MẠC KHẢI
Những
trận đánh xuất thần nhập thế từ rừng đước tiêu diệt đội quân càn quét của địch;
những chiếc thuyền chèo tay bất ngờ đánh úp chiến thuyền lớn của địch…là những
hồi ức của “già làng” Đất Mũi ( Ap Rạch Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh
Cà Mau) trong kháng chiến chống Mỹ như vẫn vẹn nguyên đến tận giờ.
“Già làng” tên là Nguyễn Văn Nhớ, năm nay 75
tuổi. Người làng Rạch Mũi trìu mến gọi là “ông Ba Nhớ”. Sinh ra ở làng Đất Mũi,
“Ba Nhớ” nhớ từng luống cây đước theo đất bồi lấn biển hàng năm. Mười lăm tuổi,
“Ba Nhớ” hăng hái tình nguyện tòng quân đánh Pháp, được biên chế vào một đơn vị
chủ lực của Trung đoàn Tây Đô. “Ba Nhớ” nhớ lại: “Lần đầu tiên xa quê hương Đất
Mũi, nhiều đêm nhớ nhà như muốn khóc đi được. May là cuộc sống quân ngũ dồn dập
bước chân trên thao trường, trùng trùng bước chân hành quân mỗi ngày, khiến nỗi
nhớ cũng mau được xua tan, nhường lại cho tinh thần háo hức của người trai làng
đi đánh giặc…” Đuổi Pháp xong, “Ba Nhớ” về lại quê Đất
Mũi chưa tận hưởng hết những ngày sum họp với gia đình thì được lệnh phải xây
dựng lực lượng vũ trang, vào trận tuyến mới ngay chính nơi chôn nhau cắt rốn
của mình. “Được ở lại chiến đấu với người làng xóm mình, tui mừng biết mấy. Rồi
được giữ nhiệm vụ xã đội phó kiêm chính trị viên xã đội… tui được trực tiếp chỉ
huy nhiều trận đánh giữa biễn, giữa rừng đước, thắng cũng giòn giã lắm… ”
Trận đánh mà
“già làng Ba Nhơn” coi như là kỷ niệm sâu sắc nhất của chiến trường, đó là trận
đánh 3 chiến thuyền giặc đang quần đảo ven biển Đất Mũi. Mặt trời vừa tắt xuống
đáy biển khơi, “Ba Nhơn” chủ động một mình một chiếc xuống chèo tay áp sát.
Nhanh chóng điều nghiên, lên sơ đồ những vị trí xung yếu của 3 chiến thuyền
địch. Cuối cùng chọn nơi “tâm hỏa” cho nổ bộc phá. Tiếng nổ vang trời. 3 chiếc
thuyền địch giãy giụa bốc cháy mù mịt rồi chìm nghỉm xuống đáy biển sâu. Lính
địch lớp chết lớp trọng thương lốp ngốp kêu la. “Trận này du kích của địa
phương thu được khá nhiều vũ khí; bắt được gần chục tù bình…”- “Ba Nhơn” nói.
“Ba Nhơn” được
kết nạp vào Đảng năm 1960. Lễ tuyên thệ dưới Đảng kỳ, Quốc kỳ giữa rừng đước
quê hương thiêng liêng quá. Cuộc chiến đấu bảo vệ từng tấc đất tận cùng của Tổ
Quốc càng về sau càng gian khổ nhiều hơn. Vì vậy luôn phải giữ vững tinh thần
xông lên, cương quyết bám đất bám làng, làm tiêu hao sinh lực địch khi đối mặt
các cuộc tuần tiễu, sục sạo hành quân. Và trong một trận đánh khác với lính
thủy đánh bộ của địch, “Ba Nhơn” bị mảnh pháo găm xiên qua vùng đầu. Đồng đội
kịp đưa về tuyến sau, “Ba Nhơn” qua khỏi nguy kịch và hiện nay là thương binh
4/4.
Đất nước thống
nhất, “Ba Nhơn” là Thường vụ của Hội Cựu chiến binh xã nhà. Giờ đây sức khỏe
của “già làng Ba Nhơn” đã yếu đi nhiều bởi di chứng của thương tật. Dẫu vậy khi
chúng tôi gợi đến chuyện chiến đấu chống giặc nơi Đất Mũi - mũi thuyền tận cùng
của Tổ Quốc thì già lại sôi nổi hẳn lên như đang trở về cả một quãng đời tuổi
trẻ…/.
THÁNG 12/2006