Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Sấm sét Phi Liêng

VĂN VIỆT
Hơn mười năm qua – năm nào sấm sét cũng “đánh phá” nghiêm trọng xuống các vùng đất ở xã Phi Liêng thuộc huyện Đam Rông, Lâm Đồng. Sét đánh gây thương tích và gây chết nhiều người. Sét đánh gây nhiễm điện cả một khu dân cư; ti vi, đầu máy vidéo-cassette và nhiều thiết bị điện gia dụng khác liên tục bị phá hỏng. Hiểm họa sấm sét như vẫn cận kề đâu đó khi mùa mưa đến vùng đất này.

Gặp phóng viên trong một ngày mưa dầm tháng chín, ông Trần Đình Lưu, Thôn trưởng thôn Thanh Bình kể rằng thôn của ông là khu vực sấm sét tập trung “đánh phá” nhiều nhất trong xã Phi Liêng. Mười năm định cư ở thôn Thanh Bình là mười năm ông và người dân trong thôn phải sống chung dưới luồng điện nguy hiểm cao độ của “ông thiên lôi”. Nếu một ngày thấy bầu trời đen kịt sau những ngày nắng gắt kéo dài thì y như rằng “ông thiên lôi” đang quần đảo tìm những cực âm dưới mặt đất để phát hỏa. Theo phản xạ hễ nghe tiếng sấm chớp ngang trời, người dân ùa chạy vào trong nhà tránh nạn. Thường người dân chọn những nơi khô ráo trải chiếu ngồi nhấp nhổm giữa nền nhà cách ly với chất dẫn điện. Đợt sấm sét vừa qua, thôn trưởng Lưu vẫn chưa hết giật mình khi tiếng nổ lớn với cục lửa to bùng cháy nơi cầu dao điện tổng trong nhà. Cũng may thôn trưởng Lưu về nhà kịp lúc, ngắt nhanh cầu dao điện tổng nên không bị chập cháy các thiết bị điện sinh hoạt. “Nhưng ở xóm Thanh Sơn có hơn 10 hộ dân không được gặp may như tôi!“- Thôn trưởng Lưu kể tiếp: Chiều hôm đó, sét “đánh phá” kéo dài từ tầm hai giờ đến tầm ba giờ. Sau hàng loạt những tia chớp dẫn theo những tràng tiếng nổ uy hiếp là một luồng điện giáng thẳng xuống 10 nóc nhà của xóm Thanh Sơn. Những nhân khẩu của 10 hộ gia đình vừa ở rẫy vườn chạy hớt hải vô nhà chỉ thoáng thấy một vệt sáng dài phụt nổ. Sau đó là những đường dây điện bị cắt đứt đôi vương vãi trước từng sân nhà. Tivi, giàn máy karaoké, giàn máy vidéo, cassette, nồi cơm điện…nhà nào cũng bị lăn lóc cháy đen. Ước tính thiệt hại ở mỗi gia đình phải từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
Sấm sét “đánh phá” ở Phi Liêng không chỉ gây thiệt đến tài sản mà còn gây thiệt hại đến sức khỏe và tính mạng của dân làng nữa. Cũng theo chứng kiến của thôn trưởng Lưu ở nhà cạnh bên, chiều hôm đó cả hai vợ chồng trung niên chạy từ ngoài trời về đến trước cửa nhà liền bị “điện trời” đánh nằm sóng soài, ngất xỉu. Đưa lên trung tâm y tế Phi Liêng cấp cứu mấy ngày sau người chồng mới dần dàn hồi phục lại sức khỏe. Còn người vợ bị đốt cháy sém ở phần vai và mắt, phải chuyển xuống bệnh viện ở Sài Gòn điều trị. Nay người vợ đã xuất viện nhưng một bên mắt vẫn còn mờ mờ, tinh thần vẫn chưa hết hoảng hốt. “Dẫu sao thì cặp vợ chồng trung niên này với thương tích còn nhẹ. Năm ngoái ở cách trung tâm xã Phi Liêng khoảng năm cây số, có một cặp vợ chồng tuổi lục tuần bị sét đánh ngã xuống cửa rừng rất thương tâm. Khi người làng đến nơi thì không còn kịp đưa đi cấp cứu nữa… ”- Thôn trưởng Lưu chùng giọng.
Bên cạnh thôn trưởng Lưu còn có ông K’Điệp, Phó Công an xã Phi Liêng, cũng là một “nhân chứng” thấy sét đánh chết người trong xã. Theo K’Điệp, hồi tháng tư năm ngoái khi nghe trời ầm ầm dông tố, hai vợ chồng tuổi trên ngũ tuần ở thôn Boóp Lé đang quanh quẩn bên nhà để dọn dẹp các thiết bị điện trốn sét. Lúc người chồng đang đi lại cửa nhà bếp; người vợ đang lúi húi bên phía giếng nước cách nhau chừng năm, bảy mét thì một tiếng nổ lớn thình lình chụp xuống căn nhà. Hậu quả tang tóc đã xảy ra: Hai vợ chồng bị sét đánh ngã sấp xuống đất chết tức thì. “Cùng một xóm của hai vợ chồng bị chết này là một bé gái hơn mười tuổi cũng bị sét đánh gây thương tích chỉ trước đó vài ngày. ”- K’Điệp nói tiếp. Đứa trẻ gái bị sét đánh cháy đen ở vùng thắt lưng và vùng thận. Đưa lên trung tâm y tế xã Phi Liêng sơ cứu. Rồi chuyển thẳng lên Bệnh viện Lâm Đồng chữa trị. Sau đó chuyển tiếp về một bệnh viện Sài Gòn. Tất cả thời gian phải mất hàng tháng trời bệnh tình bé gái mới tạm ổn định, được xuất viện về nhà…
Dù chưa có thống kê chính thức nhưng số người chết, số người bị thương, số tài sản bị phá hủy do sấm sét “đánh phá” ở Phi Liêng đang tăng lên hàng năm là một thực tế cảnh báo. Có người cho là mạng lưới điện ở những khu vực  do nhân dân tự lắp đặt bằng hệ thống cột gỗ, không có đường dây nguội tiếp đất nên dễ “đấu nối” với điện sấm sét. 
Người khác lại cho rằng do địa hình đồi núi Phi Liêng hình chiếc bát úp, dưới bề mặt đất có nhiều lớp quặng kim loại, khả tích tụ cực điện âm lớn nên có sức hút mạnh với cực điện dương trên cao, gây sấm sét trong mùa mưa. Nhưng đây cũng chỉ là những giả thiết, những suy đoán rời rạc. Cấp thiết bây giờ là phải có những cơ quan chuyên ngành khoa học về Phi Liêng khảo sát, nghiên cứu, tìm ra những cách thức giúp dân chống đỡ hiệu quả “chiếc búa” sấm sét gây bao tai họa này./.
THÁNG 9/2008