Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Hội ngộ sau bốn mươi năm

VĂN VIỆT
Mỗi lần đốt nén hương trầm viếng nghĩa trang liệt sĩ Đà Lạt là mỗi lần tôi được truyền thêm một nguồn lực tinh thần mới để bước lên phía trước. Và lần này tôi lại được nghe hồn thiêng của sông núi, đất trời Đà Lạt; cảm nhận ở đó như không hề cách biệt giữa thế giới người đang sống hòa bình với tâm thức về thế giới của người yên nghỉ ngàn thu. 

Đó là ngày hăm ba tháng ba năm 2008, tôi được theo chân một gia đình từ huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc vào đến Đà Lạt tìm mộ liệt sĩ người thân đã hy sinh trong cuộc chiến chống Mỹ. Đây là lần đầu tiên gia đình họ lên Đà Lạt với thông tin duy nhất là liệt sĩ tên Nguyễn Văn Ba, sinh năm 1950, hy sinh ngày 17 tháng 3 năm 1970 tại mặt trận phía Nam Tây Nguyên. Trước đó một người đồng đội cũ của liệt sĩ Nguyễn Văn Ba thoáng nhớ trước khi ra trận, ông đã cùng biên chế với đơn vị Nguyễn Văn Ba ở căn cứ một khu rừng già tỉnh Bình Thuận. Sau đó mệnh lệnh chiến đấu được hỏa tốc thi hành, bí mật tác chiến được bảo vệ tuyệt đối cho đến giờ nổ súng. Ông xông vào vị trí chiến đấu và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trận địa im tiếng súng, ông mới biết rằng ông không được điều động cùng mũi tiến công của liệt sĩ Nguyễn Văn Ba. Nhưng khắp mặt trận lúc đó là những cuộc đối đầu giằng co ác liệt, nhiều đồng đội của ông ở các đội hình chiến đấu đã anh dũng ngã xuống giữa cánh rừng này, có lẽ trong đó có nơi liệt sĩ Nguyễn Văn Ba nằm lại. Lần theo lời kể sau hơn ba mươi năm giải phóng, gia đình tất tả hành lý lên đường mang theo hy vọng sẽ sớm tìm thấy hài cốt người thân - liệt sĩ Nguyễn Văn Ba. Đặt chân đến khu căn cứ rừng Bình Thuận thấy cảnh vật đã thay đổi quá nhiều. 
Chiến tranh đã lặng chìm vào quá khứ, những chứng tích của bom đạn bây giờ đang phủ lên xanh bởi lớp lớp đại ngàn. Nhưng nếu đi chưa hết cánh rừng trận địa năm xưa thì gia đình đâu thể yên lòng được. Lại gắng sức bất kể ngày này qua hết đến ngày nọ, từ lũng thấp, lên đèo cao xuống suối sâu...Nhưng khi bước chân đến khu vực cuối cùng của cánh rừng, gia đình mới hiểu ra đã không thể tìm đâu thấy một kỷ vật nào, một tấm bia mộ nào ghi dòng chữ liệt sĩ Nguyễn Văn Ba. Buồn thương và tiếc nhớ, cả gia đình anh em, con cháu của liệt sĩ đành lòng quay bước chân mệt lả trở về lại quê. Và ngày đêm lại dâng thắp nén hương lên bàn thờ vọng liệt sĩ mà nguyện cầu hương hồn anh hãy hiển linh về với gia đình mách bảo anh nằm nơi đâu, gia đình nhớ anh đến cháy lòng…
 Ông Nguyễn Đức Hành, 62 tuổi, anh ruột của liệt sĩ Nguyễn Văn Ba tâm sự đầy nước mắt : Liệt sĩ Nguyễn Văn Ba là một người em nhỏ trong gia đình có mấy anh chị em. Thuở thiếu thời Ba thường lãnh nhận những phần việc có thể cáng đáng được về mình, không hề so bì thiệt hơn với bất cứ ai trong nhà. Mậu Thân năm 1968, Ba tình nguyện lên đường nhập ngũ khi vừa lên 18 tuổi. Rồi Ba hăng hái vào chiến trường miền Nam rực lửa. Chưa đầy hai năm sau - năm 1970, gia đình nhận tin báo Ba đã hy sinh. Hơn một năm lặn lội đi lại ở rừng Bình Thuận không có kết quả, gia đình may mắn nhận được bản tin nhắn tìm đồng đội trên VTV có tên liệt sĩ Nguyễn