Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Trên loa không dây ở Đam Rông

VĂN VIỆT
Ước cả tỷ đồng nguồn vốn nhà nước đầu tư phủ kín hệ thống loa truyền thanh không dây về tận địa  bàn thôn đến địa bàn xóm dân cư, huyện Đam Rông, Lâm Đồng đã từng bước cập nhật đầy đủ những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước cũng như các chương trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, huyện, xã đến với rộng rãi người dân. 

Đam Rông, Lâm Đồng là một trong những huyện nghèo của cả nước được hỗ trợ từ các nguồn vốn, chương trình mục tiêu về giảm nghèo nhanh và giảm nghèo bền vững đến năm 2015. Bên cạnh nghèo về điều kiện kinh tế còn gặp hạn chế về điều kiện tiếp cận thông tin nghe nhìn do địa hình đồi núi, sông suối chia cắt. Cuối năm 2004, huyện mới Đam Rông được thành lập sau khi chia tách một phần địa giới từ huyện Lạc Dương và tiếp nhận một phần địa giới từ huyện Lâm Hà thuộc địa giới tỉnh Lâm Đồng. Với địa bàn 8 xã trực thuộc huyện Đam Rông, Lâm Đồng những năm đầu thành lập huyện chỉ có 4 xã có trạm truyền thanh bằng dây ( còn gọi là truyền thanh hữu tuyến). Đường dây truyền thanh phải bắc qua nương cà phê, qua ghềnh đá…mới đến được một vài thôn ở trung tâm xã để tải lên loa công cộng. Việc bảo dưỡng trên từng tuyến đường dây luôn vấp phải nhiều khó khăn bởi thời tiết và giao thông trắc trở. Tình trạng thông tin truyền thanh không đều đặn truyền tải xuống địa bàn dân cư luôn là nỗi niềm trăn trở và gây nhiều tâm tư đối với cán bộ và nhân dân địa phương. Ông Nguyễn Vi Xuân, Trưởng Đài Truyền thanh và Truyền hình huyện Đam Rông nói : “Lúc đó sóng truyền hình, sóng phát thanh, hệ thống truyền thanh bằng dây và kể cả báo viết, tạp chí khi về trung tâm huyện cũng đã khó khăn rồi, nói chi là về đến địa bàn xã. Báo điện tử trực tuyến thì càng ở xa cách hơn. Nhu cầu thông tin của người dân cư quá bức thiết hàng ngày...”
Nhận thấy yêu cầu hết sức cấp bách của người dân, cuối năm 2005 và đầu năm 2006, qua khảo sát của các cơ quan chức năng từ địa phương và trung ương, huyện Đam Rông chính thức triển khai lắp đặt hệ thống truyền thanh không dây trên địa bàn với tổng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia khoảng 01 tỷ đồng. Đầu tiên trang bị máy phát sóng FM với công suất 200W.  Lần lượt tiếp theo trang bị trên 8 xã trong huyện, mỗi xã một trạm tiếp phát với chiếc máy công suất 100W. Đến năm 2008, xã cuối cùng trong huyện Đam Rông được phủ kín hệ thống truyền thanh không dây là xã Đạ R’Sal. Đây là hệ thống truyền thanh trên loa với kỹ thuật hiện đại. Bắt đầu từ máy tiếp phát của Đài Truyền thanh huyện, sóng FM được phát lên không gian phủ về địa bàn 8 trạm truyền thanh của xã. 
Từng trạm truyền thanh của xã tiếp phát lại cũng bằng hệ thống sóng vô tuyến. Các cụm loa truyền thanh ở khu dân cư bắt sóng vô tuyến bằng một thiết bị điện tử gọn nhẹ như một thanh biến áp bắt dưới chân loa. Vậy là từ cả trăm cây số đường dây truyền thanh hữu tuyến kết nối ngày nào, nay phải gỡ bỏ để thay thế bằng hệ thống truyền thanh trên loa không dây khá tiện lợi và tác dụng cao. Trung bình mỗi xã của huyện Đam Rông đã lắp đặt từ 10 đến 12 cụm loa truyền thanh không dây trên khu vực tập trung dân cư đông nhất. Theo ông Nguyễn Vi Xuân, Trưởng Đài Truyền thanh và Truyền hình huyện Đam Rông cho biết : Trung bình mỗi ngày với ba buổi sáng, trưa, chiều, Trạm truyền thanh mỗi xã tiếp phát tổng cộng thời lượng khoảng 5 giờ đồng hồ  từ các chương trình đài trung ương, đài tỉnh và đài huyện. Bên cạnh đó, ở Trạm truyền thanh xã còn phát lên loa không dây thường xuyên các văn bản cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, vận động nhân dân hưởng ứng tích cực và hiệu quả các chương trình hành động đề ra. Đặc biệt với chương trình thời sự phát thanh tiếng đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho, Chu Ru luôn được sự quan tâm theo dõi của đông đảo người dân trên khắp địa bàn trong huyện.

Trong một buổi tiếp xúc giữa lãnh đạo Đài Truyền thanh và Truyền hình huyện Đam Rông, Lâm Đồng với ông Ha Jac, một lãnh đạo xã Đa Long đã “phản hồi” : “Nhờ hoạt động của Trạm truyền thanh không dây ở xã đã tác động tích cực đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. 
Người dân nắm bắt kịp thời những nội dung thông tin tuyên truyền từ trạm cơ sở đến đài huyện, đài tỉnh và đài trung ương, từ đó đã nâng cao lòng tin, nâng cao ý thức tự giác chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước, đồng thời mạnh dạn đề đạt những nguyện vọng chính đáng của mình… ” Và với ông Ha Srít, một nông dân ở thôn 3, xã Đạ Long thì: “Qua loa truyền thanh không dây gần bên nhà, hàng ngày tôi nghe được các thông tin về nông nghiệp, nông thôn, khuyến nông, đã giúp tôi học hỏi nhiều kinh nghiệm mới về chăn nuôi bò, heo, cách chăm sóc lúa, bắp làm sao cho tốt hơn…” Tin rằng những “phản hồi” tích cực này sẽ được Đài Truyền thanh và Truyền hình huyện Đam Rông, Lâm Đồng tiếp tục phát huy chất lượng thông tin tuyền truyền, bảo dưỡng và vận hành tốt hơn nữa trên từng cụm loa truyền thanh không dây này./.
THÁNG 8/2009