VĂN VIỆT
Theo thống kê của TAND huyện Lâm Hà (
Lâm Đồng), trên 16 xã, thị trấn của huyện Lâm Hà đã thụ lý hòa giải 374 vụ
tranh chấp đất đai trong hai năm trở lại đây. Tỉ lệ hòa giải thành đạt hơn 44%
và còn lại là tỉ lệ hòa giải không thành- đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm.
Những
địa phương đạt tỉ lệ hòa giải thành khá cao - từ 60% đến gần 80% là các xã Đông
Thanh, Phú Sơn, Tân Thanh, Tân Văn, Mê Linh, Nam Hà và thị trấn Nam Ban. Ông
Trần Trọng Hưng, Trưởng Ban Tư pháp thị trấn Nam Ban dẫn ra khá nhiều nguyên
nhân dẫn đến tranh chấp đất đai trên địa bàn Nam Ban. Đó là trong họa đồ đo đạc
không thể hiện rõ đường đi ranh giới giữa hai lô đất liền kề, gây mâu thuẫn
giữa quyền lợi các bên. Việc mua bán sang nhượng đất bằng giấy viết tay qua
nhiều người, qua thời gian dài có nhiều biến động về diện tích, bờ thửa. Diện
tích đất đã cầm cố, thế chấp vẫn tiến hành giao dịch, chính quyền địa phương
không hề hay biết; việc giao đất - nhận tiền thiếu những điều kiện ràng buộc
giữa các bên…Kinh nghiệm trong 26 vụ việc hòa giải thành ở thị trấn Nam Ban trước
hết phải phân tích đầy đủ những nguyên nhân phát sinh tranh chấp. Thành phần
tiến hành hòa giải phải “định biên” gồm lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ủy ban mặt
trận, cán bộ tư pháp, địa chính…cùng nhau thống nhất việc thuyết phục bên
nguyên đơn và bị đơn tự thương lượng với nhau. Kết quả hòa giải được lập thành
biên bản, đóng dấu UBND thị trấn Nam Ban. “Yêu cầu chung của thành viên hòa
giải khi hòa giải tranh chấp đất đai là luôn luôn thể hiện cái tâm, cái đức,
kiên nhẫn, khách quan vô tư theo pháp luật… ”- ông Hưng nói.
Ở
ban hòa giải xã Tân Văn thì việc hòa giải tranh chấp đất đai phải “đi” từ gia
đình, hàng xóm, họ hàng, cộng đồng dân cư để phối hợp tác động hai bên tự thỏa
thuận giải quyết với nhau. Ở đây thành viên hòa giải bên cạnh việc am hiểu pháp
luật phải là người đạt các “chuẩn” về uy tín, tính gương mẫu trong cộng đồng.
Trong 27 vụ hòa giải thành ở xã Tân Văn có 3 vụ đương sự nhận ra được sự phải
trái và đồng thuận rút đơn kiện. Ở xã Đông Thanh, xã Tân Hà thì chú trọng việc
tuyên truyền thường xuyên các văn bản pháp luật về đất đai cho nhân dân. Tuyên
truyền trực tiếp và tuyên truyền qua cơ chế phối hợp, phát hành tờ rơi, tuyên
truyền qua các cuộc họp ở khu dân cư…Nhờ vậy khi có tranh chấp đất đai xảy ra,
ban hòa giải dẫn ra các điều luật thường được các đương sự tiếp thu tương đối
nhanh.
Cộng với cái tình của xóm giềng luôn được nhắc đến nên hiệu quả hòa giải
thành khá cao với hàng chục trường hợp. Ở xã Mê Linh chỉ riêng ở thôn 3 đã hòa
giải thành 20 vụ tranh chấp đất đai trong vòng 2 năm qua. Ông Nguyễn Văn Cảnh,
tổ trưởng tổ hòa giải thôn 3, Mê Linh nói: “Phần lớn những vụ việc tranh chấp
đất đai là do hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế…Bởi vậy trong khi
hòa giải phải giải thích sự đúng, sự sai đối chiếu với từng điều luật cụ thể…”
Tuy
nhiên công tác hòa giải tranh chấp đất đai ở Lâm Hà ( Lâm Đồng) đã bộc lộ nhiều
hạn chế cần rút kinh nghiệm khắc phục trong thời gian tới. Theo thẩm phán Phạm
Văn Bắc, Chánh án TAND huyện Lâm Hà, có không ít vụ hòa giải không thành là do
hòa giải viên thiếu xác minh thực địa để làm căn cứ giải quyết. Những trường
hợp khác là tổ hòa giải cơ sở chưa xem xét tất cả những yếu tố dẫn đến tranh
chấp, xác định nhầm quan hệ tranh chấp nên thường gặp lúng túng trong các bước
hòa giải./.