Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Sự việc nào, điều luật nấy

VŨ VĂN
Thông qua những sự việc giải quyết cụ thể trong đời sống hàng ngày, xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt đã giải thích pháp luật theo hướng dễ hiểu và dễ nhớ, đáp ứng nhu cầu nắm bắt pháp luật của người dân địa phương ngày càng thiết thực hơn.

Tuần đầu tháng 4/2010, ông Phan Gia Hợi, cán bộ tư pháp xã Tà Nung phải lên bộ phận một cửa của UBND thành phố Đà Lạt rất sớm để làm thủ tục hồ sơ nhà đất cho người dân. Cụ thể là hồ sơ chia tách thửa đất nông nghiệp của người cha chia cho người con. Trước khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ tư pháp tiếp xúc với người chủ thửa đất và phổ biến những hồ sơ bắt buộc là phải có Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy Chứng nhận quyền sở hữu nhà, Giấy Cam kết của cả hai vợ chồng ký tên chia tách thửa đất cho con. Bởi theo quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở thì chỉ được công nhận hợp pháp đất sản xuất, đất ở và nhà ở khi được cơ quan thẩm quyền của nhà nước cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sử dụng nhà. Đất đai và nhà cửa là tài sản chung của cả hai vợ chồng nên không cho phép riêng người chồng ( hoặc người vợ) tự ý lập thủ tục chia tách cho con. Mà pháp luật quy định phải thiết lập giấy cam kết tự nguyện ký tên của cả hai vợ chồng. Xung quanh những quy định về đất đai và nhà ở, cán bộ tư pháp xã Tà Nung trực tiếp phân tích, giải thích đến khi người làm thủ tục chia tách thửa đất sản xuất cho con thực sự thông hiểu thì mới tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy hẹn trả kết quả trong thời gian khoảng một tháng sau đó. Đây là quy trình một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính cho dân ở Tà Nung triển khai từ năm 2003 đến nay; trung bình mỗi năm giải quyết khoảng 60 hồ về chuyển nhượng đất đai trên địa bàn, đảm bảo công khai, đúng luật, nhanh chóng và chính xác. Mỗi một sự việc giải quyết là cán bộ tư pháp kết hợp hướng dẫn những những điều luật áp dụng cụ thể cho người dân nhận biết.
Tương tự hình thức tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động ở xã Tà Nung đã đi vào những sự việc cụ thể hơn. Khi tập trung được người dân ở một khu vực dân cư thuận lợi nhất, tư pháp xã Tà Nung và những trợ giúp viên, chuyên viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý của nhà nước Lâm Đồng tiến hành trợ giúp trực tiếp những sự việc của người dân nêu ra. Chẳng hạn hỏi vì sao đất đã sản xuất nông nghiệp nhiều năm vẫn chưa được cấp sổ đỏ ? Trả lời: pháp luật về đất đai quy định đất được cấp sổ đỏ khi được sử dụng ổn định, liên tục, không tranh chấp và phải phù hợp với quy hoạch. Ở đây đất nằm trên điện tích quy hoạch đất lâm nghiệp nên không giải quyết cấp sổ. Việc có thể rà soát để điều chỉnh lại ranh giới đất nông- lâm hay không là không thuộc thẩm quyền cấp xã; mà là thẩm quyền từ cấp thành phố đến cấp tỉnh và cấp trung ương. Hoặc liên quan đến việc xin nhập khẩu từ tỉnh khác về xã Tà Nung, Đà Lạt được trả lời là phải có bảo lãnh về hợp thức hóa cuộc sống chung vợ chồng, nguyện vọng cha mẹ được ở chung với con cái; người xin nhập khẩu phải có đất đai, nhà cửa ổn định và hợp pháp ở xã Tà Nung…Thường mỗi câu trả lời cho một trường hợp cụ thể ở đây là được phổ biến pháp luật chung cho khoảng 50- 60 lượt người dân đến nghe.
Mới đây, Ban Tư pháp xã Tà Nung tiếp nhận một lá đơn tố cáo có 20 chữ ký của người dân cho rằng Chủ tịch xã Tà Nung lạm dụng quyền hạn không…cấp đất cho dân (?!) Cán bộ tư pháp bố trí thời gian xuống gặp những người làm đơn. Kết quả có 11 người xác nhận đã ký vào đơn nhưng không biết bên trong đơn là nội dung gì; 9 người ký còn lại trong đơn là người trong cùng một họ hàng, gia đình. Thì ra gia đình này đã lấn chiếm đất thuộc khu quy hoạch chăn nuôi tập trung của tỉnh Lâm Đồng nằm trên địa bàn xã nên không thể đề nghị cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất được. Cán bộ tư pháp nhẹ nhàng giải thích việc tố cáo này là sai pháp luật vì Chủ tịch xã không có thẩm quyền ký cấp đất. Việc nhờ nhiều người ký vào đơn tố cáo cũng là trái với pháp luật về quyền dân chủ  trong khiếu nại, tố cáo của công dân…Như vậy, từ một lá đơn này, cán bộ tư pháp có điều kiện tuyên truyền pháp luật về khiếu nại tố cáo, đất đai trực tiếp cho ít nhất 20 hộ gia đình trong xã.
Xã Tà Nung đã và đang phát huy vai trò của 6 tổ hòa giải trên 6 thôn ở địa bàn. Qua những phát sinh trong “va chạm” trong cộng đồng dân cư, tổ hòa giải thường hòa giải thành từ 60% đến 70% sự việc; mỗi sự việc là một tình huống pháp luật được giải quyết hợp lý, hợp tình, từ đó nâng cao nhận thức pháp luật cho người trong cuộc và những người hàng xóm xung quanh. Vài năm gần đây, không có tội phạm hình sự xảy ra trên địa bàn xã Tà Nung là có sự đóng góp tích cực về hình thức tuyên truyền pháp luật qua từng sự việc cụ thể như vậy./.