Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Đảo gần sẽ gần bờ hơn

Ký sự : VĂN VIỆT
Cùng đi với chuyến hải trình thăm xuân dài ngày những đơn vị hải đảo, Thượng tá Vũ Văn Tiến, Phó Tham mưu trưởng quân sự Vùng 4- Hải quân thường tâm sự với cánh nhà báo chúng tôi: “Là người lính, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu cao, bảo vệ sự yên bình cho đất nước, cho nhân dân. Với hậu phương đất liền, chúng tôi bao giờ cũng rất trân trọng sự động viên, chia sẻ để chúng tôi luôn vững tâm hoàn thành xuất sắc hơn nữa nhiệm vụ được giao…

Đã đi qua quãng đời quân ngũ hơn một phần tư thế kỷ, Thượng tá Vũ Văn Tiến bày tỏ sự thấu hiểu về những người lính đảo suốt năm chan hòa với nắng gió biển khơi, đặc biệt khi tết đến, xuân về được đón nhận những tình cảm quan tâm từ đất liền là những liều thuốc rất bổ quý cho tinh thần sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi. Chưa kể đâu xa, trong thành viên của đoàn công tác khi đến nơi chúc tết lính đảo Bình Ba, Thiếu tá Đỗ Duy Kiên  ( Phó Tiểu đoàn trưởng quân sự Tiểu đoàn 451, Vùng 4- Hải quân) vẫn chưa thể được phép về nhà tranh thủ sửa soạn tết cùng với vợ con chỉ cách đó mấy cây số đường bộ. “ Phải hoàn thành xong chương trình công tác của đoàn, nếu còn thời gian mới ghé qua thăm nhà được. Đây là mệnh lệnh không lời mà ! ” – Thiếu tá Kiên nói thêm cái “mệnh lệnh không lời” này từ lâu đã trở thành thói quen tự giác chấp hành kỷ luật, tác phong đối với những người lính chọn đường binh nghiệp. Còn đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ đó là khi được người lãnh đạo đơn vị hỏi han, chăm sóc về những nỗi niềm riêng tư do bất ngờ chịu nhiều tác động gián tiếp từ ngoại cảnh. Như có lần một vài chiến sĩ trẻ vì xúc động mạnh bởi nhận tin gia đình gặp hoàn cảnh không may ở quê nhà, người chỉ huy đơn vị biết tin liền đích thân ra ngay khu vực trận địa trong đêm khuya thay gác để chiến sĩ đó được trở về phòng doanh trại nghỉ ngơi. Hôm sau, chỉ huy đơn vị trực tiếp điện thoại hỏi thăm và thông báo cho gia đình chiến sĩ đó hiểu thêm về cuộc sống, sinh hoạt đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của bộ đội trong đơn vị để thay vì lo lắng là dồn sức khắc phục những rủi ro của mình.
Thiếu tá Đỗ Duy Kiên cũng cho biết, để trở thành người lính ra dar hải quân phải được qua  đào tạo hệ sơ cấp kỹ thuật quân sự từ 6 tháng đến 9 tháng trước khi biên chế về nhận công tác ở từng đơn vị. Có trình độ văn hóa và kỹ thuật cơ bản, những người lính ra dar có nhiều thuận lợi sẵn có về “kiến thức nền”, khi về đơn vị là tiếp thu nhanh về kiến thức chính trị, nâng cao nhận thức về nghĩa vụ và trách nhiệm của quân nhân. Từ đó mỗi quân nhân từ từng ngày, từng tháng; từng quý và đến từng năm đều đăng ký thi đua trên từng vị trí công tác của mình. Kết quả ghi nhận riêng mốc thời gian từ 5 năm qua, mỗi đơn vị ra dar ở mỗi hải đảo đều được xét và công nhận danh hiệu “Quyết thắng” từ 1 năm đến 2 năm. Trong đó nổi bật là đơn vị ra dar đảo Bình Ba được nhận danh hiệu “Quyết thắng” 5 năm liền. Để giành được thành tích cao như vậy, tất cả các đơn vị ra dar trên đảo đều nỗ lực lớn để đảm bảo những chỉ số sẵn sàng chiến đấu cao nhất như: Đảm bảo hệ thống kỹ thuật vận hành thông suốt; đảm bảo quân số chiến đấu 100%; xây dựng cảnh quan môi trường đơn vị sạch đẹp, mở rộng qui mô tăng gia, sản xuất để cải thiện bữa ăn cho bộ đội…Tổng hòa những thành tích từng đơn vị ra dar hải đảo đã cùng xây dựng nên thành tích lớn của Tiểu đoàn 451- Vùng 4- Hải quân đạt 5 năm liền là “Tiểu đoàn Quyết thắng”. Hàng trăm ngàn mục tiêu hoạt động trên phạm vi biển đảo duyên hải miền Trung đã không thể nào vượt ra qua khỏi tầm quán xuyến của con mắt thần hải quân của Vùng 4. Từng đơn vị ra dar có thể giám sát và phối hợp hoạt động từng giờ phút trên mỗi cánh sóng với nhau. Và qua báo cáo công tác hàng ngày cũng như qua kiểm tra toàn diện theo định kỳ hoặc đột xuất, chỉ huy từ cấp tiểu đoàn lên đến cấp Vùng chủ quản đã kịp thời đánh giá từng mặt công tác làm được và chưa được, từ đó chỉ ra các biện pháp nâng cao không ngừng thành tích huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên từng đơn vị.

Bên cạnh nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị hải quân đóng doanh trại gần khu dân cư ở các đảo Phú Quý, Hòn Tre, Bình Ba, đã triển khai khá hiệu quả công tác dân vận hàng năm. Như mỗi khi mùa mưa bão về trên biển, bộ đội hải quân luôn chủ động kế hoạch giúp nhân dân phòng chống những nguy cơ thiệt hại có thể xảy ra. Bên cạnh đó là thường xuyên diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao giữa tổ chức đoàn thanh niên của bộ đội và đoàn thanh niên của địa phương, từ đó gắn bó quan hệ mật thiết hơn giữa đơn vị bộ đội với chính quyền địa phương, giữa người quân nhân với nhân dân địa phương. 
Tuy nhiên nếu chỉ thuần túy so sánh điều kiện về điện, nước sinh hoạt hiện tại của đơn vị hải quân với điều kiện sinh hoạt chung của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên cùng một hòn đảo thì bộ đội còn thiếu thốn quá. Trong khi điện lưới quốc gia đã phủ kín khắp vùng trên đảo thì riêng đơn vị bộ đội chỉ sử dụng máy nổ phát điện được vài ba tiếng đồng hồ mỗi ngày. Và trong khi nước sạch cũng đã dẫn đường ống về được các khu vực lân cận thì bộ đội lại phải tiết kiệm từng giọt nước mưa để ăn uống và phải tích trữ từng gầu nước suối để tắm giặt. Điều này – theo chúng tôi - nếu như bây giờ có sự huy động trong tầm khả năng hỗ trợ từ “phía dân sự” thì đâu xa nữa, điện, nước sinh hoạt với bộ đội sẽ không còn là nỗi vất vả mãi. Lúc ấy chắn hẳn rằng cuộc sống của bộ đội đảo gần sẽ góp phần được rút ngắn lại gần bờ hơn./. 
THÁNG 3/2009