Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Vườn thú rừng, ao ba ba ở thị trấn Đồng Nai

VĂN VIỆT
Chủ vườn thú rừng vào chiếc ao ba ba là ông Nguyễn Văn Rao, 61 tuổi, một cựu chiến binh ở Khu phố 3, thị trấn Đồng Nai, Cát Tiên. Trong phần đất thổ cư của mình, mấy năm gần đây, ông đã rào chắn thành khu vườn thú rừng rộng hơn 1 sào đất để thả nuôi những con heo rừng, nhím rừng bên cạnh với một chiếc ao nuôi ba ba luôn có hàng ngàn con. 

Chỉ vài trăm mét cách đường nhựa trung tâm thị trấn Đồng Nai, Cát Tiên là vào được vườn thú của ông Nguyễn Văn Rao. Vườn có ba bề giáp với nhà phố và đường phố; bề còn lại giáp với con sông Đồng Nai quanh năm cuồn cuộn chảy. Hỏi ở gần sông mà lại nuôi nhiều thú rừng như vậy, ông Rao nói thật : “Vườn bên sông Đồng Nai năm nào cũng ngập lụt đến năm, sáu mươi phân hoặc cả khi đến cả thước nước. Nuôi nhiều loài thủy sản nếu không khéo tính toán thời vụ rất dễ bị lũ cuốn đi mất. Nuôi nhiều thú rừng vào mùa lũ thì gom thú vào trong nhà hoặc có thể chuyển thú đến nuôi tạm những khu vực đất cao hơn. Khi lũ rút đi thì đưa thú trở về lại vườn…” Nền nhà ở của gia đình ông Rao cao hơn mặt bờ sông Đồng Nai cả thước nên mùa mưa dầm về thường tránh được nước lũ ngập. Chín năm trước, trên độ cao phần nền nhà bếp, ông Rao giành phần diện tích khoảng 150 mét vuông xây thành một chiếc ao thả nuôi 300 con ba ba giống đầu tiên. Ao nằm trên độ cao hơn mức nước lũ kéo về hàng năm nên nuôi ba ba sinh trưởng khá hiệu quả. Cứ hai năm xuất bán một lần khoảng 3,5 tạ ba ba thịt, thu về trên dưới 120 triệu đồng. Đó là chưa kể hàng chục ngàn con ba ba giống xuất bán liên tục hàng năm với số tiền thu được hàng chục triệu đồng. Dự kiến vào cuối tháng 3/2010, ông Rao xuất bán theo đặt hàng khoảng 300 con ba ba, tổng trọng lượng thịt gần 3 tạ, cộng số tiền doanh thu hơn 100 triệu đồng. Hỏi về bí quyết nuôi ba ba, ông Rao nói rất đơn giản : “Sáng nào cũng cho ba ba ăn các loài cá nhỏ. Một tuần thay nước trong ao một lần. Nuôi bèo trong ao che mát cho ba ba sinh sản và hàng tháng thu hái để làm thức ăn nuôi heo rừng…”
Cũng trên nền độ cao gian bếp đối diện với chiếc ao nuôi ba ba, ông Rao xây xi măng thành 5 ô vuông ( mỗi ô rộng khoảng 1,5 mét vuông ) để nuôi 10 con nhím tránh lũ. Mới nuôi hơn một năm, một cặp nhím của ông Rao đã sinh sản thành công 1 con nhím con, nay đã gần 4 tháng tuổi, nặng khoảng hơn 3kg. Vài tháng nữa, 4 cặp nhím còn lại sẽ lần lượt sinh con, nhân lên đàn nhím của ông Rao với số lượng ngày một nhiều hơn. Lại lần nữa, ông Rao nói rất nhẹ nhàng về cách nuôi nhím trong chuồng nhà ông : “Cho nhím ăn mỗi ngày 2 lần. Sáng cho nhím ăn rau. Chiều cho nhím ăn bắp. Con nhím cái nuôi chừng 8 tháng sau cho con đực vào sống chung một ô chuồng. Sau đó, tách con đực ra riêng. Chừng 100 ngày tiếp theo, nhím cái sẽ sinh con. Làm vệ sinh chuồng nhím hàng ngày nên nhím tăng trọng khá ổn định, không thấy nhím bị một triệu chứng bệnh tật gì cả… ”     
Hàng ngày ông Rao ra khỏi từ ao ba ba và chuồng nhím để bước xuống vườn điều thì lập tức bị quấn lấy chân bởi những con heo rừng thả rông trong phạm vi hơn 1 sào đất. Heo chạy rông hết 1 sào đất là vướng chân vào hệ thống hàng rào thép gai dày kín, không thể thoát ra ngoài được nữa. Ông Rao cho biết, đàn heo rừng trong vườn nhà ông chưa tới 10 con, nhưng đó đều là giống heo đầu dòng mua từ tỉnh Bình Phước về từ cuối năm 2008. Đầu tiên mua về một cặp heo rừng giống bố mẹ, đến nay đã đẻ 2 lứa gần 15 con. 
Mấy hộ gia đình xung quanh thị trấn Đồng Nai cứ đến nhà ông liên tục hỏi mua, ông Rao khó tìm cách từ chối quá nên đã bán lại cho họ đến năm, bảy con với giá thấp hơn rất nhiều so với con giống heo rừng mua về từ Bình Phước. Nay thì số heo rừng giống của họ đã sinh trưởng thành những cặp heo sinh sản mới. Còn lại ở vườn ông Rao nay thì với gần 10 con heo rừng đầu dòng cũng sẽ tiếp tục sinh ra những lứa heo mới trong năm 2010.  Heo rừng thả chạy rông trong vườn nên hàng ngày chúng rất háu ăn, dù chỉ là những loại thức ăn bình thường như cám gạo, rau xanh, bèo xanh… 
Đến thăm vườn thú rừng, ao ba ba của ông Nguyễn Văn Rao vừa kể trên, ông Nguyễn Văn Khỏe, cán bộ khuyến nông thị trấn Đồng Nai, Cát Tiên nói rằng đây là mô hình điểm của thị trấn Đồng Nai với mức thu nhập bình quân trên dưới 100 triệu đồng mỗi năm. Chính quyền thị trấn Đồng Nai, Cát Tiên đã và đang tổ chức nhiều hình thức khuyến nông để nhân rộng mô hình vườn thú rừng, ao ba ba của cựu chiến binh Nguyễn Văn Rao trên địa bàn./.   
THÁNG 5/2009