Văn Ba hy sinh ở khu vực chiến trường huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Mừng quá, gia đình vội chọn được ngày lành tháng tốt gần nhất, hăm hở lên Đà Lạt cho kịp đến dâng hương nguyện cầu ở Đài Liệt sĩ - Nghĩa trang Đà Lạt bắt đầu từ lúc 8 giờ sáng ngày 16/02/2008 âm lịch ( tức ngày 23/3/2008 ). Người quản trang Phan Xuân Báu tận tình giúp đỡ, hướng dẫn gia đình. Khi nén hương nghi ngút tỏa khói thì từng người trong gia đình gần mười người tỏa riêng ra từng hàng bia mộ phần để đọc lên từng dòng tên liệt sĩ. Đến phần mộ nào dâng hương phần mộ đó. 
Nhưng vẫn không tìm thấy dòng tên liệt sĩ Nguyễn Văn Ba. Người quản trang Phan Xuân Báu gọi cả gia đình tập trung dâng hương trước bốn tấm bia tựa lưng vào nhau nhìn ra bốn phương trời, tạc tên tất cả liệt sĩ đã về nghĩa trang này. Bỗng nhiên khi nén hương cháy đỏ thì dòng tên “Liệt sĩ Nguyễn Văn Ba, hy sinh ngày 17/3/1970” hiện ra sáng trong trước mặt mọi thành viên gia đình. Chữ vàng khắc sâu trên bia đá màu đen, nhỏ nhắn trong một khuôn hình chữ nhật mà thiêng liêng quá. “Em ơi, bốn mươi năm rồi, gia đình trông chờ một giây phút này đây…”-Người chị gái tuổi đã qua lục tuần ôm choàng trước tấm bia đá nghẹn ngào.
Hồi lâu sau người quản trang Phan Xuân Báu lật giở cuốn sổ tay mang bên người nói rằng hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Ba đã được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ Đà Lạt an nghỉ từ năm 1977. Liệt sĩ Nguyễn Văn Ba hy sinh ở khu vực rừng thuộc địa phận huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, giáp giới với khu vực rừng tỉnh Bình Thuận. Ba được đưa về truy điệu yên nghỉ nơi đây với những đồng đội cùng chung đơn vị, đã hy sinh cùng thời điểm trên trận địa vùng rừng núi Đức Trọng. Cả một ngôi nhà lớn của liệt sĩ Nguyễn Văn Ba là phần mộ hài cốt  của hơn 2.100 liệt sĩ thuộc 51 tỉnh, thành trong cả nước đã chiến đấu xả thân trên đất Lâm Đồng qua các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và truy quét Fulro sau này. Thoáng nét ưu tư, người quản trang Phan Xuân Báu lần theo sơ đồ ghi tất cả những dòng tên khắc trên bia phần mộ chí của liệt sĩ ở Nghĩa trang Đà Lạt. Quả thực thì liệt sĩ Nguyễn Văn Ba đang nằm nơi đây nhưng ở vị trí chính thức mộ phần nào thì vẫn đang được xác định lại. Do hồ sơ khảo sát, tìm kiếm, quy tập cần tiếp tục bổ sung cho thực sự chuẩn xác, Nghĩa trang Liệt sĩ Đà Lạt vẫn còn hơn 700 phần mộ chí chưa được trả lại tên, tạm thời còn để trống trên tấm bia mộ. Trong đó có tên liệt sĩ Nguyễn Văn Ba.

Dẫu sao thì việc xác định vị trí phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Ba trong ngôi nhà lớn Nghĩa trang Đà Lạt cũng chỉ còn là vấn đề thời gian. Điều hạnh phúc lớn nhất của gia đình là đã hội ngộ được với người thân của mình – liệt sĩ Nguyễn Văn Ba sau bốn mươi năm chia tay đi chiến đấu không về. Bởi bây giờ liệt sĩ Nguyễn Văn Ba không còn nằm vắng lạnh giữa rừng sâu nữa. Nguyễn Văn Ba nằm lại nơi đây với hơn 2.100 liệt sĩ quây quần bên nhau, mộ chí nối mộ chí, san sát thẳng hàng, nghiêm trang và hãnh diện giữa đất trời xanh thắm của phố núi cao nguyên Đà Lạt, quanh năm xanh mát bóng thông ngàn, rạng rỡ những sắc hoa …/.
THÁNG 3/2007