Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

“Lan tinh khiết”

VĂN VIỆT
Cách đây chưa lâu, Công ty TNHH Hoa Lan Thanh Quang ( phường 3, Đà Lạt) đã tận dụng thành công giá thể trồng hoa địa lan từ vỏ cà phê. Giờ đây công ty này lại đi một bước đột phá mới : xây dựng hệ thống sản xuất nước tưới diệt khuẩn cho hoa địa lan. 

Hòa thượng Thích Huệ Đăng, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Lan Thanh Quang hướng dẫn chúng tôi tham quan cả dây chuyền sản xuất nước diệt khuẩn dùng tưới cho hoa địa lan khá đặc biệt. Dây chuyền hoàn toàn mới, được nhập từ nước ngoài. Chất lượng nước diệt khuẩn sản xuất được cơ quan y tế của nhà nước công nhận. Trang trại hoa địa lan Thanh Quang nằm giữa khu rừng sinh thái 5 ha trong quần thể khu du lịch hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt. Trên đỉnh đồi cao nhất có một nguồn nước chảy ra từ vách đá, công ty lắp đặt những đường ống dẫn nước chảy xuống một hệ thống bể lắng lọc ở lưng chừng đồi. Từ đây những đường ống tiếp tục dẫn nước về khu vực sản xuất ở dưới thung lũng. Qua hệ thống thiết bị vận hành công nghệ mới, nước được “thanh trùng” và bơm tưới tự động đồng loạt trên 45 ngàn chậu lan ở đây. Vào trong vườn lan, chúng tôi cảm nhận ngay sự trong lành, tươi mát. Nước tưới sương trắng xóa trên mái nhà kính phủ xuống dày đặc trên cành hoa, nhánh lá địa lan. Cứ 15 phút tưới sương một lần kéo dài gần 10 giây. Bên cạnh đó thiết bị còn có chế độ bơm tưới nhỏ giọt; bơm tưới phân bón hòa tan. Tổng kinh phí đầu tư hoàn chỉnh dây chuyền công nghệ mới này khoảng 300 triệu đồng.     Qua hơn một năm thử nghiệm công nghệ trồng “lan tinh khiết” ở Công ty Thanh Quang đã có kết quả. 
Những mầm bệnh được ngăn chặn gần như tuyệt đối như bệnh nấm và thối rễ của hoa địa lan trong mùa mưa Đà Lạt. Số lượng hoa lan cắt cành đã tăng lên từ 3 cành đến 4 cành mỗi chậu.
Công nghệ trồng “hoa lan tinh khiết” của Công ty Thanh Quang sẽ được giới thiệu rộng rãi trong dịp Festival hoa Đà Lạt năm 2007. Giám đốc công ty, Hòa thượng Thích Huệ Đăng còn cho biết công ty đang xây dựng mở rộng quy mô sản xuất “lan tinh khiết” trong năm 2008 lên đến hơn 100 ngàn chậu. Với công nghệ này, chiết tính trong vòng 5 năm sản xuất - kể từ khi giống mô địa lan được lấy ra từ ống nghiệm - cho thấy tổng chi phí đầu tư, công chăm sóc, khấu hao thiết bị…cho mỗi chậu hoa “địa lan tinh khiết” cắt cành khoảng 230 ngàn đồng ( giá tiêu thụ nội địa thời điểm cuối năm 2006). Tuy nhiên địa lan đến năm thứ 4 sẽ cho “hoa bói” trung bình 2 cành/chậu; năm thứ 5 sẽ là 3 cành/chậu. Và năm thứ 6 trở đi ước đạt từ 4 cành hoa/chậu trở lên. 
Lợi nhuận mỗi chậu lan từ năm thứ 4 đến năm thứ 6 về sau ước đạt từ 5 ngàn đồng đến 45 ngàn đồng. Trong khi địa lan Đà Lạt có thể cho hoa cắt cành từ 10 năm trở lên…
Hy vọng việc đầu tư nuôi trồng “lan tinh khiết”  của công ty TNHH Hoa Lan Thanh Quang, Đà Lạt sẽ cùng nhân rộng việc áp dụng khoa học kỷ thuật công nghệ mới cho nông dân; góp phần “kích cầu” nghề trồng địa lan Đà Lạt ngày càng mở rộng quy mô, nâng cao năng suất và chất lượng hơn.