Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Bền vững ở công nghệ cấy mô

VĂN VIỆT
Đẩy mạnh xã hội hóa trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng, hàng năm Lâm Đồng đã sản xuất khoảng 22 triệu cây giống cấy mô theo hướng bền vững, đáp ứng đáng kể nhu cầu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao ngày càng tăng ở trong nước và xuất khẩu.

Theo tiến sỹ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, những năm gần đây, công nghệ cấy mô thực vật đã phát triển khá nhanh, mang lại một bước đột phá tạo ra các nguồn giống rau, hoa, cây dược liệu, cây lâm nghiệp…với năng suất và chất lượng cao trên vùng nông nghiệp Lâm Đồng. Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã phát triển 58 cơ sở cấy mô ( trong đó thành phố Đà Lạt có 50 cơ sở), đạt năng suất cây giống sản xuất chiếm 78,5% so với cây giống cấy mô trong cả nước. Tiêu biểu trong đó gồm các loại giống hoa cấy mô quý hiếm, sạch bệnh, đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế ở Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên, Trường Đại học Đà Lạt, Công ty Dalat Hasfarm, Công ty cổ phần công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt…Đặc biệt tại Công ty TNHH Hoa Lan Thanh Quang đã sản xuất giống cấy mô cây sâm Ngọc Linh với quy mô lớn nhất Việt Nam, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ.
Tính riêng ở Công ty cổ phần công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam xuất khẩu cây giống cấy mô sang châu Âu với 10,5 triệu cây/năm, chiếm 47,7% tổng “sản lượng” cây giống cấy mô toan tỉnh Lâm Đồng. Ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc của công ty này nói thêm rằng, năm 1994 là năm đầu tiên, Công ty Dalat Hasfarm ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để sản xuất các giống hoa cắt cành theo quy mô công nghiệp ở Lâm Đồng, đến 4 năm sau đã đưa ra đồng hoa cho nông dân sản xuất đại trà trên 300ha.  Từ năm 2003 đến nay, công nghệ nuôi cấy mô thực vật phát triển trên “diện rộng”, nhiều doanh nghiệp, đơn vị và hộ gia đình xây dựng mới hệ thống thiết bị, sản xuất cây giống nhanh và đồng loạt, không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn từng bước vươn ra thị trường xuất khẩu. Đáng quan tâm là vào cuối tháng 7/2010, Câu Lạc bộ Nuôi cấy mô Đà Lạt chính thức ra mắt hoạt động, trực thuộc Hiệp hội Hoa Đà Lạt với 35 hội viên ban đầu. Trong đó có 11 hội viên là đơn vị nghiên cứu, ứng dụng khoa học,  10 doanh nghiệp và 14 hộ gia đình.
Câu Lạc bộ Nuôi cấy mô Đà Lạt sinh hoạt với một “khu vườn chung” để hội viên gồm đại diện cho tổ chức và hộ gia đình cùng trao đổi kinh nghiêm sản xuất, tìm kiếm thị trường, ứng dụng kỹ thuật mới cho sản phẩm “đầu ra”. Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt, hiện tại công nghệ nuôi cấy mô ở Đà Lạt nói riêng, Lâm Đồng nói chung vẫn chưa đồng đều về quy mô và “phẩm cấp” sản phẩm. Không ít doanh nghiệp đã đạt “công suất” nuôi cấy mô hàng năm từ 1 triệu đến 10 triệu cây thì ngược lại, ở nhiều quy mô “phòng lab” của hộ gia đình, con số này chỉ đạt từ 3.000 đến 5.000 cây.  Trong khi nhu cầu tiêu thụ giống cây nuôi cấy mô trong nước và xuất khẩu ngày càng phát triển, nhất là các giống rau, hoa, cây cảnh mới và lạ, có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Hiện tại cây giống từ Lâm Đồng thường được đưa về 2 đơn vị khoa học ở thành phố Hồ Chí Minh để kiểm tra tiêu chuẩn, chất lượng trước khi phân phối ra thị trường, nhưng chi phí vẫn còn khá cao. Bên cạnh đó, để mua được các trang thiết bị và các  nguồn giống cây đầu dòng mới từ nước ngoài về, nhiều cơ sở vẫn chưa được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu và các thuế khác, đã gây khó khăn trong việc phát triển ổn định và bền vững  đối với “nghề” nuôi cấy mô.
Để phát triển công nghệ nuôi cấy mô trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Lâm Đồng, Công ty cổ phần công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt đã đúc kết nhiều kinh nghiệm trong 10 năm sản xuất và xuất khẩu cây giống cấy mô chất lượng cao. Đó là việc đổi mới dây chuyền, thiết bị sản xuất “tương xứng” với việc xây dựng quy mô hệ thống vườn ươm, đảm bảo cây giống cấy mô sau khi đưa từ ống nghiệm xuống vườn ươm phải đạt các tiêu chuẩn chất lượng cả về quốc gia và quốc tế. Với đội ngũ kỹ thuật “vận hành” dây chuyền nuôi cấy mô, công ty thường xuyên tổ chức cho đi tập huấn, nâng cao “tay nghề” tại các công ty công nghệ cao ở các nước châu Âu. Với thị trường trong nước và xuất khẩu, công ty luôn đầu tư thời gian để khảo sát, nắm bắt nhu cầu, từ đó làm cơ sở để xây dựng kế hoạch sản xuất cây giống cấy mô phù hợp, hiệu quả hàng năm./.
THÁNG 11/2013