VĂN VIỆT
Trong 5 năm (2008 - 2012), với 18 tỷ đồng được nguồn vốn khuyến công Lâm Đồng hỗ trợ có thu hồi thì doanh nghiệp đã đồng thời tự huy động đến 180 tỷ đồng nguồn vốn để cùng đầu tư phát triển sản xuất, thu hút hàng chục ngàn lao động ở địa phương. Đây là nguồn vốn khuyến công của nhà nước hỗ trợ một, nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư mười, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, góp phần nâng mức tăng trưởng chung trong cơ cấu kinh tế của Lâm Đồng.
Nguồn vốn khuyến công hỗ trợ có thu hồi thực chất là nguồn vốn cho doanh nghiệp vay không tính lãi suất, bắt đầu triển khai trên địa bàn Lâm Đồng từ năm 2004. Vừa triển khai, vừa rút kính nghiệm và từng bước hoàn thiện mô hình, từ năm 2008 đến nay, nguồn vốn hỗ trợ có thu hồi được ấn định thời gian từ 3 năm đến 5 năm - tùy theo quy mô đề án được duyệt của từng doanh nghiệp. Ông Cao Xuân Khản, Giám đốc Trung tâm Khuyến công Lâm Đồng ước tính hàng năm Lâm Đồng dành khoảng 2/3 kinh phí khuyến công của địa phương để thực hiện mô hình hỗ trợ vốn có thu hồi. Cụ thể đã triển khai gần 80 đề án với gần 18 tỷ đồng nguồn vốn hỗ trợ có thu hồi. Đồng thời triển khai trong gần 80 đề án này, doanh nghiệp đã tự huy động với tổng nguồn vốn phát triển sản xuất khoảng gần 180 tỷ đồng. Những doanh nghiệp được hưởng nguồn vốn hỗ trợ này khi có đề án được duyệt về phát triển sản xuất thuộc các ngành công nghiệp ưu tiên, đổi mới thiết bị công nghệ, sản xuất chế biến sâu để có sản phẩm tinh, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm, chế biến lâm sản; các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch, xuất khẩu; các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp xây dựng đang di dời, xây dựng mới hoặc đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp vào các cụm công nghiệp; các doanh nghiệp sử dụng năng lượng hiệu quả và sản xuất sạch hơn. Đặc biệt nguồn vốn khuyến công hỗ trợ có thu hồi được ưu tiên hơn nữa đối với các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng…
Thống kê việc giải ngân nguồn vốn khuyến công có thu hồi ở Lâm Đồng vào năm sau thường tăng hơn năm trước: Năm 2009 (12 đề án với hơn 2,7 tỷ đồng), năm 2010 (16 đề án với hơn 3 tỷ đồng), năm 2011 (13 đề án với hơn 3,7 tỷ đồng), năm 2012 (21 đề án với tổng kinh phí 5,2 tỷ đồng). Những doanh nghiệp được “hỗ trợ một, đầu tư mười” đang phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh như: Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Đà Lạt Tự Nhiên đã tiến hành xây dựng nhà xưởng, trang bị mới máy móc thiết bị để chế biến các mặt hàng nông sản đông lạnh, sấy khô tại Đức Trọng; Công ty Cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng đổi mới công nghệ, thiết bị cắt tách hạt điều tại Nhà máy Chế biến xuất khẩu Đạ Huoai; Công ty TNHH Phong Giang xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị để chế biến chè xanh xuất khẩu tại huyện Bảo Lâm; Công ty TNHH 26/3 trang bị dây chuyền tinh chế gỗ tại Bảo Lâm; hộ kinh doanh Nguyễn Văn Xưởng xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị để sản xuất, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp tại huyện Đơn Dương…
“Đến nay hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng đều hoàn trả đúng hạn nguồn vốn hỗ trợ có thu hồi.”- Ông Cao Xuân Khản, Giám đốc Trung tâm Khuyến công Lâm Đồng cho biết. Theo đó, cứ sau một năm đầu tư sản xuất theo đề án, doanh nghiệp bắt đầu hoàn trả một phần trên tổng số nguồn vốn hỗ trợ có thu hồi với tỷ lệ 1/3 (với thời hạn hỗ trợ 3 năm) và với tỷ lệ 1/5 (với thời hạn hỗ trợ 5 năm). Mỗi năm kế theo được tiếp tục hoàn trả với tỷ lệ số tiền tương ứng cho đến năm thời hạn cuối cùng (năm thứ 3 hoặc năm thứ 5). Kết quả tính trong 5 năm (2008 - 2012) ở Lâm Đồng, giá trị sản xuất công nghiệp tăng khoảng 1,6 lần; số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tăng 1,9%/năm; số lao động của ngành công nghiệp tăng 1,27%... là có phần đóng góp tích cực của nguồn vốn khuyến công hỗ trợ có thu hồi như đã nêu.
Thứ Năm, 05/07/2012 (GMT+7)