Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Dưới tán lá trung quân

ÁI VY
15 căn nhà lá trong khu căn cứ Trung ương Cục Cách mạng miền Nam vẫn được bảo vệ an toàn tuyệt đối dưới làn mưa bom bão đạn suốt 13 năm chống Mỹ. Khu rừng huyền thoại dưới những tán lá trung quân đã “đề kháng” được với bom Napan và những trận càn phóng hỏa khốc liệt của quân thù. 

Khu rừng căn cứ trung ương Cục Cách mạng miền Nam chỉ cách Sài Gòn (từng là thủ đô của chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũ ) hơn một giờ đồng hồ đi xe hơi. Đây là một cánh rừng rộng gần 50 ha tọa lạc địa bàn huyện Tân Biên, phía bắc tỉnh Tây Ninh, giáp với nước bạn Campuchia. Ngày nay cánh rừng nằm trong quần thể cả trăm ha thuộc rừng bảo tồn thiên nhiên quốc gia. Căn cứ Trung ương cục được thành lập vào năm 1961 tại khu rừng Mã Đà, tỉnh Đồng Nai. Năm 1962 từ Mã Đà dời về khu Bắc Tây Ninh. Ngày 27/5/1991, khu căn cứ được Bộ Văn hóa công nhận là khu di tích lịch sử văn hóa. Năm 1994, UBND tỉnh Tây Ninh thành lập Ban Quản lý khai thác khu căn cứ thành khu du lịch hành hương về nguồn đối với du khách trong nước và giúp du khách nước ngoài hiểu thêm về lịch sử oai hùng của quân và dân miền Nam chống Mỹ.
Anh Nguyễn Hữu Lễ, phụ trách khu di tích thuyết minh rằng, thời chống Mỹ khu rừng hứng chịu không biết bao nhiêu tấn bom đạn hủy diệt của kẻ thù. Nhưng cây rừng này trụi lá ngã xuống, cây rừng khác cũng kịp đâm chồi, nảy mầm mới che chở cho hoạt động liên tục của khu căn cứ. Bây giờ đến thăm khu căn cứ rừng đã lên xanh tầng tầng lớp lớp. Đây rồi 15 căn nhà làm việc của các ban thuộc Trung ương Cục được tái hiện khá chân thực. Bên dưới những mái nhà hình nón đã đưa ra những chiến lược quyết định trong từng giai đoạn cách mạng miền Nam. Đầu tiên căn nhà mái lá trung quân của đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Bí thư Trung ương Cục. 
Căn nhà nhỏ với 4 bức tường không thưng vách để đón gió thiên nhiên hàng ngày, nhất là những ngày hè nóng bức. Chiếc giường ngả lưng của đồng chí Bí thư nằm cạnh hai cửa hầm thông với đường địa đạo. Gian khổ, hiểm nguy mà tinh thần lạc quan luôn dạt dào trong khối óc, quả tim của người cách mạng. Cạnh bên là căn nhà làm việc rợp bóng rừng xanh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ngưới võ tướng nổi tiếng Việt Nam với phương châm “bám thắt lưng địch mà đánh”. Và đây là căn nhà lợp lá trung quân với di ảnh nụ cười hào sảng cách mạng của nguyên Thường vụ Trung ương cục – đồng chí Phạm Hùng. Chuyện kể về những lúc ác liệt nhất chính là những lúc đồng chí Phạm Hùng với phong thái bình tĩnh nhất, với những quyết định sáng suốt nhất. Nụ cười thường trực của đồng chí Phạm Hùng là những liều thuốc bổ, có giá trị động viên tinh thần rất lớn để triển khai thắng lợi trên các mặt trận.
Vào thăm căn nhà mái lá trung quân của đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên  Thường vụ Trung ương cục Miền Nam thật đặc biệt. Căn cứ nằm ngay giữa lòng địch nhưng có cảm giác mọi thứ hy sinh mất mát nơi đây nhẹ tênh như gió, như mây. Đồng chí Võ Văn Kiệt thiết kế căn nhà có ban công để ngoạn cảnh. Trên ban công là những giàn lan rừng đậm đà hương sắc. Và chiếc máy ảnh, chiếc cần câu còn lưu niệm nơi đây. Cùng làm nên sự nghiệp lớn cho dân tộc, những người lãnh đạo cách mạng có những phút giây thư giãn thật khoan thai, thật mộc mạc dường nào…
Căn cứ Trung ương Cục Cách mạng miền Nam vẫn giữ vững để trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam cho đến ngày thắng lợi cuối cùng. Những cánh rừng vẫn hiên ngang che giấu cán, bộ đội và vây chặt quân thù. Trong đó có tán lá trung quân mà chưa biết bộ đội, du kích, dân thường…- ai là người tìm ra đầu tiên và đặt tên cho lá. Chỉ biết đây là loại lá phát triển rất nhanh ở những cánh rừng miền Đông đất đỏ. Lá chỉ bị cháy khi tiếp xúc trực tiếp với lửa. Lá nào cháy xong là thành tro bụi để bay lên trời lá đó. Không bị cháy lan sang lá khác và sang những mái nhà khác. Bom Napan của Mỹ cũng phải thất vọng vì rất khó gây hỏa hoạn với lá trung quân…Và căn cứ Trung ương Cục Cách mạng miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được lịch sử giao phó bên những tán lá trung quân một thời oanh liệt vậy đó !

CUỐI NĂM 2006