Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Điện báo viên Trần Mỹ Sơn

VĂN VIỆT
Sáng ngày 3/4/1975 trong đội hình của đoàn quân giải phóng tiến về Đà Lạt có bước chân của người lính điện báo viên Trần Mỹ Sơn. Từ ngày ấy cho đến bây giờ, bước chân của người lính điện báo viên Trần Mỹ Sơn đã bước tiếp cuộc hành trình cùng vươn lên với ngành viễn thông Lâm Đồng.

Mỗi độ tháng tư về, người lính điện báo viên Trần Mỹ Sơn được sống lại với niềm hạnh phúc vô biên khi từ căn cứ Suối Cát tiến về tiếp quản Đà Lạt. Lúc ấy chỉ mới là chàng trai trẻ hai mươi mốt tuổi đời mà đã rèn luyện qua hơn bảy tuổi quân. Từ căn cứ của thị ủy Đà Lạt ở Suối Cát ( xã Mê Linh, huyện Lâm Hà ngày nay), điện báo viên Trần Mỹ Sơn được lệnh hành quân về Đà Lạt ngay từ 11 giờ đêm ngày 02/4/1975. Nai nịt ngang hông đeo súng ngắn, lưng mang máy vô tuyến điện có công suất 15w, nặng khoảng 25 kg, điện báo viên Sơn với đôi chân quen băng rừng lội suối trong tiểu đội gồm 4 người đều là lính trẻ. 
Đó là người Trưởng đài, người điện báo viên Trần Mỹ Sơn và hai người làm trắc thủ quay vòng quay phát điện. Nhiệm vụ của tiểu đội là giữ thông đường liên lạc trên máy vô tuyến để nhận sự chỉ đạo từ Tỉnh ủy Tuyên Đức ( Lâm Đồng ngày nay). Đồng thời cập nhật báo cáo lên Tỉnh ủy Tuyên Đức về tình hình công tác chiến đấu hàng ngày trên địa bàn của Thị ủy Đà Lạt. Vì vậy trong từng chặng đường hành quân về Đà Lạt, tiểu đội đài vô tuyến phải chọn những khu vực có không gian rộng thoáng để dừng lại kéo ăng ten lên trời thu phát sóng đến hơn năm, sáu lần. Thường mỗi lần thu và phát tín hiệu trong khoảng thời gian hàng chục phút nhưng điện báo viên Trần Mỹ Sơn và cả tiểu đội của đài vô tuyến không thể nào đọc được những dòng chữ trong đó là gì. Bởi chức năng của đài chỉ là thu phát những tín hiệu sau đó chuyển sang bộ phận quân lực để giải mã thành từng nội dung. Từng nhiệm vụ, chức trách từng người đều tập trung ở mức độ cao nhất trên suốt chặng đường về tiếp quản Đà Lạt. Điện báo viên Trần Mỹ Sơn cũng như tất cả những người trong đoàn quân giải phóng đến giờ phút ấy đều nhận biết được rằng bộ máy chính quyền Sài Gòn tại thị xã Đà Lạt đã tan rã hoàn toàn, không khí giải phóng đã tràn ngập khắp nơi, đặc biệt là khi vừa ra khỏi được bìa rừng căn cứ. Không khí tiếp quản Đà Lạt càng sôi động rõ hơn trên những hàng cờ giải phóng tung bay qua từng thôn xóm Tà Nung rồi đến phố phường Nam Thiên và điểm tập trung mít tinh biểu dương lực lượng trước khu Hòa Bình.
Để trở về được Đà Lạt với tư thế của người chiến thắng trong ngày 03/4/1975, điện báo Trần Mỹ Sơn phải thôi học lớp 7 văn hóa để vào rừng tham gia chiến đấu. Ông kể lại: “ Mẹ tôi là tiểu thương chợ Đà Lạt làm liên lạc cho cách mạng, bị chế độ Sài Gòn bắt giam vào năm 1966. Vào thời điểm gần tết Mậu Thân năm 1968 chế độ Sài Gòn phải thả mẹ tôi tự do vì không đủ căn cứ buộc tội là Việt Cộng. Không lâu sau đó mẹ tôi được tổ chức điều động vào căn cứ cách mạng. Đến tháng 5/1968, tôi tiếp bước mẹ tôi thoát ly và được phân công về Đài vô tuyến điện thuộc thị ủy Đà Lạt trong rừng Suối Cát. Lúc này tôi chỉ mới 14 tuổi… ” Những năm đầu tiên trước khi trở thành điện báo viên, Trần Mỹ Sơn phải  học tập và thực hành chiến đấu ở vị trí là trắc thủ quay vòng quay phát điện cho máy vô tuyến. Đến năm 1970 được tổ chức cử đi học điện báo viên ở Ban Thông tin Khu 6 trong khu vực rừng sâu thuộc xã Gia Bắc, Di Linh ngày nay. Người lính Trần Mỹ Sơn phải đi bộ ròng rã nửa tháng trời từ khu căn cứ Suối Cát mới đến nhập học được ở khu căn cứ Gia Bắc. Kỷ niệm sâu sắc nhất và là bước ngoặt thiêng liêng nhất của đời mình là được làm người đảng viên mới tuyên thệ dưới ngọn cờ Đảng, ngọn cờ Tổ quốc trong rừng căn cứ Gia Bắc. Đó là vào ngày 06/8/1972, chi bộ đảng của Tỉnh ủy Tuyên Đức với hơn 10 đảng viên đã căn lên giữa rừng một tấm vải dù, bên dưới đặt những chiếc bàn ghế dã chiến để tổ chức lễ kết nạp đảng viên cho điện báo viên Trần Mỹ Sơn. Và đúng một năm sau cũng tại khu rừng này, điện báo viên Trần Mỹ Sơn cũng đã vinh dự được trao quyết định chuyển đảng chính thức. 
