đình còn lại buộc phải phơi cà phê trên sân nhà, lề đường, sân bóng, trên các trục lộ, mặt đường giao thông…
Về kỹ thuật phơi, nông dân chỉ cào, đảo cà phê khoảng từ 1-2 lần/ngày lúc vừa thu hoạch tươi; khi cà phê gần khô thì cào, đảo lên 4-5 lần/ngày, điều này ngược lại với yêu cầu kỹ thuật là phải cào, đảo liên tục cà phê còn ẩm, ướt khi phơi trong ngày. “Tình trạng sân phơi hiện nay ở Lâm Đồng như vậy vừa không đảm bảo diện tích và vừa không đảm bảo tiêu chuẩn, dẫn đến chất lượng và giá trị sản phẩm cà phê nhân bị giảm sút từ 3-5%, thậm chí có lúc lên tới 10%...” - kỹ sư Roda Búp nói.
Đáng nói thêm, hiện có khoảng 46% số hộ phơi nguyên cả quả cà phê, 40% số hộ vừa phơi nguyên quả và quả đã xát dập và có khoảng 4% số hộ đã xát dập cà phê hoàn toàn trước khi phơi. Đa phần nông dân sử dụng các loại máy xát dập độ chế lắp ráp, nên hạt cà phê bị vỡ dập không đều, chất lượng không cao.
Cà phê phơi xong, phần lớn nông dân tận dụng diện tích bảo quản trong nhà, để lẫn lộn với các loại nông sản khác; hoặc tận dụng bảo quản cà phê trong các nhà kho để vật tư phân bón ẩm thấp. Đã vậy, nhiều hộ nông dân còn sử dụng các bao bì đã chứa vật tư phân bón để chứa cà phê bảo quản, khiến cà phê nhân dễ bị lẫn mùi tạp chất khi đưa đi chế biến…Để khắc phục những nỗi lo nêu trên, Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã tổ chức 3 lớp tập huấn về bảo quản cà phê thu hoạch theo kỹ thuật mới, thu hút 154 hộ gia đình sản xuất cà phê lâu năm tham gia, qua đó còn giới thiệu với nông dân về việc xây dựng lò sấy cà phê đạt chuẩn quy mô hộ gia đình (hiện mới có từ 0,2-0,3% số hộ đã trang bị khoảng 300 máy máy sấy cà phê).
Đây là loại máy sấy với công suất nhỏ (từ 1-3 tấn quả tươi/ngày) với chi phí đầu tư không quá lớn (khoảng 50-80 triệu đồng/máy), có thể sấy bằng điện hoặc bằng chất đốt củi, vỏ cà phê, phấn đấu đạt khoảng 2 ngàn máy vào năm 2015. Đối việc cất trữ cà phê sau thu hoạch, Chi cục đang vận động các tổ chức tập thể, các hộ gia đình sản xuất cà phê quy mô lớn (khoảng 5 ha trở lên), cùng đầu tư xây dựng các kho chuyên dùng, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật với khoảng 40.000 m2 kho bảo quản với sức chứa từ 40 -50 ngàn tấn vào năm 2015…
Mục tiêu của Lâm Đồng đến năm 2015 ổn định diện tích cà
phê kinh doanh trên dưới 145 ngàn ha, năng suất bình quân đạt 3 tấn nhân/ha. Qua đó có 35% diện tích cà phê được chứng nhận chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tỷ lệ cà phê xuất khẩu trực tiếp tăng lên 50% sản lượng, đạt kim ngạch xuất khẩu 300 triệu USD/năm. Để đạt những chỉ tiêu này, bên cạnh việc đầu tư thâm canh chiều sâu, hy vọng những giải pháp về việc bảo quản cà phê sau thu hoạch nêu trên sẽ đóng góp bằng những hiệu quả đáng kể nhất.
Cập nhật lúc 15:25, Chủ Nhật, 05/05/2013 (GMT+7)