Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Chọn điểm xuất phát

VĂN VIỆT 
Chưa tới chín tháng ra đời, xã Trạm Hành (tách ra riêng từ xã Xuân Trường), Đà Lạt đã “tự lập” chọn điểm xuất phát của mình. Lợi thế rõ nét có khu công nghiệp Phát Chi được quy hoạch với hơn 25 ha để phát triển mối quan hệ làm ăn giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông. Đã có nhiều doanh nghiệp cùng với nhà nông trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng công  nghệ mới tăng giá trị sản xuất, chế biến rau, hoa, trà…trên từng đơn vị diện tích.
 
Và mới đây, doanh nghiệp “Vang Đà Lạt” đã “ghi nhớ” với UBND xã Trạm Hành để hợp tác nông dân đầu tư trồng hàng chục ha cây dâu tằm ăn trái làm nguyên liệu sản xuất rượu vang. Được biết nhà máy sản xuất “Vang Đà Lạt” sẽ xây dựng mới trên diện tích 4 ha tại khu công nghiệp Phát Chi, tổng kinh phí khoảng 1,8 tỷ đồng; dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động giữa năm 2010. Đặc biệt vùng công nghiệp Phát Chi đã “phát lộ” những tiềm năng gió dồi dào. Công ty Cavico Việt Nam đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép đầu tư và sẽ khởi công xây dựng nhà  máy vào giữa năm 2010; khánh thành vào giữa năm 2011. Nhà máy xây dựng trên diện tích khoảng 2 ha; phạm vi đặt 20 quạt gió trải dài trong khoảng 350ha. Khi vận hành, nhà doanh nghiệp sẽ gom gió lại thành điện năng cung cấp cho nhà nông Trạm Hành sản xuất và sinh hoạt với công suất khoảng 90triệu kwh/năm.
Ông Nguyễn Hữu Âu, Chủ tịch UBND xã Trạm Hành cho biết thêm: Xã Trạm Hành hiện có khoảng 1.300ha cà phê katimo, đạt năng suất từ 20tấn đến 25tấn tươi/ha/năm. Đang trên dưới 10 năm tuổi, cà phê katimo Trạm Hành với vùng thổ nhưỡng quanh năm giữ được độ ẩm, đạt năng suất và chất lượng khá cao nên được xác định là cây trồng chủ lực. Được biết, Công ty Cà phê Thái Hòa ở Lâm Hà đã đặt vấn đề với UBND xã Trạm Hành để thành lập một hợp tác xã thu mua ổn định sản lượng và giá cà phê hàng năm cho nông dân; đồng thời doanh nghiệp cũng đang nghĩ đến kế hoạch liên kết với nông dân xây dựng thành khu vực nguyên liệu cà phê đạt chuẩn xuất khẩu chất lượng cao. 
Đồng thời với các cây trồng “bổ trợ” khác đã và đang chuyển đổi giống mới như: chè ô long khoảng 200 ha; cây hoa và cây rau thương phẩm khoảng 300 ha, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tại chỗ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Việc phát triển công nghiệp gắn với nông nghiệp công nghệ cao ở Trạm Hành là việc xác định cả trước mắt và lâu dài. Từ điểm xuất phát này đi lên, hy vọng Trạm Hành sớm tạo ra những động lực mạnh mẽ cho sự phát triển về đời sống vật chất và tinh thần của hơn một ngàn hộ dân với hơn năm ngàn nhân khẩu ở vùng xa nhất của thành phố Đà Lạt./.