     Sau 35 năm giải phóng, ông Trần Mỹ Sơn nhìn lại mình : “Đất nước thống nhất, tôi may mắn được trở về Đà Lạt với một thân hình nguyên vẹn của tuổi trẻ nhiều khát vọng. Tôi tiếp tục được công tác trong bộ phận Đài Thông tin của Tỉnh ủy Tuyên Đức và nuôi ước mơ được đi học, được hòa vào miền trí thức mênh mông để khám phá, để vượt lên chính mình…Nên đến năm 32 tuổi, tôi mới lấy được tấm bằng đại học đầu tiên trong đời… ” Đó là bằng kỷ sư vô tuyến điện hệ 5 năm 1981- 1986 tại thành phố Hồ Chí Minh. 
Nhưng để được thi đậu đầu vào của đại học này, Trần Mỹ Sơn đã phải “cố công mài sắt” trong 3 năm 1978- 1981 để hoàn thành chương trình bổ túc văn hóa 12/12. Tốt nghiệp đại học trở lại nhận công tác ở Bưu điện Lâm Đồng và một năm sau- năm 1987 được đề bạt giữ chức Phó Giám đốc rồi hai năm kế tiếp – năm 1989 giữ chức Giám đốc Công ty Điện báo- Điện thoại Lâm Đồng. Rồi trong bộn bề công tác quản lý và kinh doanh, Trần Mỹ Sơn vẫn bố trí những thời gian quý báu nhất của mình để tiếp tục lấy những tấm bằng kiến thức để không ngừng cống hiến cho ngành bưu chính- viễn thông Lâm Đồng : Cao cấp chính trị ( năm 1992), Cử nhân Quản trị kinh doanh ( năm 1997) và Cử nhân chính trị ( năm 1999).
Năm 2006, ông Trần Mỹ Sơn được bổ nhiệm Giám đốc Bưu điện Lâm Đồng. Tháng 01/2008 đến nay, Bưu điện Lâm Đồng chia ra thành hai lĩnh vực Bưu chính và Viễn thông, ông Trần Mỹ Sơn được bổ nhiệm là Giám đốc Viễn thông Lâm Đồng. Hiện số cán bộ, nhân viên quây quần bên ông Trần Mỹ Sơn để phát triển ngành viễn thông Lâm Đồng gồm 600 người, trong đó chiếm 1,5% là trình độ thạc sĩ;  30% là trình độ đại học, hơn 37% cao đẳng và trung cấp. Sự quây quần giữa người “thuyền trưởng” Trần Mỹ Sơn với 600 “thủy thủ” đã làm nên những dấu ấn vượt bậc của Viễn thông Lâm Đồng. Đó là vận hành tốt hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2000 đối với các dịch vụ điện thoại cố định, ADSL, dịch vụ giải đáp thông tin kinh tế- xã hội 1080. Đến hết quý 1/2010 tiếp tục áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 1006: 2003. Năm 2009 là năm thứ 19 liên tục, Đảng bộ Viễn thông Lâm Đồng đạt trong sạch vững mạnh. Hiện có gần 300 ngàn thuê bao hoạt động trên mạng viễn thông. Có tất cả 155 trạm viễn thông trên địa bàn. Năm 2009 Viễn thông Lâm Đồng nhận Huân chương Độc Lập hạng Ba. Có 31 sáng kiến được ứng dụng khá hiệu quả trong thực tế…Đây là những minh chứng cho những khẩu hiệu hành động sát thực của Viễn thông Lâm Đồng: “Thay đổi tư duy, tổ chức phù hợp với môi trường cạnh tranh, hội nhập – phát triển. Tạo sự khác biệt và đột phá trong kinh doanh, chuyên nghiệp hóa đội ngũ.”
Sinh ra ở Bình Thuận, mới 2 tuổi được mẹ bồng lên Đà Lạt định cư và dần dần truyền cho hơi ấm của tinh thần nhiệt huyết cách mạng. 
Tinh thần ấy giúp cho Trần Mỹ Sơn không nề hà gian khổ và cái chết trong quãng đời hoạt động nằm vùng từ mưới bốn tuổi đến hai mươi mốt tuổi. Tinh thần ấy đã trở thành ý chí và bản lĩnh vững vàng của Trần Mỹ Sơn trong hành trình chinh phục trí thức, làm chủ công nghệ thông tin ở thời toàn cầu hóa. Rồi từ thực tiễn cất cánh của ngành viễn thông Lâm Đồng, người “thuyền trưởng” Trần Mỹ Sơn đã bổ sung vào vốn lý luận quý giá của mình: “Hãy tạo cho mọi người được thực hiện ý tưởng của mình. Hãy tạo niềm tin và tạo động lực cho mọi người phát triển”./.
THÁNG 5/2009