Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Làng Mông tự túc lương thực

VĂN VIỆT
Làng Mông có 113 hộ với 667 nhân khẩu nằm ven thung lũng thôn 5, xã Rô Men, huyện Đam Rông, Lâm Đồng. Làng hình thành đã gần sáu năm, chuyển đến từ khu vực di cư tự do trong rừng sâu thuộc địa bàn xã Liêng Sron, Lâm Hà, Lâm Đồng. Biết chăm chỉ lao động, chịu khó tiếp thu cách sản xuất mới, dân làng đã tự túc được lương thực và từng bước tích lũy.

Trưởng làng Mông ( Thôn trưởng thôn 5, Rô Men), Giàng Seo Lông chở tôi đến một khu đồi cà phê xanh ngát bằng xe máy. Đây là mùa thu cà phê katimo thứ ba của Lông với diện tích trên 4 sào. Những ngày đầu nhận được cây giống cà phê đưa về, Lông được cán bộ khoa học kỹ thuật từ huyện, từ tỉnh trực tiếp cầm tay chỉ dẫn đào hố xuống giống. Sau đó cán bộ kỹ thuật thường xuyên xuống đồng giúp Lông chăm sóc từ các giai đoạn cây bén rễ, cây trở mình bệnh tật, cây phát tán trổ hoa, cây cho quả thu hoạch…“Lần đầu thu hái quả cà phê bói về nhà, cảm giác của mình thật khó tả. Hạt cà phê không nấu ăn như hạt gạo. Mà một ký cà phê nhân lại đổi được hai, ba ký gạo.”—Lông nói. Năm nay mùa thu hoạch cà phê của gia đình Lông ước tính sẽ đạt vài chục triệu đồng, số tiền mà chưa bao giờ gia đình Lông tích lũy được.
Giàng Seo Lông cho biết thêm, phần lớn dân làng Mông bây giờ đã biết trồng cà phê, biết được đó là cây công nghiệp dài ngày, có thể thu bán lấy tiền để dành tiết kiệm. Bởi bên cạnh cà phê, dân làng đang canh tác khá hiệu quả nhiều cây trồng khác. Đó là cây chủ lực khoai mì ( sắn) và bắp lai. Seo Lông trồng được 2 sào bắp, mỗi năm thu từ 25 tạ đến 30 tạ. Tiếp theo là giống mì cao sản của Seo Lông trên 2 ha, hàng năm thu hoạch dưới 10 tấn, bán được gần 10 triệu đồng. Đặc biệt là cây lúa đã, đang đem niềm vui cho dân làng, giúp dân làng tự túc được lương thực. Seo Lông có 5 sào ruộng nước, trồng mỗi năm 2 vụ. Vụ mùa vừa rồi, Seo Lông thu được 2 tấn lúa, ăn chỉ có thừa chứ không thiếu giáp hạt như trước đây ( mặc dù hộ gia đình Seo Lông gồm 2 vợ chồng và đến 6 người con).
Thống kê khi đến lập làng, mỗi hộ gia đình làng Mông trung bình có đến 5- 6 đứa con; cá biệt có hộ đến 10 đứa con. Ba năm gần đây, người dân đã áp dụng rộng rãi các biện pháp kế hoạch hóa gia đình nên đã kiềm chế tối đa tốc độ tăng dân số tự nhiên. Trẻ em ra đời ở làng chủ yếu là con của những cặp vợ chồng mới cưới. Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ xây nhà cho; tạo mọi điều kiện cho dân làng có đất sản xuất. Đến nay không còn hộ dân nào không có đất sản xuất. Hộ ít nhất cũng đang sử dụng ổn định từ 4 đến 5 sào đất; trung bình từ 2 ha - 3 ha. Đặc biệt đã có nhiều hộ làm ăn phát triển, mua thêm diện tích đất riêng mình tăng lên thành từ 5 ha đến 6 ha. Nhờ biết thâm canh cây mì, cây bắp và cây lúa nước nên đã không còn hộ nào gặp cảnh thiếu ăn mùa giáp hạt. Để dẫn chứng, Thôn trưởng Giàng Seo Lông tiếp tục chở tôi đi từ những khu vườn đồi cà phê xuống cánh đồng gần 20 ha mà bà con trong làng vừa “tích tụ” được cách đây chưa lâu. 
Những “bờ xôi ruộng mật” nối tiếp nhau chạy dài về phía chân núi đồi. Bây giờ lúa đang thì non tơ xuống đồng, nước được dẫn về tràn đầy chân ruộng. Dòng suối quanh đây có đủ nước tưới mát ruộng lúa mỗi năm 2 vụ, năng suất đạt lên đến 4tấn/ha. Hai cây màu là cây bắp và cây mì bán được hàng năm để chia phần: phần dùng tích lũy để đầu tư mở rộng sản xuất; phần dùng để sửa sang nhà cửa, sắm các phương tiện xe máy, điện thoại, ti vi và dùng làm thức ăn để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay đàn trâu bò của làng có hơn 50 con, đàn heo hơn 200 con và hàng ngàn con gà thả vườn…
Dân làng Mông, Lâm Đồng hàng ngày gần như chỉ có mặt ở nhà vào lúc cơm trưa và lúc tối về. Ai nấy đều hăm hở ra đồng, theo dõi từng “cử chỉ” của cây trồng; suy nghĩ, trăn trở trên từng thớ đất vỡ ra. Tinh thần lao động đáng khích lệ ấy đã giúp cho người làng Mông có đời sống kinh tế phát triển khá nhanh ở xã Rô Men nói riêng và huyện Đam Rông nói chung. /.