Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

“Bảng hiệu” trợ giúp pháp lý

VĂN VIỆT
Đã hai mươi năm chuyên trách tư pháp của Uy ban nhân dân xã Tà Nung, một xã vùng xa của thành phố Đà Lạt, ông Phan Gia Hợi đã không ngừng nỗ lực để trở thành một “bảng hiệu” trợ giúp pháp lý cho đồng bào thiểu số địa phương.

Sau ngày 30/4/1975, ông Phan Gia Hợi, một sĩ quan chế độ Sài Gòn đã quyết định trình diện chính quyền cách mạng và được hưởng khoan hồng. Đầu năm 1979, ông được Uy ban Quân quản xã Tà Nung gọi ra giúp việc thống kê. Lúc đầu ông mặc cảm về quá khứ dù chỉ là người bị bắt đi làm sĩ quan hải quân truyền tin cho chế độ cũ. Sau nhờ các chú lãnh đạo xã gần gũi động viên, ông đã dần hòa nhập…Ông chắt lọc từ kiến thức học ở trong và ngoài nước vào công việc địa phương có hiệu quả, 5 năm sau - năm 1984, ông được phân công làm địa chính và được bầu vào đại biểu Hội đồng nhân dân xã.
VIỆC NÀO CŨNG TÂM HUYẾT
Làm đại biểu hội đồng nhân dân xã trong 3 nhiệm kỳ liền ( mỗi nhiệm kỳ 2 năm), ông đều phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân và được đưa vào nghị quyết kỳ họp như việc phân định đất nông lâm, quy hoạch từng vùng sản xuất nông nghiệp…Đến năm 1990, ông được bầu vào ủy viên ủy ban, làm cán bộ văn phòng kiêm tư pháp xã Tà Nung. Những lúc cấp trên xuống kiểm tra, ông báo cáo nằm lòng từng số liệu, từng khu dân cư, tranh thủ sự lãnh chỉ đạo kịp thời.
Có vốn từ “nghề” thống kê, địa chính, văn phòng, ông vận dụng vào thực tiễn công tác tư pháp. Đó là việc vận động đồng bào xóa bỏ hủ tục lạc hậu về cưới hỏi, tang ma. Có những đôi nam- nữ chưa đủ tuổi kết hôn theo pháp luật, ông nhất quyết không làm thủ tục đăng ký. Có những đám tang, ông xuống tận nơi làm giấy khai tử và vận động không để xác chết quá 24 tiếng đồng hồ. Đầu năm hai ngàn, ông đến từng nhà dân đăng ký quá hạn hơn 400 giấy khai sinh và giấy kết hôn. Ông cùng với trạm xá xã làm giấy khai sinh cho trẻ ngay vừa ra đời. Ông tham gia thành 6 tổ hòa giải trên 6 thôn. Ông học luật qua các lớp tập huấn trên huyện, trên tỉnh; tự học qua tài liệu từ ngành tư pháp, từ tủ sách pháp luật rồi truyền đạt lại cho hòa giải viên. Ước tính mười năm qua, tỉ lệ hòa giải thành ở xã Tà Nung đạt từ 60% đến 70% vụ việc. Vào 15 phút buổi sáng hàng ngày, bên cạnh mở phát băng từ thu sẵn, ông đọc trực tiếp những quy định pháp luật thường gặp phát trên 6 cụm loa công cộng. Rồi ông là thành viên phổ biến pháp luật sôi động định kỳ hàng tháng trên từng thôn, những buổi hội thi pháp luật trên sân khấu từ xã lên cấp thành phố…
 “BẢNG HIỆU” TƯ PHÁP XÃ
Hàng tuần, ông cán bộ tư pháp xã Tà Nung, Phan Gia Hợi còn phải lên một cửa của UBND thành phố Đà Lạt để làm thủ tục nhà đất cho dân. Vào việc, ông tiếp xúc với người chủ thửa đất và hướng dẫn những thủ tục phải có là Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, Giấy Cam kết của hai vợ chồng. Biết người dân đã hiểu thì ông mới tiếp nhận và cấp giấy hẹn xong hồ sơ một tháng sau đó. Đây là quy trình một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính ở Tà Nung triển khai từ năm 2003 đến nay; mỗi năm giải quyết khoảng 60 hồ về chuyển nhượng đất đai, đảm bảo công khai, đúng luật, nhanh chóng và chính xác. Mỗi sự việc ông đều phổ biến những những điều luật cụ thể cho người dân.
Ông cùng với những trợ giúp viên, chuyên viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Lâm Đồng trợ giúp những sự việc cụ thể của người dân. Chẳng hạn hỏi đất đã sản xuất nông nghiệp nhiều năm vẫn chưa được cấp sổ đỏ ? Trả lời: pháp luật quy định đất được cấp sổ đỏ khi được sử dụng ổn định, liên tục, không tranh chấp và phải phù hợp với quy hoạch. Nếu đất nằm trên diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp thì không giải quyết cấp sổ. Việc có điều chỉnh lại ranh giới đất nông- lâm hay không là không thuộc thẩm quyền cấp xã; mà là thẩm quyền từ cấp thành phố đến cấp tỉnh và cấp trung ương. Liên quan đến việc xin nhập khẩu từ tỉnh khác về xã Tà Nung, Đà Lạt được trả lời phải là lý do hợp thức hóa vợ chồng, đưa cha mẹ ở chung với con; người xin nhập khẩu phải có đất đai, nhà cửa ổn định và hợp pháp ở xã Tà Nung…Thường mỗi câu trả lời đều được viện dẫn pháp luật tập trung khoảng 50- 60 lượt người dân đến nghe.
Mới đây, ông Phan Gia Hợi tiếp nhận một lá đơn tố cáo có 20 chữ ký người dân cho rằng Chủ tịch xã Tà Nung không…cấp đất cho dân (?!) Ông xuống gặp những người làm đơn. Kết quả có 11 người đã ký vào đơn nhưng không biết là nội dung gì; 9 người ký còn lại là người trong cùng họ hàng, gia đình. Thì ra gia đình này đã lấn chiếm đất quy hoạch chăn nuôi tập trung của tỉnh Lâm Đồng nên không thể cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông giải thích việc tố cáo này là sai vì Chủ tịch xã không có thẩm quyền cấp đất. Việc nhờ nhiều người ký vào đơn tố cáo cũng là trái với pháp luật về khiếu nại, tố cáo của công dân…
Hết năm 2010, ông Phan Gia Hợi đúng 60 tuổi về hưu. Nhìn lại, ông đã là  “già làng” công tác tại Uy ban xã Tà Nung với 31 năm, trong đó có 20 năm làm “nghề” tư pháp. Ông nhận rất nhiều khen thưởng từ cấp xã, cấp thành phố, cấp tỉnh; đặc biệt đã nhận kỷ niệm chương của ngành tư pháp. Ông đúc kết :  “ Phải luôn tự đào tạo mình mới mong trở thành là một “bảng hiệu” trợ giúp pháp  lý tin cậy cho cộng đồng ! ”./.